• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Người thắp sáng nghĩa tình đồng đội

Đó là cựu chiến binh, thương binh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Hoàng Mai (Hà Nội) Hoàng Thanh Phú. Và, ông còn được đồng đội, hội viên Hội Nạn nhân chất độc (NNCĐ) da cam/dioxin quận Hoàng Mai tôn vinh là người “thắp lửa và giữ lửa” phong trào Hội.

Nhận chức Chủ tịch Hội NNCĐ da cam/dioxin quận Hoàng Mai đầu năm 2014. Lúc đó Hội chỉ có 145 hội viên là nạn nhân trực tiếp bị phơi nhiễm chất độc hóa học dioxin và 95 nạn nhân thế hệ 2. Là Hội đặc thù, nhưng Hội NNCĐ da cam/dioxin “sinh sau, đẻ muộn” (thành lập sau Nhị định số 45/2010/NĐ-CP) nên không nằm trong diện được thụ hưởng chế độ thù lao theo QĐ số 30/QĐ-TTg ngày 01/06/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Hội hoạt động trong hoàn cảnh như một số hội cấp huyện của tp Hà Nội “3 không”: không văn phòng, không kinh phí, không thù lao cho cán bộ chuyên trách, nhưng với cương vị là Chủ tịch Hội, ông Hoàng Thanh Phú cùng Ban chấp hành Hội, những đồng đội một thời máu lửa nơi chiến trường đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua khó khăn, để rồi “không bột vẫn gột nên hồ”.

Ông Hoàng Thanh Phú cho biết: Sau 5 năm hoạt động, Hội NNCĐDC/dioxin quận Hoàng Mai đã thành lập được 4 Hội cấp phường với 226 hội viên. Các phường còn lại (10 phường) chưa thành lập Hội vì không đủ số lượng hội viên theo quy định. Quận Hội có định hướng sẽ liên kết 2 - 3 phường thành một Hội, theo đó, phường sẽ là chi hội. Hội phấn đấu 100% NNCĐDC/dioxin trên địa bàn quận vào sinh hoạt Hội. Điều đáng mừng là trong 5 năm qua, tổ chức Hội thực sự là nơi gửi gắm niềm tin, nơi kết nối, sẻ chia và lan tỏa nghĩa tình đồng đội của những NNCĐ da cam/dioxin.

Ông Hoàng Thanh Phú chuẩn bị tài liệu sơ kết công tác Hội 6 tháng đầu năm 2019.

Nói về khó khăn của Hội, ông Phú tâm sự: Tôi dành một phòng nhà tôi làm Văn phòng Hội, mỗi khi sinh hoạt Ban chấp hành Hội hay tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào Hội, tôi phải mượn Nhà văn hóa phường. Về kinh phí hoạt động, tôi động viên các Hội cơ sở tự thân vận động, rất vui là các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn phường, quận rất quan tâm chia sẻ, giúp đỡ Hội. Về thù lao cho cán bộ Hội chuyên trách, từ quận Hội đến các phường đều có chung quan điểm là: Làm việc vì nghĩa tình đồng đội, không suy tính thiệt hơn về vật chất, còn sức còn làm.

Nói và làm. Chủ tịch Hội Hoàng Thanh Phú đã lăn lộn với cơ sở, hầu như tuần nào ông cũng dành thời gian về các phường tìm hiểu, gặp gỡ, thăm hỏi những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau để động viên sau đó cùng Hội cơ sở bàn biện pháp giúp đỡ. Ví như trường hợp hội viên Nguyễn Văn Ninh, phường Đại Kim có 3 người con bị dị tật, bản thân ông Ninh sức khỏe yếu, gia đình sống trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, Hội đã vận động các nguồn lực từ các nhà hảo tâm và trích quỹ “Tấm lòng đồng đội” của Hội giúp đỡ hội viên Ninh 70 triệu đồng để làm nhà. Ngoài Hội còn dành 21 triệu đồng tặng 70 xuất quà cho hội viên nhân dịp Tết cổ truyền và các ngày kỷ niệm Thương binh liệt sỹ 27 – 7, Tết độc lập 2 – 9, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 – 12, các cơ sở Hội đều tổ chức gặp mặt hội viên, giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các Hội. Đây là dịp để các hội viên gặp gỡ, chia sẻ tình cảm, ôn lại những ngày chiến đấu ác liệt ở chiến trường từ đó thắp sáng lên nghĩa tình đồng đội. Điển hình là Hội viên Trần Văn Bính, phường Hoàng Liệt, đã giúp đỡ bằng vật chất cho một số hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch Hội Hoàng Thanh Phú đã dành tiền chế độ hưu trí của mình đặt mua 16 ấn phẩm Tạp chí da cam Việt Nam cấp cho các 4 cơ sở Hội và 10 phường chưa thành lập Hội để hội viên và những NNCĐ da cam tìm hiểu về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về NNCĐ da cam/dioxin, hiểu hơn về tổ chức Hội. Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, ông Hoàng Thanh Phú còn dành tiền cá nhân mình hỗ trợ gia đình liệt sỹ đi lấy hài cốt liệt sỹ từ chiến trường Miền Nam về quê. Và, mỗi khi hội viên, cha mẹ hội viên ốm đau, ông Phú đều tổ chức anh em trong Ban chấp hành Hội đến thăm hỏi, tặng quà, nhiều khi ông bỏ tiền của mình để mua quà thăm hỏi. Hội viên, bố mẹ hội viên chết, Hội tổ chức thăm viếng chu đáo. Việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn, thể hiện nghĩa tình đồng đội cao đẹp, làm cho hội viên càng thêm gắn bó với tổ chức Hội, những hội viên chưa chưa vào hội sẽ tha thiết hơn với tổ chức Hội. Đặc biệt, hoạt động của Hội sẽ tác động đến cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với NNCĐ da cam. Chủ tịch Hội Hoàng Thanh Phú tiết lộ, trong tháng 7 này, sẽ có thêm một phường nữa ra mắt Hội NNCĐDC/dioxin.

Về ông Chủ tịch Hội Hoàng Thanh Phú, ít người biết được hoàn cảnh của ông, vừa là một thương binh, NNCĐDC đã hơn 30 năm sống trong cảnh “gà trống nuôi con”. Từ hoàn cảnh của mình mà ông hết lòng vì đồng đội, vì phong trào Hội. Ông Phú cho biết: Ông nhập ngũ tháng 4/1967 lúc đó ông bước vào tuổi 17, cân nặng chưa đến 45 kg, chỉ cao 1,55m, tháng 2/1968 ông vào chiến trường Miền Nam, chiến đấu ở các mặt trận Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quân khu 5. Tháng 11/1970, ông được kết nạp vào Đảng sau một trận đánh, lúc đó ông là Trung đội trưởng. Tuổi trẻ, mưu trí, dũng cảm ông được chỉ huy tin tưởng, tháng 2/1971, ông bị thương mắt trái, điều trị 15 ngày ở Bệnh viện dã chiến Nam Lào, vết thương chưa lành hẳn, ông Phú đã khoác ba lô trở về đơn vị chiến đấu. Ông Phú tâm sự: Có những trận đánh, cả đơn vị nằm dưới “làn mưa” chất độc hóa học của máy bay giặc Mỹ, anh em phải dùng khăn, áo dầm nước đắp lên mặt, có trận đánh cả trung đội chỉ còn mấy anh em lành lặn trở về.

Năm ông 21 tuổi, ông Phú đã là Tiểu đoàn phó, rồi Tiểu đoàn trưởng, ông là một trong số sỹ quan chỉ huy trẻ nhất của Sư đoàn 3, Quân khu 5 lúc đó. Cuối năm 1975, ông Phúc phục viên. Năm 1980, ông xây dựng gia đình. Bước ngoặt cuộc đời của người thương binh 3/4 Hoàng Thanh Phú bắt đầu từ đó.

Ông Phúc tâm sự: Năm 1981 tôi sinh đứa con trai đầu lòng. Đứa con bị liệt chân trái. Đấy là hậu quả chiến tranh mà những năm tháng chiến đấu ở chiến trường để lại, năm con trai lên 5 tuổi thì hai vợ chồng chia tay nhau. Tháng 12 năm 1993, ông Phúc nghỉ hưu để chăm con. Nhưng nghỉ hưu đâu có được nghỉ việc, ông được chính quyền và nhân dân tin tưởng giao làm Trưởng thôn, rồi Chủ tịch HĐND, Bí thư Đảng ủy phường, năm 2014 ông được Quận ủy, UBND quận Hoàng Mai giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội NNCĐ da cam/dioxin quận.

Ở bất cứ vị trí công tác nào, ông Hoàng Thanh Phú cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn phát huy bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội. Ước nguyện lớn nhất của ông Hoàng Thanh Phú là tất cả NNCĐ da cam/dioxin ở quận Hoàng Mai đều vào tổ chức Hội, cùng đồng đội sẻ chia niềm vui, khó khăn vất vả, bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống.

Trung Hiếu

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...