• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nữ nạn nhân chất độc da cam vượt khó

Chị Lê Thị Thanh sinh năm 1949 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại thôn Văn Quán, xã Văn Khê, Huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Năm 1967, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt nhất, chị Lê Thị Thanh đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ bằng máu của mình .
Chị Lê Thị Thanh

 

 Lên đường nhập ngũ với nhiệt huyết của tuổi trẻ và truyền thống yêu nước của phụ nữ quê hương Hai Bà Trưng, người cha kính yêu- một Sĩ quan Quân đội đã căn rặn chị: “Con lên đường phải nhớ là chiến thắng bằng được hai kẻ thù là kẻ thù đế quốc và kẻ thù tư tưởng”. Ghi lời cha, chị như chim sổ lồng được chắp thêm đôi cánh. Chị nỗ lực vượt qua mọi thử thách, rèn luyện trong chương trình huấn luyện chiến sĩ mới. Thời gian huấn luyện chiến sỹ mới kết thúc, chị được điều vào chiến trường Liên khu 5. Những ngày đầu vào chiến trường, dù cuộc sống trăm bề thiếu thốn, cái chết luôn cận kề, song với bản lĩnh của người chiến sĩ được tôi luyện, được đồng đội dìu dắt, chị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đêm đêm, giữa rừng già Trường Sơn, khi các đồng đội đã chìm sâu vào giấc ngủ, nỗi nhớ quê hương, nơi có cha mẹ già, người thân, bạn bè lại ùa về... Tự nhiên, những giọt lệ từ trong khóe mắt chị lại trào ra, những lúc đó chị luôn hứa với lòng mình phải nỗ lực hơn nữa cho xứng đáng niềm tin của người thân.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, gần 10 năm phục vụ tại chiến trường Liên khu 5, chị đã kinh qua nhiều công việc. Từ nhiệm vụ giao liên, cấp dưỡng đến nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ (tại chiến trường chị được đào tạo thành một quân y sĩ) dù ở bất cứ cương vị công tác nào chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong cuộc sống thường ngày chị luôn được đồng chí, đồng đội tin yêu cảm phục, lấy đó làm tấm gương rèn luyện cho mình, nhất các chiến sỹ trẻ. Năm 1969 chị vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng cộng sản Việt Nam).

Năm 1976, chị được Quân đội cho chuyển ngành về công tác tại bệnh viện huyện Yên Lãng. Nay là bệnh viên đa khoa huyện Mê Linh, Thành Phố Hà Nội. Từ đây cuộc sống của chị gắn liền với công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân trong huyện Mê Linh nói chung, nhân dân xã Thạch Đà và các xã lân cận nói riêng. Bằng năng lực của bản thân và tinh thần của người Đảng Viên, người chiến sỹ Quân y trở về từ chiến trường, chị và đồng nghiệp tham gia cứu chữa, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, giúp họ vượt qua ngưỡng cửa của tử thần trở về với đời thường. Tiếng lành đồn xa, sự “mát tay” của y sĩ Thanh đã trở thành cái tên quen thuộc đối với nhân dân xã Thạch Đà và vùng phụ cận.

Chị xây dựng gỉa đình với người bạn cùng quê; anh chị đã thực hiện được lời ước hẹn năm xưa: Đất nước hòa bình xây dựng gia đình hạnh phúc. Rồi gia đình chị vui mừng đón các thành viên mới. Những đứa con kết tinh của hạnh phúc lần lượt chào đời.

Cuộc sống gia đình chị tưởng như bình lặng yên ả, nhưng một sự thật nghiệt ngã đã xuất hiện. Trong một lần nhà nước tổ chức giám định tần suất người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh, chị được thông báo: đã bị phơi nhiễm dioxin. Đây là hậu quả của những năm tháng tại chiến trường Liên khu 5, trực tiếp là mặt trận Quảng Ngãi nơi quân Mỹ sử dụng chất độc hóa học nhiều lần. Sau khi biết mình bị phơi nhiễm chất độc da cam/diôxin, chị nén tâm trạng nơm nớp lo âu vào sâu thẳm trong lòng, vui vẻ, bình thản để gia đình an tâm, chồng và các con tập trung hoàn thành mọi nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình.

Do ảnh hưởng bởi chất độc da cam, bản thân chị mỗi khi trái gió, trở trời, toàn thân bị đau nhức, chức năng thông khí của 2 phổi kém nên chị luôn cảm thấy mỏi mệt. Có lúc tưởng chừng không đứng vững. Được sự động viên, thông cảm của gia đình nhất là người chồng rất mực thương yêu của mình, chị đã vượt lên mọi nỗi đau của bệnh tật, nhận và hoàn thành xuất sẳc mọi nhiệm vụ được giao.

Ngoài công tác chuyên môn, chị là Bí thư Chi bộ cơ quan, chị luôn tự tu dưỡng và rèn luyện, gương mẫu, tích cực trong mọi phong trào đơn vị góp phần không nhỏ vào thành tích chung của bệnh viện huyện, lá cờ đầu nhiều năm của ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc. Chi bộ Đảng do chị làm Bí thư, nhiều năm liền đạt chi bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc. Bản thân chị, 5 năm liền (1990 - 1995) được Đảng và chính quyền các cấp tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen do thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Rồi 1 ngày điều không may đã ập đến ngôi nhà hạnh phúc của chị, người chồng rất mực thủy chung của chị đột ngột ra đi sau một tai nạn thương tâm. Anh ra đi, để lại cho chị cha mẹ già và ba đứa con thơ dại. Trong đó có cô con gái út, bị di chứng chất độc da cam, cháu không được nhanh nhẹn như bao nhiêu đứa trẻ khác. Hằng ngày cháu phải có người kề cận chăm sóc. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người mẹ, người cựu chiến binh trong khi sức khỏe bản thân đang dần mòn đi theo tuổi tác. Chị trở thành trụ cột của gia đình, một tay chèo chống, vừa lo công việc quan vừa phải hoàn thành chức năng người bố, người mẹ, là chỗ dựa vững chắc cho các con người con hiếu thảo của bboos mẹ chồng. Thế rồi, như con ong chuyên cần gây mật, cuộc sống của gia đình chị dần dần ổn định, những đứa con của anh chị dần trưởng thành, họ là kỹ sư, nhà giáo, những người công dân có ích cho xã hội. Duy nhất, người con gái út của chị hiện đang là nỗi trăn trở thường ngày của chị.

Bảy mươi tư tuổi đời, hơn 54 tuổi đảng, tấm gương của chị Lê Thị Thanh - người nữ cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam đã khiến cho bao người cá nhân tôi khâm phục và kính trọng./.

 

Ngô Đức Thuận

TT Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội

ĐT” 0975.731.288

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...