• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Quân đội làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau da cam

Những năm qua, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân xác định công tác chính sách hậu phương Quân đội là một trong những nội dung quan trọng, có nhiều ý nghĩa của công tác đảng, công tác chính trị, nhằm tri ân gia đình chính sách, người có công với cách mạng, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng luôn nhất quán quan điểm đồng hành cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin Việt Nam trong công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) và các hoạt động nhân đạo, coi đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và NNCĐDC.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và tặng quà Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam

Nhận thức rõ điều đó và để công tác chính sách, chăm lo người có công với cách mạng, Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân đội về công tác chính sách, hậu phương quân đội. Nhất là những nội dung cơ bản của Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Chỉ thị số 169-CT/QUTW ngày 29/12/2020 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2021 - 2025. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã chủ động bám sát thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Quân đội, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương tham gia nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản về chính sách đối với người có công với cách mạng. Theo đó, những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh đã được giải quyết một cách cơ bản, với khối lượng lớn, tạo hiệu ứng xã hội tốt, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trên cả nước, xoa dịu những mất mát và nỗi đau chiến tranh. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn quân, huy động được nhiều nguồn lực cùng chăm sóc người có công, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tính riêng 10 năm gần đây (2013-2023), toàn quân đã vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động từ nhiều nguồn ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 497,9 tỷ đồng; xây dựng hơn 6.800 nhà tình nghĩa, với số tiền gần 569 tỷ đồng; phụng dưỡng 2.879 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng hơn 5.600 sổ tiết kiệm và tặng quà cho hàng vạn đối tượng chính sách, người có công, trong đó có NNCĐDC vào các dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), ngày vì NNCĐDC (10/8) hằng năm; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị y tế cho các trung tâm điều dưỡng thương binh,... với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội, đẩy mạnh hoạt động chăm lo, giúp đỡ NNCĐDC một cách hiệu quả. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 và Bộ Tư lệnh Hóa học đã ký Chương trình phối hợp hoạt động với Hội giai đoạn 2021-2026; Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Quân y 175 đã phối hợp với Hội thực hiện các công trình nghiên cứu về chất độc da cam/dioxin và dự án xông hơi, giải độc cho NNCĐDC. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trong quân đội phối hợp tuyên truyền về hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam cùng những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quân đội và cả hệ thống chính trị trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường và sức khoẻ con người. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đáp ứng xử lý thông tin về giải mã phiên hiệu đơn vị trong chiến tranh, giúp cựu chiến binh có cơ sở làm hồ sơ hưởng chế độ NNCĐDC. Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 138/TT-BQP ngày 10/11/2020 “Quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; theo đó chỉ đạo phát hành Tạp chí Da cam Việt Nam đến các đơn vị trong toàn quân. Cùng với đó, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, các quân khu, quân đoàn, bệnh viện quân y,… đã hỗ trợ NNCĐDC hàng trăm tỉ đồng để xây dựng, sửa chữa nhà ở; khám chữa bệnh, hỗ trợ sinh kế và tặng quà cho hàng nghìn nạn nhân trong các dịp lễ, tết, ngày 10/8 hằng năm; riêng năm 2023, Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC Việt Nam đã được hỗ trợ một dây truyền thiết bị phục hồi chức năng cho NNCĐDC trị giá 662.500.000 đồng.
Công tác khắc phục hậu quả CĐHH tồn lưu sau chiến tranh đối với môi trường, “làm sạch” đất ở những vùng trọng điểm về ô nhiễm dioxin như sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa,... được đẩy mạnh. Mới đây nhất, dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, do Binh chủng Hóa học mà trực tiếp là Trung tâm hành động quốc gia xử lý CĐHH và môi trường sau chiến tranh (NACCET) chủ trì và thiết kế công nghệ đưa vào áp dụng xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So. Sau 3 năm triển khai, từ một điểm nóng ô nhiễm dioxin, sân bay A So giờ đây đã được hoàn trả môi trường trong sạch, an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái, tạo điều kiện để địa phương  phát triển kinh tế xã hội, ổn định cuộc sống của nhân dân,... Các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn 8 tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam hằng năm thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, NNCĐDC, người khuyết tật, hộ nghèo, giúp các đối tượng khắc phục khó khăn, vươn lên cuộc sống. 
Tuy nhiên, công tác chính sách hậu phương Quân đội, chăm sóc người có công vẫn còn những hạn chế, bất cập: Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, nhất là những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sâu, rộng và hiệu quả; công tác chăm sóc, hỗ trợ người có công, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, biển, đảo chưa thực sự thiết thực, hiệu quả chưa cao.
Trong thời gian tới, để góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng, qua đó củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc và làm sâu sắc thêm truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, các cơ quan, đơn vị Quân đội quan tâm giải quyết những vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, về công tác chính sách hậu phương Quân đội trong tình hình mới. Cấp ủy Đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cấp ủy, người chỉ huy các cấp về công tác chính sách đối với người có công; phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn quân. Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí Quân đội phối hợp với Tạp chí Da cam Việt Nam và các cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân và hệ thống chính trị tham gia thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, hỗ trợ hiệu quả đối với NNCĐDC và gia đình họ. 
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong triển khai tổ chức thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội. Thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng và Chỉ thị số 169- CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, các cơ quan đơn vị cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Quân đội và hậu phương Quân đội; phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương thường xuyên quan tâm chăm lo, thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách hậu phương quân đội.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp hoạt động đã ký kết giữa Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam với Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 701 và các đơn vị trong toàn quân, giai đoạn 2021-2026.
Trong thực tế còn nhiều hoàn cảnh gia đình nạn nhân hết sức khó khăn, nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học, bị bệnh tật nặng nhưng chưa được hưởng chế độ, do thủ tục giấy tờ xác nhận phức tạp, đơn vị cũ giải thể, trong khi tuổi cao, sức yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn,… Việc xác lập hồ sơ, xét công nhận người có công nói chung và NNCĐDC nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo toàn quân  phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân, nhất là đối với cựu chiến binh bị nhiễm CĐHH. Đặc biệt, tập trung giải quyết những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh. Các cơ quan chức năng của Quân đội, nhất là Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị cần phối hợp với các cơ quan chức năng, rà soát, thẩm định và giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam hiện chưa được hưởng chế độ, góp phần hàn gắn vết thương, xoa dịu nỗi đau cho NNCĐDC và gia đình họ (như giải mã các phiên hiệu đơn vị trong chiến tranh, giúp các cựu chiến binh hoàn thiện thủ tục hồ sơ đề nghị hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH... ). Chỉ đạo các cơ sở, bệnh viên quân y ưu tiên tiếp nhận khám, điều trị cho NNCĐDC.
Năm 2023, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó trọng tâm là tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028 của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (cuối tháng 12/2023); kỷ niệm 20 năm thành lập Hội (10/1/2004 - 10/1/2024). Đây là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Hội. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội NNCĐDC/dioxin, đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, giúp đỡ nạn nhân; tổ chức tốt công tác tuyên truyền về hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam cùng những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quân đội và cả hệ thống chính trị trong khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và sức khoẻ con người; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ của các cựu chiến binh bị nhiễm CĐHH. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung ương Hội triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Quán triệt và thực hiện tốt công tác chính sách, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chính là thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam, thể hiện bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng./.

Thượng tướng PGS, TS Hoàng Xuân Chiến
Ủy viên BCH Trung ương Đảng
Ủy viên Quân ủy Trung ương
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...