• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Vĩnh Phúc cần xem xét việc dừng cấp chế độ nạn nhân chất độc da cam đối với anh Phạm Văn Tới

Vĩnh Phúc cần xem xét việc dừng cấp chế độ nạn nhân chất độc da cam đối với anh Phạm Văn Tới

Được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) đã 19 năm, nhưng từ tháng 8/2019, NNCĐDC Phạm Văn Tới (sinh 1987), con trai của ông Phạm Mai Nho (chết năm 2007) và bà Nguyễn Thị Lộc (xóm Quãng, xã Tam Quan, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) bị tạm dừng cấp chế độ NNCĐDC. Cơ quan chức năng đưa ra lý do: trong hồ sơ không thể hiện ông Phạm Mai Nho tham gia chiến đấu ở chiến trường B-C-K. Vậy là, hai mẹ con bà Lộc “Người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ), nay lại càng nghèo và đau khổ hơn.

Ông Phạm Mai Nho, sinh 1952, nhập ngũ tháng 3/1972, ông đã từng vào sinh ra tử ở các chiến trường Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, ông xuất ngũ năm 1977 và ông tái ngũ tham gia trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, ông vinh dự được kết nạp Đảng tại mặt trận. Cuối năm 1981, ông xuất ngũ lần 2 để trở về địa phương.

Bà Nguyễn Thị Lộc cho biết: năm 1977, ông Nho từ chiến trường về mới kết hôn với bà, hai vợ chồng sinh được 5 người con, thì 3 con là Phạm Văn Tân (SN 1981, chết năm 1994), Phạm Văn Tới (SN 1987) và Phạm Văn Tư (SN 1994) đều bị dị tật chân tay và bệnh thần kinh nặng, không tự chủ được hành vi của mình, hay bỏ nhà đi lang thang. Con trai đầu lòng là Phạm Văn Tuấn (SN 1978) không bị dị tật bẩm sinh, nhưng khi xây dựng gia đình, vợ chồng Tuấn sinh được 5 người con thì 3 con bị dị tật, chết sau khi sinh 5 – 10 ngày, hai con bị thiểu năng trí tuệ. Nay, vợ Tuấn đã bỏ đi để lại hai con bệnh tật cho anh. Người con thứ 3 là Phạm Văn Tiến (SN 1985), không bị dị tật nhưng hai con của Tiến đều bị thiểu năng trí tuệ và bệnh thần kinh. Như vậy, cả gia đình gồm 3 thế hệ đều bị di chứng từ chất độc da cam.

Năm 2000, ông Nho và 2 người con là Phạm Văn Tới và Phạm Văn Tư được hưởng chế độ NNCĐDC. Năm 2002, ông Nho bị bệnh ung thư do di chứng chất độc da cam, năm 2007 ông Nho chết, để lại hai người con bệnh tật cho bà Lộc. Hơn 10 năm từ khi ông Nho mất, một mình bà Lộc chăm nom 2 người con dị tật, thần kinh. Mỗi lần hai người con lên cơn động kinh là đồ đạc trong nhà như, tủ, bàn ghế, quạt, thậm chí cả bát, đĩa, xoong, nồi đều bị đập phá, mùa hè cũng như mùa đông, cả hai đứa cởi hết quần áo ở trần như nhộng, hàng ngày bà Lộc phải lo vệ sinh, tắm rửa cho từng đứa, nhiều đêm bà không dám ngủ mà phải thức trông con sợ chúng tỉnh giấc lại đập phá. Đau lòng nhất là mỗi khi bà Lộc có việc ra khỏi nhà, bà phải dùng dây thừng buộc chân hai con Tới, Tư vào cột nhà để khỏi phá phách và bỏ đi lang thang.

Đầu năm 2019, mẹ con bà Lộc được Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 30 triệu đồng sửa lại ngôi nhà đã xuống cấp, Huyện hội Tam Đảo đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí làm đường, xây tường bao, làm cổng sắt cho gia đình bà Lộc để hai người con không ra ngoài khi chúng lên cơn, bà Lộc không phải buộc chân 2 con vào cột nhà nữa.

Bà Lộc nghẹn ngào nói: có nhà mới, nhưng chưa ở được bao lâu thì cháu Phạm Văn Tư mất, trong nhà chỉ còn hai mẹ con: một già yếu bệnh tật, một dị tật, thần kinh. Cuộc sống của hai mẹ con bà Lộc chỉ dựa vào số tiền trợ cấp của con trai Phạm Văn Tới là NNCĐDC hơn 900.000 đồng/tháng. Nỗi đau mất con chưa nguôi thì nỗi xót đau khác lại ập đến với mẹ con bà Nguyễn Thị Lộc, đó là: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định dừng cấp chế độ NNCĐDC đối với anh Phạm Văn Tới từ tháng 8/2019. Vì, qua thanh tra, hồ sơ quân nhân của ông Phạm Mai Nho lưu tại Ban chỉ huy quân sự huyện Tam Đảo không thể hiện ông Phạm Mai Nho tham gia kháng chiến ở chiến trường B,C,K. Trước quyết định trên của Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc, dư luận xã hội đặt câu hỏi. Chẳng lẽ 19 năm qua ông Phạm Mai Nho và 2 con là Phạm Văn Tư, Phạm Văn Tới đều là NNCĐDC “ giả”.?

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp anh Phạm Văn Tới bị Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định tạm dừng cấp chế độ NNCĐDC. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chánh thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: cuối năm 2018, đoàn thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hồ sơ của những đối tượng đang hưởng chế độ NNCĐDC ở huyện Tam Đảo, trong đó có trường hợp ông Phạm Mai Nho, xóm Quãng, xã Tam Quan. Qua kiểm tra cho thấy, Hồ sơ của ông Phạm Mai Nho được lưu tại Ban chỉ huy quân sự huyện Tam Đảo không thể hiện thời gian ông Nho tham gia chiến trường B-C-K, không có giấy chứng nhận X-Y-Z, không có Huân chương chiến sỹ giải phóng,v.v. Theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 - “Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng” thì ông Nho không nằm trong diện là đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học, như vậy ông Nho không phải là NNCĐDC và con ông Nho là Phạm Văn Tới cũng không phải là NNCĐDC. Sau khi đoàn thanh tra rà soát, có kết luận, đoàn đã yêu cầu đối tượng (Phạm Văn Tới), đồng thời đề nghị Phòng LĐTB&XH huyện Tam Đảo hướng dẫn đối tượng bổ sung hồ sơ trước ngày 1/4/2019. Nhưng đối tượng không bổ sung được hồ sơ (do không đủ năng lực để làm). Sở LĐTB&XH tiếp tục ra hạn cho đối tượng đến ngày 17/7/2019. Tuy nhiên đối tượng đang hưởng chế độ là Phạm Văn Tới vẫn không bổ sung được hồ sơ chứng minh bố là Phạm Mai Nho có thời gian tham gia kháng chiến ở chiến trường B - C - K, ngày 17/7/2019 Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định tạm dừng cấp chế độ NNCĐDC từ tháng 8/2019 với đối tượng Phạm Văn Tới.

Bà Lộc chăm sóc con trai là Phạm Văn Tới, người đã bị tạm dừng cấp chế độ NNCĐDC từ tháng 8/2019.

Ý kiến về vấn đề trên, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Tam Đảo Trương Thái Yên cho biết: sau khi nhận được thông tin trường hợp NNCĐDC Phạm Văn Tới bị tạm dừng hưởng chế độ, Ban Thường vụ Huyện Hội đã họp, thống nhất phối hợp với phòng LĐTBXH huyện, đồng thời chỉ đạo Hội NNCĐDC xã Tam Quan, động viên, giúp đỡ gia đình bà Nguyễn Thị Lộc, Hội sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên Phạm Văn Tới.

Bà Đào Thị Tâm, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã Tam Quan cho biết, bà đã trực tiếp tìm gặp 3 người là đồng đội, bạn chiến đấu ở chiến trường cùng ông Phạm Mai Nho. Đó là các ông: Lê Tiến Dũng, thôn Làng Chanh, Nguyễn Văn Tý, thôn Đồng Bùa (xã Tam Quan) và Lê Văn Ngọc, thôn Đồi Cao, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, cả 3 người này hiện đang hưởng chế độ NNCĐDC, cả 3 ông Dũng, Ngọc, Tý đã viết giấy xác nhận, ông Phạm Mai Nho là người cùng vào chiến trường B tháng 9/1972, là bạn chiến đấu, vào sinh ra tử ở mặt trận Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, năm 1977, ông Nho xuất ngũ.

Ông Trương Thái Yên cho biết, khi tiếp đoàn thanh tra Sở LĐTBXH, ông Lại Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan đã phát biểu: nếu con ông Phạm Mai Nho không được hưởng chế độ NNCĐDC thì ở xã này không có ai là NNCĐDC. Ông Yên cho rằng, khi kiểm tra hồ sơ làm chế độ NNCĐDC, ông Nho đã nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định. Nếu hồ sơ ông Nho không đủ, không hợp lệ thì các cơ quan chức năng không phê duyệt công nhận ông Nho là NNCĐDC. Suốt 19 năm qua, nhiều đoàn đã về Tam Đảo thanh tra, kiểm tra hồ sơ đối tượng là NNCĐDC, hồ sơ ông Phạm Mai Nho vẫn đảm bảo đúng, đủ, hợp lệ. Nhiều đoàn khách Trung ương, tỉnh, huyện đến thăm gia đình bà Lộc đều cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của bà Nguyễn Thị Lộc dành cho NNCĐDC. Đặc biệt, năm 2017, bà Nguyễn Thị Lộc là một trong hai đại biểu của tỉnh Vĩnh Phúc vinh dự đi Hà Nội dự “Lễ tri ân những tấm lòng nhân hậu vì NNCĐDC” toàn quốc, tại buổi lễ, bà Lộc được Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì NNCĐDC”. Điều đó chứng minh, ghi nhận Cựu chiến binh Phạm Mai Nho là NNCĐDC. Và, con ông Nho là Phạm Văn Tư (chết 01/2019) và Phạm Văn Tới đủ điều kiện hưởng chế độ NNCĐDC. Việc Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc đang căn cứ vào hồ sơ hiện tại của ông Phạm Mai Nho còn lưu lại ở Ban chỉ huy quân sự huyện Tam Đảo để ra quyết định tạm dừng cấp chế độ NNCĐDC đối với Phạm Văn Tới là chưa thỏa đáng, cần phải được xem xét cho thấu tình đạt lý.

Đã có ý kiến gợi ý của người trong cơ quan chức năng: “gia đình bà Lộc làm thủ tục hưởng chế độ bảo trợ xã hội cho anh Phạm văn Tới, vì mức trợ cấp của đối tượng NNCĐDC và người tàn tật gần như nhau,

Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải mức trợ cấp nhiều hay ít. Đây cần hiểu tính nhân đao, nhân văn về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người đã vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà họ phải hy sinh mất mát, con cháu của họ phải chịu đau đớn, thiệt thòi.

Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ kinh phí, mẹ con bà Lộc đã sửa chữa được ngôi nhà.

Ông Trương Thái Yên khẳng định: để bổ sung đầy đủ hồ sơ ghi nhận ông Phạm Mai Nho có thời gian tham gia kháng chiến ở chiến trường B-C-K như Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu, thì đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Lộc, người đã gần 70 tuổi, bò lê, bò càng vì bệnh thấp khớp gối và đối tượng dị tật, mắc bệnh thần kinh như anh Phạm Văn Tới là điều không thể. Chúng tôi mong rằng Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc hãy cùng các cơ quan chức năng có liên quan xem xét sớm giải quyết cho thấu tình đạt lý.

Đây cũng là hành động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời góp phần “Xoa dịu nỗi đau da cam” cũng là thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.

Trung Hiếu

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...