• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nữ Chủ tịch Hội: Trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội

Hơn 20 năm quân ngũ, 15 năm công tác trong ngành y tế, đầu năm 2005 bà Nguyễn Thị Phương nghỉ chế độ hưu trí. Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc. Về quê, bà Phương đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Da cam xã. Hơn 8 năm sau (2013), bà Nguyễn Thị Phương đã góp công, góp của đưa hai hài cốt liệt sỹ từ Quảng Bình về Hòa Bình và Cao Bằng.

Giữ trọn lời hứa với đồng đội

Nhập ngũ tháng 5/1971. Sau khóa huấn luyện sơ cấp thông tin liên lạc tại Trung đoàn 136/Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc, bà Phương cùng lớp tân binh trẻ nhận nhiệm vụ vào chiến trường Miền nam. Bà được bổ xung vào đơn vị Tổng đài 200 số A73, đóng quân tại Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị. Một số tân binh được biên chế vào Tổng đài 200 số A69, đóng tại hang Đò Lèn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Bà Nguyễn Thị Phương thường xuyên cập nhập thông tin trên Tạp chí Da cam Việt Nam.

Bà Phương tâm sự: Hôm ấy, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 2/7/1972, tôi đang trực Tổng đài thì nhận dược tin báo, Tổng đài A69 (hang Đò Lèn) bị trúng bom, 13 cán bộ, chiến sỹ đơn vị A69 đã hy sinh, trong đó có hạ sỹ Bùi Thị Lung. Tôi gào lên: Các anh các chị ơi A69 bị trúng bom rồi. Thật ơi, Xuyến ơi, Thời ơi, Dinh ơi (chúng tôi là đồng ngũ, đồng hương Hoà Bình với Bùi Thị Lung) cái Lung hy sinh rồi, mấy chị em chúng tôi ôm nhau khóc. Tôi đứng trước mọi người, nén nỗi đau, nghiêm giọng nói: “Lung ơi. Chúng mình hứa với bạn, sau này giải phóng Miền Nam, nước nhà thống nhất, chúng mình nhất định sẽ đón bạn về với đất mẹ Hòa Bình chúng mình”.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, chị em Tổng đài A73, người phục viên, người chuyển ngành, người ở lại quân ngũ, mỗi người một phương, kinh tế lúc đó rất khó khăn, vì vậy lời hứa với bạn - Liệt sỹ Bùi Thị Lung, bà Phương chưa thực hiện được, hơn 40 năm (1972 – 2013), lời hứa đó cứ canh cánh trong lòng bà.

Bà Phương cho biết: Hơn 8 năm, chắt chiu tiết kiệm từng đồng lương hưu cộng với tiền chăn nuôi gà, bà đã có được ít tiền nên quyết định thực hiện lời hứa của mình với đồng đội – Liệt sỹ Bùi Thị Lung. Đầu tháng 3/2013, bà Phương khoác ba lô từ quê đi mấy chặng xe khách, xe ôm về xã Kim Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) gặp gia đình liệt sỹ Bùi Thị Lung và UBND xã để bàn bạc về việc đưa hài cốt liệt sỹ Lung về quê. Được gia đình liệt sỹ Lung và chính quyền xã Kim Sơn đồng tình, bà Phương lại khoác ba lô về huyện Kim Bôi, rồi về Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Hòa Bình để làm các thủ tục cần thiết. Sau đó bà Phương lại đi xe khách về Hà Nội đến đơn vị Lữ đoàn 134/Bộ Tư lệnh Thông tin xin ý kiến và giúp đỡ. Lãnh đạo Lữ đoàn 134 đồng ý và sẵn sàng cùng gia đình đưa hài cốt liệt sỹ Bùi Thị Lung về quê. Từ Hà Nội, bà Phương lại đi xe khách về Kim Bôi, sau đó đi xe ôm gần 20 km về nhà liệt sỹ Lung để hòan tất thủ tục và đưa đại diện gia đình liệt sỹ Lung ra Hà Nội làm việc với Lữ đoàn 134. Cứ như con thoi, bà Phương ngược suôi từ huyện Kim Bôi (Hòa Bình) về Hà Nội và ngược lại. Chuyến đi kéo dài đúng 10 ngày bà Phương mới trở về nhà.

Gần 5 tháng sau, ngày 5/8/2013, bà Phương cùng đại diện gia đình liệt sỹ Bùi Thị Lung có mặt tại Lữ Đoàn 134 cùng đoàn vào huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ngày 8/8/2013, hài cốt liệt sỹ Bùi Thị Lung được đưa từ nghĩa trang xã Đồng Lê, huyện Bố Trạch, nơi yên nghỉ của 13 cán bộ, chiến sỹ Tổng đài A 69 đã hy sinh trong trận bom ngày 27/2/1972 về nghĩa trang Liệt sỹ huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sỹ Bùi Thị Lung được chính quyền, Ban chỉ huy Quân sự huyện Kim Bôi tổ chức long trọng, trang nghiêm, cảm động.

Sau lễ an táng hài cốt liệt sỹ Lung, gia đình, họ hàng liệt sỹ Lung đã làm lễ gia nhập tổ tiên công nhận bà Nguyễn Thị Phương là người con trong gia đình, là thành viên cuả dòng họ, là chị gái của liệt sỹ Bùi Thị Lung.

Lên Cao Bằng tìm gia đình liệt sỹ

Bà Phương cho biết, trong khi lấy hài cốt liệt sỹ Bùi Thị Lung ở nghĩa trang xã Đồng Lê, bà phát hiện còn một ngôi mộ, trên bia mộ ghi: “Liệt sỹ Lương Văn Chấn, quê xã Đoài Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Hy sinh ngày 2 tháng 7 năm 1972”. Bà Phương biết rằng liệt sỹ Chấn là một trong số 13 chiến sỹ Tổng đài 200 số A69 đã hy sinh trong trận bom Mỹ ngày 2/7/1972. Bà Phương phân vân, không biết gia đình có nguyện vọng đưa hài cốt liệt ỹ Chấn về quê không? Bà ghi lại thông tin trên bia mộ.

Sau ngày an táng hài cốt liệt sỹ Bùi Thị Lung, bà Phương kể lại việc nhìn thấy bia mộ liệt sỹ Lương Văn Chấn và băn khoăn của mình cho vợ chồng nhười con trai nghe. Nghe mẹ nói, con dâu và con trai bà động viên “Mẹ có địa chỉ rồi, mẹ lên Cao Bằng tìm gặp gia đình bác ấy (liệt sỹ Chấn) xem. Nếu gia đình họ có nguyện vọng đưa hài cốt bác ấy về mà kinh tế khó khăn không đi lấy được thì mẹ con mình giúp đỡ”. Được con động viên, nhưng bà Phương nghĩ, đường lên Cao Bằng, rồi tìm về huyện Trùng Khánh, về xã Đoài Côn đâu phải dễ, biết là khó khăn, vất vả, tốn kém nhưng vì nghĩa tình đồng đội, bà quyết tâm đi.

Bà Phương tâm sự: Con cái động viên, hỗ trợ chút ít kinh phí làm sao mà đủ được, chúng nó cũng khó khăn, cho nên bà không thể đi Cao Bằng ngay được, bà phải chuẩn bị đủ “kinh phí” mới triển khai thực hiện.

Sau gần một năm chắt chiu tiết kiệm tương đối “đủ lực”, ngày 19/5/2014, bà Phương ra Hà Nội đi xe khách lên Cao Bằng rồi “bắt” tắc xi vào huyện Trùng Khánh. Sau khi làm việc với phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện, bà Phương đi xe ôm về xã Đoài Côn, tìm đến gia đình liệt sỹ Lương Văn Chấn.

Bà Phương kể lại, vợ chồng liệt sỹ Chấn chỉ sinh được một người con gái tên là Lương Thị Ninh. Vợ liệt sỹ Chấn đã mất, hiện vợ chồng chị Ninh thờ cúng bố, gia đình chị Ninh thuộc diện hộ nghèo. Khi nghe bà Phương hỏi nguyện vọng của gia đình về việc đưa hài cốt bố về quê, chị Ninh ôm lấy bà Phương khóc, nói: Trước lúc mất, mẹ cháu dặn cháu, cố gắng lấy hài cốt của bố về quê cho tiện chăm sóc phần mộ, hương khói, nhưng do gia đình khó khăn không có điều kiện nên vợ chồng cháu không thực hiện được lời mẹ dặn.

Cảm động, xẻ chia với hoàn cảnh của chị Ninh, ngay trong ngày hôm đó, bà Phương về Hà Nội, đến gặp Ban chỉ huy Lữ Đoàn 134/ Bộ tư lệnh Thông tin, trình bày lại ý nguyện của mình và nguyện vọng của con gái liệt sỹ Lương Văn Chấn. Một tháng sau, ngày 20/6/2014, bà Phương nhận được thông báo của Phòng chính trị Lữ Đoàn 134, yêu cầu bà Phương đem đơn của gia đình liệt sỹ nộp cho Ban chỉ huy Lữ Đoàn. Mừng quá, ngay trong ngày hôm đó bà Phương “bắt” xe khách về Hà Nội, rồi đi xe lên Cao Bằng về nhà chị Ninh. Do chị Ninh không biết chữ nên bà Phương phải viết đơn, sau đó cùng chị Ninh ra UBND xã xin xác nhận. Làm xong thủ tục ở địa phương, bà Phương về ngay Hà Nội đến đơn vị Lữ Đoàn 134 nộp đơn.

Một tháng sau, ngày 25/7/2014, bà Phương nhận được thông báo của Ban chỉ huy Lữ Đòa 134 về thời gian đi Quảng Bình lấy hài cốt liệt sỹ Lương Văn Chấn. Bà Phương lại tức tốc từ nhà ra Hà Nội lên Cao Bằng vào xã Đoài Côn, huyện Trùng Khánh đón chị Ninh về Hà Nội có mặt tại Lữ đoàn 134 đúng thời gian.

Ngày 9/8/2014, đúng 7giờ 30 phút, lễ an táng hài cốt liệt sỹ Lương Văn Chấn được tổ chức trọng thể, trang nghiêm tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Trùng Khánh. Không chỉ gia đình chị Ninh mà lãnh đạo huyện Trùng Khánh, bà con xã Đoài Côn biết chuyện bà Phương vượt núi, băng đèo đi cả chặng đường hàng trăm cây số để tìm gia đình liệt sỹ Lương Văn Chấn, giúp đỡ gia đình liệt sỹ cả vật chất lẫn tinh thần, thực hiện ý nguyện, đưa hài cốt của của liệt sỹ Lương Văn Chấn về đất mẹ Trùng Khánh, Cao Bằng thì rất cảm động.

Như vậy, trong vòng một năm (8/2013 – 8/2014), bà Nguyễn Thị Phương đã góp công, góp sức, góp của cùng đơn vị Lữ Đoàn 134 đưa hai hài cốt liệt sỹ Tổng đài 200 số A73 hy sinh ngày 2/7/1972 tại Hang Đò Lèn (Bố Trạch, Quảng Bình) về với đất mẹ Kim Bôi (Hòa Bình) và Trùng Khánh (Cao Bằng).

Việc làm hết lòng vì nghĩa tình đồng đội của bà Nguyễn Thị Phương, Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Da cam xã Yên Quang (Kỳ Sơn, Hòa Bình) đã được Bộ tư lệnh Thông tin và Ban liên lạc Bạn chiến đấu E 136 và Lữ Đoàn 134 biểu dương, khen thưởng.

Trung Hiếu

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...