• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Sao mà khổ cho nạn nhân thế?

Xung quanh vấn đề thực hiện các chính sách thụ hưởng về chế độ chất độc da cam/dioxin, có nhiều ý kiến cho rằng còn tồn tại nhiều bất hợp lý...

Trong tháng 3, tháng 4 và các tháng tới (năm 2017), Sở Lao động- Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã và sẽ tiếp tục tổ chức nhiều lượt đoàn liên ngành, hội, đoàn thể về các xã, phường, thị trấn để “đối thoại về thực hiện chính sách người có công với cách mạng”. Ở những nơi đã thực hiện, tại đâu cũng được nghe người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học phản ánh những tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc về thực hiện chính sách, chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam. Nhiều phản ánh về việc xác định bệnh, tật và thủ tục hồ sơ xung quanh vấn đề này còn rất nhiều bất hợp lý như:

Ông Phan Thanh Long (thứ nhất từ phải sang), Chủ tịch Hội tỉnh Quảng Ngãi trao tặng tiền hỗ trợ làm nhà tình nghĩa cho nạn nhân

1. Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính là một căn bệnh đã được quy định rõ trong Quyết định số 09/2008/ QĐ-BYT ngày 20/02/2008 của Bộ Y tế. Theo nghiên cứu, tìm hiểu thì Viện y học Mỹ (IOM) đã hơn 20 năm nghiên cứu và đến năm 2016 đã 10 lần công bố danh mục bệnh/ tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học thì bệnh thần kinh ngoại biên xuất hiện sớm là một bệnh trong danh mục(1).

Đó là kết quả nghiên cứu khoa học và thực chứng trong số cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam. Vậy mà suốt 3 năm qua ở Quảng Ngãi đã giám định không có ai mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính? Điều đó đã làm cho nhiều người bức xúc, thiếu niềm tin vào kết quả giám định. Vậy nên nhiều người được gọi đi giám định họ không thiết đi. Trong khi đó, ngành y học Việt Nam cũng đã thừa nhận:“… số lượng và chất lượng các nghiên cứu do các cơ quan Việt Nam thực hiện vẫn ở mức độ nhất định, phần lớn các kết luận khoa học vẫn phải dựa trên các nghiên cứu của các nước mà chủ yếu là Hoa Kỳ…”(2). Đã dựa trên nghiên cứu của Hoa Kỳ có lưu ý đến các nghiên cứu của Việt Nam mà Bộ Y tế ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ- BYT; vậy nên thực hiện một trong hai cách:

Một là: Đã dựa thì dựa cả cách giám định để nạn nhân được hưởng lợi.

Hai là: Theo các nghiên cứu của Việt Nam trên thực tế không có bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính thì nên bỏ bệnh thần kinh ngoại biên ra khỏi danh mục các bệnh, tật, dị dạng, dị tật.

2. Về thủ tục hồ sơ, đề nghị bỏ những quy định gây thêm khó khăn, phức tạp, không thực tế như:

Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính, bán cấp tính chỉ áp dụng với đối tượng có giấy tờ có giá trị pháp lý được xác lập trước ngày 30/4/1975 (tại khoản 1, điều 8 Thông tư số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH). Vì rằng:

Một là: Đã giám định 3 năm qua không được ai thì còn giám định chi nữa cho tốn công, tốn tiền người bệnh?

Hai là: Thiếu thực tiễn, vì trong chiến tranh trước năm 1975 chỉ ai bị đổ máu, lòi ruột… thì mới đi viện, mà viện là trạm phẫu thuật, bệnh xá tiền phương, không có ai đau nhức mình mà đi viện; mà có đi viện thì làm gì có chứng nhận viêm thần kinh ngoại biên cấp tính, bán cấp tính? Hoặc nếu có thì cũng khó mà lưu giữ đến ngày nay, vì hồ sơ lý lịch, quyết định kết nạp Đảng, quyết định cấp chức còn thất lạc, huống chi là giấy đi viện?

Các ý kiến cho rằng, nên bỏ quy định tại điểm b, khoản 2 điều 10 Thông tư số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH. Vì: Chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra đã trên 50 năm, thế hệ con bị dị dạng, dị tật nay cũng từ 20 đến 50 tuổi. Con sinh ra bị dị dạng, dị tật, tay, chân, tai, mắt, mũi, môi, miệng… thì cha mẹ phải lo chạy chữa; có ai nghĩ rằng lưu hồ sơ bệnh án để sau này làm chính sách? Trải qua thời gian vài chục năm thì việc thất lạc hồ sơ bệnh án là chuyện phổ biến. Vậy thì còn đâu để làm bản tóm tắt bệnh án điều trị bệnh tật, dị dạng dị tật theo mẫu (phụ lục 4)?

Cần bỏ điểm a, khoản 1, điều 5 tại Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH quy định hồ sơ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học có giá trị pháp lý phải được lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2000. Vì: Năm 2000 là cái mốc chuyển thiên niên kỷ, chứ không phải là chuyển giai đoạn cách mạng, không phải là mốc Nhà nước ban hành pháp lệnh ưu đãi người có công. Lại có những chính sách ban hành sau năm 2000 như Quyết định số 290/2005/ QĐ-TTg, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg. Vậy là những người hưởng chính sách này không lập được hồ sơ giải quyết chế độ da cam. Thật vô lý quá!

Chỉ vì những quy định thiếu thực tiễn khách quan trên mà gây khó cho hàng nghìn nạn nhân là người có công thuộc thế hệ trực tiếp bị mắc bệnh theo Quyết định 09/QĐ- BYT và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật đang kiệt sức dần mà vẫn chưa được xét hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nếu cứ căn cứ vào những quy định trên, thì quá thiệt thòi cho nạn nhân chất độc da cam là người có công và con đẻ của họ.

(1) Tạp chí Độc học số 34 năm 2016, trang 20-23.

(2) Sách đã dẫn, trang 26.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...