• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

ƯỚC NGUYỆN CỦA NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH

ƯỚC NGUYỆN CỦA NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH

ảnh: Khắp thân thể ông Bính đã bị nổi nhiều cục, sức khỏe suy sụp.

“Anh không sống được bao lâu nữa đâu chú ạ. Bệnh trong người anh, anh biết. Trước khi chết, anh chỉ mong được Nhà nước xem xét, công nhận anh là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Được như thế, với anh là toại nguyện rồi”.

Đó là ước nguyện của ông Nguyễn Xuân Bính, Cựu chiến binh, nguyên là chiến sỹ thông tin Đại đội 7, Trung đoàn 136/Bộ Tư lệnh Thông tin, người có thời gian hơn 3 năm chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, nơi được ví như cái túi đựng chất độc hóa học/dioxin.

Nhập ngũ tháng 9/1971, lúc đó ông Nguyễn Xuân Bính (Phường Quang Trung, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đang là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Thông tin – Liên lạc. Sau khóa huấn luyện tân binh, tháng 01 năm 1972, chàng sinh viên Nguyễn Xuân Bính đã có mặt tại Gio Linh, Cam Lộ (Quảng Trị). Ông Bính được biên chế vào Đại đội 7, Trung Đoàn 136/Bộ tự lệnh Thông tin.

Ông Bính cho biết: Đại đội 7 được giao nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc tuyến đường dây từ Tổng đài A72 (Quảng Bình) đến Tổng đài A73 (Quảng Trị). Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, trong khi địa bàn trải dài, địa hình hiểm trở, với người lính đường dây luôn cơ động, tác chiến độc lập, khi đường dây có sự cố, thì bất kể ngày, đêm, mưa, bão, giá rét, mưa bom, bão đạn, người lính đường dây lại lên đường, vì vậy thời gian ăn, ngủ, sống trên tuyến nhiều hơn thời gian ở đơn vị.

Ông Bính hạ giọng, nói: Có những chuyến đi khắc phục sự cố đường dây kéo dài 3 - 4 ngày đêm trên dãy Trường Sơn, đêm đến, anh em leo lên cây ngủ để tránh thú giữ. Đói thì tìm vào bãi khách, thấy gì ăn nấy, có lần phải ăn cả cơm nắm đã thái lát nhưng bị mưa nên vữa ra, vẫn ăn. Không ăn thì đói.

Ở Trường Sơn sợ nhất là mùa mưa, lũ núi, lũ ống, lũ quyét đổ về bất chợt, chỉ cần bất cẩn một tí thôi là bị lũ cuốn mất xác. Tạnh mưa thì vắt, muỗi vô kể. Với người lính đường dây, hoạt động đơn lẻ thì sợ nhất là sốt rét, những cơn sốt rét bất chợt ập đến, lúc đó chỉ có mắc võng mà nằm phó thác số mệnh cho trời đất; bây giờ nghĩ lại mới thấy sức trẻ, nghị lực của người lính thật phi thường.

Nén cơn đau, ông Bính hào hứng kể lại: Một lần đi kiểm tra, khắc phục sự cố đường dây, sau một đêm gần như thức trắng, vừa ra đến Bãi khách, một hình ảnh thật tuyệt vời hiện ra trước mắt, cả một khu rừng bạt ngàn hoa phong lan. Hoa phong lan như chiếc khăn hoa muôn màu rực rỡ choàng lên, ôm ấp những thân cây chết trơ trụi vì chất độc hóa học. hình ảnh này chỉ có ở Trường Sơn mới có, dù mệt, chúng tôi vẫn lấy mấy giò phong lan về tặng chị em tổng đài.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, ông Nguyễn Xuân Bính ra quân tiếp tục theo học tại Trường Đại học Thông tin – Liên lạc, nhưng con đường học tập của ông cũng không thuận buồm mát mái. Một năm học, ông Bính phải nhập viện điều trị bệnh sốt rét ít cũng 2 lần. Tốt nghiệp Đại học, ông Bính ở lại trường làm giáo viên. Đến năm 1996, do sức khỏe yếu, thường xuyên phải đi điều trị bệnh, ông Bính xin nghỉ công tác.

Nói về nguyên nhân không được công nhận là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ông Nguyễn Xuân Bính cho biết: Đầu năm 1991, gia đình ông bị kẻ gian đột nhập lấy trộm đồ đạc, trong đó có chiếc cặp da đựng giấy tờ quan trọng của gia đình. Tất cả giấy tờ liên quan đến quá trình phục vụ trong quân đội của ông đều bị mất, vì thế không có căn cứ để xác định thời gian trong quân đội ông đóng quân ở địa bàn tỉnh Quảng Trị. Về nhân chứng, ông Bính cho biết, hàng năm ông đều tham gia gặp mặt Hội bạn chiến đấu Trung đoàn 136 Thông tin. Ông Bính thường xuyên đến thăm ông Nguyễn Huy Văn, Đại tá, Nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 136/ Bộ tư lệnh Thông tin và anh chị em Tổng đài 200 số A73 (Hưng Hóa, Quảng Trị). Đó là những nhân chứng sống ghi nhận năm tháng quân ngũ của ông ở Quảng Trị. Và, một nhân chứng rõ ràng nhất, hiển hiện nhất là căn bênh ông Bính đã, đang phải gồng mình chịu đựng.

Sau khi gặp, nghe Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Bính nói về ước nguyện của mình, theo địa chỉ ông Bính cung cấp, tôi đã về tỉnh Hòa Bình, nơi có hơn 10 nữ CCB là lính Thông tin Tổng đài A73, A72 Trung đòan 136 như: Nguyễn Thị Thật, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Thị Phương... Nay, các nữ CCB này đều đã ở cái tuổi ngấp nghé 70 đã là bà nội, bà ngoại. Nghe tôi nói về hoàn cảnh, ước nguyện của ông Bính, các bà tỏ ra rất ngạc nhiên. Vì ông Bính là chiến sỹ đường dây dũng cảm, người gắn bó với chị em Tổng đài nhiều nhất và là một trong số người ở Đại đội 7, Trung đoàn 136 có thời gian sống, chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhất là hai huyện Cam Lộ và Gio Linh lâu nhất. Các nữ CCB này còn cho biết, sau khi nghỉ công tác giảng dạy ở Trường Đại học Thông tin liên lạc, ông Bính cùng một số nữ CCB Trung đoàn 136 đã trực tiếp vào Quảng Bình và chiến trường Quảng Trị đưa 4 hài cốt liệt sỹ là chiến sỹ Thông tin Trung đòa 136 đã hy sinh về địa phương.

Các nữ CCB, những hội viên Hội bạn chiến đấu Trung đoàn 136/Bộ tư lệnh Thông tin ở Hòa Bình đều đồng tình “Nếu cần, chúng tôi sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng khẳng định đồng chí Nguyễn Xuân Bính là chiến sỹ C7, đơn vị Anh hùng, đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại tỉnh Quảng Trị”.

Từ những căn cứ trên, tôi cho rằng, ước nguyện của ông Nguyễn Xuân Bính, người CCB Trường Sơn là chính đáng.

Trung Hiếu (CTV)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...