• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hơn cả nỗi đau

Người mẹ nhẹ nhàng đẩy cánh cửa. Mọi người bước vào. Tim tôi thắt lại khi thấy T. nằm trên chiếc chiếu nhựa rách lỗ chỗ trải giữa nhà.

Đã hơn 10 năm nay, T. nằm như vậy, với cơ thể teo quắt. Cậu sẽ cười khi vui, gồng cứng người khi khó chịu, và lúc lắc đầu khi không hài lòng điều gì.

Tôi đã “bỏ qua” quy định rằng phải có hình ảnh, tên tuổi của nhân vật, khi nhìn thấy hình hài ấy, cùng lời đề nghị của mẹ cháu. Người bố thì cứng rắn hơn “không chụp ảnh, không đưa tên tuổi”.

Tôi đồng ý!

Trong ít phút trò chuyện, máy ảnh, điện thoại được tôi để trên bàn ngoài sân, như một cách để tỏ rõ thiện chí. Người bố đỡ căng thẳng hơn, thỉnh thoảng nhướng con mắt còn nhìn thấy lên nhìn tôi; con mắt còn lại đục lờ, không còn thấy gì.

T. cố tìm cách lật người để với món đồ chơi cũ kỹ bằng nhựa. Có ai mà ngờ được, số phận của cậu bé đang nằm trên tấm chiếu giữa nhà lại được định đoạt từ… 55 năm về trước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Kon Tum là nơi quân đội Mỹ khởi đầu cuộc chiến tranh hóa học vào ngày 10/8/1961, để lại di họa cho đến hôm nay, và sẽ còn đến bao lâu nữa, không ai dám đưa ra câu trả lời.

Máy bay Mỹ rải chất độc hóa học xuống những cánh rừng ở Kon Tum. Ảnh tư liệu

Liên tiếp trong các năm 1962, 1963, 1964, 1965, 1969, 1970 và 1971, máy bay Mỹ thực hiện những lần rải chất độc hóa học quy mô lớn. Các cánh rừng ở tỉnh Kon Tum đã phải gánh chịu 346.000 lít chất độc hóa học, trong đó có hơn 34.000 lít chất độc da cam.

Một cánh rừng sau khi bị rải chất độc hóa học. Ảnh tư liệu

Còn nếu tính chung trên toàn chiến trường miền Nam, đã có 31 nghìn lít chất độc màu xanh lá; 464 nghìn lít chất độc màu hồng; 548 nghìn lít chất độc màu tím; 8,2 triệu lít chất độc màu lam; 19,8 triệu lít chất độc màu trắng đã đổ xuống.

Và nhiều hơn tất cả, là 44 triệu lít chất độc da cam được rải xuống những cánh rừng Việt Nam suốt 11 năm, từ 1961 đến 1971. Chất độc da cam là một trong 4 loại chứa dioxin, lần lượt theo hàm lượng từ cao tới thấp, là hồng, xanh lá, tím và da cam.

Theo thống kê, đã có hơn 20.000 chuyến bay thực hiện nhiệm vụ rải chất độc hóa học. Trong nhiều, rất nhiều người đi dưới những cánh bay chết chóc ấy, có ông nội của T.

Năm 1965, ông cùng đơn vị chiến đấu khắp mặt trận Tây Nguyên, từng tham gia Chiến dịch Sa Thầy tháng 10/1966.

Bản đồ các khu vực bị rải chất độc hóa học trong chiến tranh. Ảnh tư liệu

Những năm ấy, hàng loạt cánh rừng mà đơn vị tôi đóng quân xuất hiện lớp chất lỏng được máy bay Mỹ rải xuống. Chúng tôi nghe nói đó là thuốc diệt cây cỏ, nhưng không biết rằng thứ chất lỏng ấy lại độc đến vậy- ông nội T. kể.

Người cựu binh già càng không thể nghĩ nó sẽ là nỗi ám ảnh suốt phần đời còn lại của mình. Ngay cả con cháu mình mấy chục năm về sau vẫn sống trong nỗi đau lớn hơn bất cứ nỗi đau nào.

Hai ông bà sinh ra 3 người con. Người con gái đầu mất sớm, ông không nghĩ là do ảnh hưởng chất độc da cam.

Đến 2 người con trai sau đều có khuyết tật bẩm sinh. Người nặng thì teo cơ (cũng mất sớm); người nhẹ, là ba của T. sứt môi, hở hàm ếch, thì ông bà mới hốt hoảng đi kiểm tra.

Sau quá trình làm thủ tục, ông và hai con trai được Nhà nước xác định là nạn nhân chất độc da cam, được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Thế hệ thứ ba, có 2 trai, gồm T. và em trai. Khi sinh ra, T. bình thường, cho đến năm 3 tuổi thì phát hiện bị bại não. Gia đình cố gắng chạy chữa, bế bồng nhau đi khắp các bệnh viện nhi, đến các trung tâm phục hồi chức năng, nhưng đành chịu.

Mọi hy vọng của gia đình giờ đây dồn vào em trai T. “Thằng bé thông minh, lanh lợi, rất may chỉ bị sứt môi nhẹ, còn lại đều bình thường”- ông nói như khoe, hay đúng hơn là như tự an ủi mình.

Còn bà ngồi bên, âu yếm xoa lưng T., nhìn đứa cháu kia chạy nhảy ngoài sân, nói xen vào: “Người ta nói phẫu thuật sẽ hết. Nếu có đợt phẫu thuật nào tới đây, sẽ đưa cháu vào danh sách”.

Tôi vội quay đi, lén giấu giọt nước mắt khi nhìn thấy ánh mắt chứa chan hy vọng ấy.

Nên biết rằng, đó là niềm tin, là điểm tựa để họ sống tiếp. Bởi ngay cả cuộc sống bình thường còn khó khăn, thì kiếm đâu ra chi phí để tự phẫu thuật? Ông và bố có trợ cấp hàng tháng, dù ít ỏi, nhưng thế hệ thứ ba như T. thì không.

Qua điều tra, khảo sát của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, toàn quốc có hơn 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; hơn 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4.

Tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh Kon Tum có gần 8.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó chỉ mới có gần 1.000 người đã và đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước.

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum đang nuôi dưỡng 54 trẻ khuyết tật thì có gần 50% trẻ bị thiểu năng trí tuệ, bại não, liệt…

Vẫn còn một lượng lớn chất độc hóa học ẩn mình dưới đất đen. Trong thời gian hoạt động báo chí, tôi đã hai lần tận mắt nhìn thấy những thùng chất độc CS được đào lên từ lòng đất. Lần đầu vào tháng 6/2013, 33 thùng chất độc CS, được phát hiện tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.

Tháng 8/2016, tiếp tục phát hiện 43 thùng chất độc hóa học CS, có tổng trọng lượng 1.548kg, tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy.

Tất nhiên, cả 76 thùng chất độc CS này đều được Đội xử lý chất độc hóa học Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum xử lý thành công. Theo ngành chức năng tỉnh Kon Tum, đến nay địa phương đã phát hiện và xử lý triệt để 291 thùng chất độc CS tồn lưu, với tổng khối lượng gần 38.000kg.

Cuộc kháng chiến chông Mỹ đã kết thúc với ngày 30/4/1975 lịch sử, nhưng chất độc da cam/dioxin vẫn đang hiện diện ở nhiều gia đình.

Cho đến nay, bất chấp nỗ lực đấu tranh đòi công lý của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và hàng triệu nạn nhân, Chính phủ Mỹ vẫn từ chối nhận trách nhiệm hoặc thiện chí bồi thường. Năm 2009, đơn kiện của các hội nạn nhân Việt Nam đại diện cho trên 4 triệu nạn nhân đã bị Tòa án Tối cao Mỹ bác

Trong khi đó, Đảng, Nhà nước đã rất tích cực giải quyết vấn đề da cam, bằng việc hỗ trợ những nạn nhân thuộc thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai. Năm 2012, Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu “cơ bản giải quyết” vấn đề da cam vào năm 2020.

Nhiều chủ trương, chính sách được triển khai nhằm hỗ trợ, nâng cao đời sống nạn nhân da cam. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách lâu dài cũng như trước mắt, giúp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Các chế độ ưu đãi bao gồm trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông…

Chăm sóc trẻ em bị khuyết tật do di chứng từ chất độc da cam.

Ở Kon Tum, các chính sách hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam được quan tâm thực hiện. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành lập vào năm 2004. Báo cáo của Hội cho biết, 18 năm qua, nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, làm nhà, sửa nhà, tặng quà nhân lễ, tết, trao tặng học bổng; hỗ trợ khám chữa bệnh…

Đã có hơn 13.905 lượt nạn nhân được chăm sóc, giúp đỡ qua kênh Hội với hơn 8,7 tỷ đồng. Vượt qua những con số thống kê khô khan, không thể đo đếm được tình cảm, sự hỗ trợ của chính quyền, cộng đồng và người dân dành cho nạn nhân và gia đình nạn nhân da cam. Từ đó giúp họ tự tin hơn, mạnh mẽ hơn trong hành trình vươn lên.

Dù vậy, điều đau đáu là làm thế nào để những nạn nhân da cam thế hệ thứ ba được công nhận, được bổ sung vào chính sách.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 cũng chỉ có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ được hưởng trợ cấp, nhưng đến cháu thì không được.

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập liên quan đến chính sách dành cho nạn nhân và gia đình nạn nhân phù hợp với thực tế cần được thúc đẩy mạnh mẽ. Trong đó chú trọng những chính sách tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.- một cán bộ Hội chia sẻ.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các trường hợp nạn nhân chất độc hóa học chưa được hưởng chính sách, hoặc đã được hưởng nhưng chưa đúng, để thực hiện đúng và đủ. Thực tế hiện nay, do nhiều nguyên nhân, vẫn còn một số người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin chưa được hưởng những gì họ đáng được hưởng.

Đặc biệt, ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba, để họ được hưởng chính sách.

Trong buổi chiều ngồi trong căn nhà cũ kỹ ấy, nước mắt tôi đã rơi, cùng những giọt nước mắt đắng chát của gia đình T; đã đau với những cơn đau vặn người; đã cười cùng tiếng cười khàn đục, mà lẽ ra nó phải trong trẻo như chuông bạc, của T.

Và khi ra về, còn loáng thoáng nghe tiếng bà nội T. nói với em trai của cậu: Mai mốt phẫu thuật xong cháu sẽ không còn xấu hổ nữa.

Tôi chợt thấy đau lòng khi vẫn còn sự tự ti ở những “gia đình da cam” này, tôi tạm gọi như vậy vì không biết dùng cách gọi nào sát hơn. Phải chăng chúng ta chưa hoàn thành trách nhiệm trong việc giúp đỡ họ vượt qua mặc cảm và sự tự ti để hòa nhập xã hội?

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác