• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chuyện về bức ảnh thờ của liệt sĩ Lê Văn Hùng

Liệt sĩ, Hạ sĩ Lê Văn Hùng - chiến sĩ quân y, Đại đội Trinh sát 20 (Sư đoàn 356, Quân khu 2), hy sinh từ tháng 12-1985, tại mặt trận Vị Xuyên

Đến thăm thân nhân, gia đình liệt sĩ Lê Văn Hùng nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, câu chuyện “lấy ảnh con để thờ cha” khiến ai cũng xúc động, nghẹn ngào.

Thắp nén hương thơm tưởng nhớ người cha đã khuất, Thiếu tá Lê Ngọc Hải - Trưởng ban Tuyên huấn (Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa) xúc động kể: “Đầu năm 1985, khi đang là công nhân Công ty Bưu điện Hà Trung (Thanh Hóa), đã có vợ và một con trai, được hơn 2 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cha tôi quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Thấy ông nhanh nhẹn, hoạt bát, đơn vị cử ông đi đào tạo trung cấp quân y, sau đó điều về Đại đội Trinh sát 20 (Sư đoàn 356, Quân khu 2), thực hiện nhiệm vụ trên chiến trường biên giới phía Bắc. Ở nhà, mỗi khi thấy tôi quấy khóc, khó ngủ, mẹ lại lấy tấm ảnh đen trắng duy nhất, cha chụp khi đang huấn luyện tân binh ra để dỗ dành, nói tôi ngoan, hôm nào về phép, cha sẽ có quà cho con. Do còn quá nhỏ, chưa nhận thức được gì, một lần, tôi đã vò nát tấm ảnh của cha rồi cho vào miệng nhai, làm hỏng hết. Mẹ tôi đi cấy về, thấy vậy, cứ ôm mặt ngồi khóc cả đêm”.

Thiếu tá Lê Ngọc Hải và người thân bên phần mộ liệt sĩ Lê Văn Hùng. Ảnh nhân vật cung cấp

Hai mắt đỏ hoe, anh Hải tiếp tục câu chuyện của mình: “Bà nội tôi kể rằng, cuối năm 1985, cả miền Bắc chìm trong đợt rét đậm, rét hại. Dọc tuyến biên giới phía Bắc, các trận đánh lớn liên tục nổ ra. Dưới làn pháo địch, tuy phải chịu rất nhiều hy sinh, mất mát, song bộ đội ta vẫn ngày đêm chắc tay súng, kiên cường bám trụ, quyết tâm giữ từng tấc đất quê hương. Có con trai đi chiến đấu ở chiến trường, nên ngày nào bà cũng ra cổng đợi tin, lòng nóng như lửa đốt. Thế rồi trong một đêm mưa, bà nằm mơ thấy cha tôi về, cầm tay, dẫn bà đến một nghĩa trang, có rất nhiều ngôi mộ mới, nằm sát đường quốc lộ. Tỉnh dậy, bà nói với ông tôi “Thằng Hùng hy sinh rồi ông ạ. Tôi phải lên Vị Xuyên đón nó về thôi”. Mặc gia đình ra sức can ngăn, bà vẫn chạy ngược chạy xuôi vay mượn, lấy tiền làm lộ phí, rồi một mình khăn gói đi tìm con”.

Trực tiếp chỉ huy và chứng kiến sự hy sinh anh dũng của đồng chí Lê Văn Hùng, Trung úy, cựu chiến binh Nguyễn Đắc Công, nguyên Trung đội trưởng (Đại đội Trinh sát, Sư đoàn 356) kể: “Theo yêu cầu của cấp trên, cuối năm 1985, tôi được giao phụ trách Tổ luồn sâu, đánh bắt, bí mật tiếp cận, điều tra, nghiên cứu về lực lượng, phương tiện, âm mưu, ý đồ của địch tại mặt trận Vị Xuyên. Là lực lượng cảm tử, thực hiện nhiệm vụ quan trọng đặc biệt nên quân số của tổ được tuyển chọn, tập huấn, bồi dưỡng rất kỹ càng. Anh Lê Văn Hùng khi đó là đối tượng cảm tình Đảng, lại có đơn xung phong, viết bằng máu nên được ưu tiên lựa chọn đầu tiên. Hằng ngày, từ đài quan sát bí mật đặt trên điểm cao 1509, chúng tôi tập trung theo dõi, tìm hiểu, nắm chắc biến động lực lượng, phương tiện, sơ đồ bố trí, vị trí chỉ huy của địch, để báo cáo về cho chỉ huy Sư đoàn. Khi đêm xuống, chúng tôi bí mật luồn sâu vào căn cứ địch để thu thập, dò la tin tức, khi cần sẽ tổ chức bắt giữ tù binh đưa về khai thác thông tin.

Gia đình nhỏ của Thiếu tá Lê Ngọc Hải. Ảnh nhân vật cung cấp.

Sáng 2-12-1985, trên đường trở về căn cứ, chúng tôi bị địch phát hiện, nã pháo tấn công dồn dập. Do sức ép của đạn pháo, anh Nguyễn Tràng Ngả, trinh sát viên bị choáng, ngất lịm đi, hai hốc mắt chảy đầy máu. Bất chấp hiểm nguy, anh Lê Văn Hùng xách súng AK, ôm túi thuốc lao lên băng bó, sơ cứu, cõng đồng đội về nơi ẩn nấp. Ở thế “soi gương”, địch liên tục nã pháo vào đội hình ta. Tôi ra lệnh cho toàn tổ vừa nổ súng đánh trả, vừa mở đường máu, từng bước đưa thương binh về tuyến sau. Trận chiến diễn ra ác liệt, ta và địch giằng co nhau từng mét đất, đoạn hào. Trong trận chiến không cân sức, tôi và nhiều chiến sĩ bị thương, còn anh Hùng, anh Ngả anh dũng hy sinh. Các anh được mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ sư đoàn, nằm sát Quốc lộ 2, cách mặt trận không xa.

Một thời gian sau, theo nguyện vọng của gia đình, tôi và một số anh em, đồng đội cũ đã đưa hài cốt anh về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Do không có ảnh chân dung nên trên bàn thờ và phần mộ của anh Hùng, gia đình đành để trống. Mãi sau này chúng tôi mới biết, trước khi nhập ngũ, anh Hùng đã có gia đình, vợ con ở quê rồi, nhưng khi đăng ký vào cảm tử quân anh lại giấu. Là lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, cái sống, cái chết luôn cận kề, mỗi lần xuất quân đều được đơn vị tổ chức lễ truy điệu sống, nên thành viên trong Tổ luồn sâu, đánh bắt, cảm tử đều là những đồng chí còn độc thân, ít vướng bận gia đình, để con cái sau này đỡ khổ”.

Đúng 17 năm sau ngày liệt sĩ Lê Văn Hùng anh dũng hy sinh, năm 2002, con trai anh đã đăng ký dự thi và trúng tuyển vào Học viện Chính trị Quân sự-vinh dự, tự hào được viết tiếp con đường binh nghiệp còn dang dở của cha. Hôm nhà trường tổ chức chụp ảnh thẻ làm hồ sơ nhập học, anh Lê Ngọc Hải dành ra một tấm, kẹp trong thư, gửi về cho gia đình, để mọi người yên tâm, phấn khởi. Khi xem ảnh, cả ông bà nội, ông bà ngoại, mẹ, các chú, các cô đều có chung nhận xét “Trong góc nhìn nghiêng và khi mặc quân phục, Hải giống cha như tạc”. Chính vì lẽ đó, gia đình đã mang tấm ảnh thẻ đi phóng lớn để gắn lên bia mộ và đặt trên bàn thờ liệt sĩ Lê Văn Hùng. Nhiều đồng đội từng công tác, chiến đấu với liệt sĩ, khi đến thăm gia đình cũng rất bất ngờ khi nhìn thấy bức ảnh này.

Tròn 20 năm tuổi quân, ký ức về người cha thân yêu và câu chuyện “lấy ảnh con để thờ cha” luôn là động lực lớn lao để Thiếu tá Lê Ngọc Hải không ngừng rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác