BÀI DỰ THI: Chất độc da cam do Mỹ gây ra ở Việt Nam - Hiện thực tội ác và nỗi đau dai dẳng
Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học đầu tiên trong lịch sử, đi ngược lại các công ước của nhân loại về quyền con người và các giá trị nhân văn cao cả. Thảm họa đối với sức khỏe con người và môi trường do cuộc chiến tranh này gây ra còn kéo dài cho đến ngày nay và cả mai sau. Chất độc da cam vẫn lặng lẽ hủy hoại con người và môi trường một cách khủng khiếp nhất. Không phải vô ích khi nhớ rằng không thể xây dựng tương lai nếu không nhìn lại quá khứ. Ông Desmond Tutu- người đạt giải Nobel hòa bình năm 1984 đã từng nói: “Quá khứ nếu như không được giải quyết thích đáng thì không những không biến mất hay nằm xuống và ngủ yên mà còn quay trở lại làm ta xấu hổ và ám ảnh ta một cách dai dẳng”.
Ngày nay, Việt Nam là một quốc gia hơn 96,2 triệu người đang sống trong hòa bình, đất nước đổi mới, hội nhập có những bước phát triển nhanh chóng, năng động. Song, những gì mà quá khứ để lại vẫn còn rất nặng nề. Trong đó, phải đặc biệt kể đến những hậu quả của chất độc da cam, chất làm rụng lá có chứa dioxin đã được Quân đội Mỹ phun rải xuống miền Nam Việt Nam trong suốt 10 năm của cuộc chiến tranh.Việc này thực sự đã vi phạm các công ước về nhân đạo, lương tri và trái ngược với lời ghi trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Thời gian trôi qua, có những vết thương có thể hàn gắn được; tuy nhiên, cũng có những vết thương hằn sâu vào gây nên những đau đớn về thể xác và tinh thần. Có những bê bối bị lãng quên và chính sự lãng quên đó lại làm tăng thêm bê bối, đó chính là chất độc da cam – một loại thuốc diệt cỏ, có một vạch sơn mầu da cam trên thùng chứa sản phẩm này để nhận biết và phân biệt nó với những loại thuốc diệt cỏ khác. Cách đặt tên này có vẻ kín đáo, thậm chí “thơ mộng” đối với các sản phẩm cực kỳ độc hại. Về mặt khoa học chất độc da cam là một hỗn hợp gồm tỷ lệ tương đương 2,4D và 2,4,5-T, trong đó dioxin là một phụ gia trong sản xuất với liều lượng 3-4mg/lít. Trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, Mỹ đã tiến hành chương trình phun rải hàng loạt hóa chất diệt cỏ trong suốt 10 năm trên phạm vi rộng lớn chưa từng có với tổng cộng hơn 80 triệu lít hóa chất các loại, bao gồm 55 triệu kilogam hóa chất diệt cỏ[1]. Trong số các chất độc đã sử dụng, chất độc da cam chiếm 61% tổng khối lượng các chất độc đã phun rải xuống trong những năm chiến tranh ở Việt Nam, chất độc màu trắng chiếm 27% và màu xanh lam khoảng 11%. Mỹ đã phun rải thuốc diệt cỏ với số lượng tương đương nhau trong ba năm đỉnh điểm từ 1967-1969 và chi phí cho việc này chiếm hơn ¾ tổng chi phí cho chiến tranh tại Việt Nam[2] đã làm cho khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm. Đó là một thảm họa và cho đến ngày hôm nay, sau 60 năm, thảm họa đó vẫn còn dai dẳng, vẫn tiếp tục những tác động hủy diệt ngấm ngầm.
Hành động phun rải hóa chất đã hủy diệt lâu dài thảm thực vật và con người và nguồn thực phẩm của quân đội và nhân dân Việt Nam, nhưng các cơ quan chính quyền và Quân đội Mỹ có trách nhiệm chẳng quan tâm đến hậu quả chết người hay những tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tương lai của những người bị nhiễm chất độc và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả cho hành động của mình. Trước những nỗi đau và tổn thương cực kỳ lớn lao đó, khó có thể tránh khỏi việc đề cập những căn cứ pháp lý để tìm ra phương hướng đúng cho phép đưa tội ác này ra xét xử và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó có thể là xâm phạm quyền, lợi ích chung và của cá nhân, xâm phạm quyền sở hữu tài sản, vô ý gây thiệt hại về người như sức khỏe, thiệt hại về tinh thần, thiệt hại do lỗi sản phẩm. Ngày 04/6/2009, tại Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, các nhà khoa học, nghị sĩ, luật gia và luật sư Mỹ phát biểu và khẳng định: Chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe cho binh sĩ Mỹ, các binh sĩ nước đồng minh của Mỹ, cho người dân Việt Nam và môi trường sinh thái ở Việt Nam; đồng thời, kiến nghị với Chính phủ Mỹ phải bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Mặc dù hành vi của Hoa Kỳ và các công ty hóa chất sản xuất, cung cấp chất độc da cam có thể cấu thành vi phạm trên cơ sở một trong những căn cứ pháp lý nêu trên, các vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam ở Hoa Kỳ và Việt Nam đều không thành công. Tòa án Liên Bang Hoa Kỳ đã áp dụng nguyên tắc miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với Chính phủ Liên bang và nhà thầu Chính phủ để từ chối thẩm quyền giải quyết vụ việc[3]. Theo pháp luật Hoa Kỳ, Chính phủ Liên bang được miễn trừ trách nhiệm pháp lý và do đó không thể bị kiện bởi bất cứ ai trong các vụ kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp chính phủ từ bỏ quyền miễn trừ này trong một điều luật cụ thể[4]. Thực tế, các đơn kiện tiêu biểu của các chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh tại Việt Nam và của các nạn nhân chất độc da cam người Việt Nam đã bị bác bỏ cả ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm trên cơ sở quyền miễn trừ trách nhiệm của các nhà thầu chính phủ[5]. Tòa phúc thẩm ở New York đã kết luận rằng “lợi ích hợp pháp của Chính phủ Liên bang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công đòi hỏi phải miễn trừ trách nhiệm cho các nhà thầu chính phủ trong một số trường hợp”[6].
Trách nhiệm khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và con người là trách nhiệm của lương tâm và thời đại bao gồm cả trách nhiệm pháp lý. Mỗi chúng ta hãy đến với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin để sẻ chia nỗi đau khổ tột cùng của con người. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Khép lại những chương đau thương của lịch sử, bằng cách nhìn nhân đạo và thân thiện, người Mỹ cùng chúng ta đã và đang có những cố gắng hợp tác nhằm khắc phục hậu quả của dioxin đối với môi trường và cả đối với các nạn nhân da cam. Tuy nhiên cuộc đấu tranh pháp lý của các nạn nhân da cam vẫn chưa có hồi kết và công lý vẫn chưa được khẳng định, con đường của các nạn nhân da cam vẫn còn đầy rẫy những khó khăn và trở ngại, dù khó khăn và trở ngại đến đâu thì vẫn phải kiên trì đấu tranh và bằng mọi phương pháp, hình thức phù hợp để giành chiến thắng ./.
Lê Văn Hòa
[1] Chất độc da cam tại Việt Nam tội ác hôm qua, thảm kịch hôm nay, Nxb Chính trị quốc gia, H.2009, tr.115.
[2] Chất độc da cam tại Việt Nam tội ác hôm qua, thảm kịch hôm nay, Nxb Chính trị quốc gia, H.2009, tr.117.
[3] Xem vụ Isaacson v.Dow chem.Co., 2004; Vụ Inre “Agent orange Product Liability Litigation”, 1987 và vụ Inre “Agent orange Product Liability Litigation” của các nguyên đơn Việt Nam năm 2005.,
[4] Xem vụ kiện Gray v.Bell, 712 F.2d 490, 507 (D.C.Cir, 1983).
[5] Inre “Agent orange” Prod. Liabi. Litig., 517,F.3d 76, United states Court of Appeals for the second Circuit, Febbuary, 22, 2008
[6] Inre “Agent orange” Prod. Liabi. Litig., 517,F.3d 76, United states Court of Appeals for the second Circuit, Febbuary, 22, 2008.
Bình luận