• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Dấu ấn 10 năm hoạt động của Hội thành phố Cam Ranh

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa là tổ chức xã hội, tập hợp những nạn nhân, con của nạn nhân bị di chứng dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và những người tự nguyện tham gia. Hội thừa nhận và hoạt động theo tôn chỉ, mục đích do Điều lệ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam quy định. Trong 10 năm trở lại đây, Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực trong hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, đối tượng đặc biệt yếu thế  trong xã hội.

 

 

Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Cam Ranh (sau đây gọi tắt là Hội) đã trải qua 3 kỳ đại hội. Hiện nay, 12/15 xã, phường có NNCĐDC; 9/15 địa phương có chi hội, chiếm tỉ lệ 60%, các xã còn lại chỉ có từ 1 đến 2 hội viên nên không thành lập Hội. Ngày đầu thành lập, năm 2013, tổng số hội viên là nạn nhân chất độc da cam và con đẻ của họ bị di chứng CĐDC trên địa bàn thành phố là 103 người; qua thời gian, đến cuối năm 2022 số hội viên hiện còn 112 người. Ban chấp hành Hội thành phố nhiệm kỳ 2018-2023 hiện có 15 thành viên. 

Mười năm qua, Hội đã tích cực làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân về sự tác hại của chất độc da cam đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người; những nỗ lực của hệ thống chính trị trong khắc phục thảm họa da cam (trọng tâm là Chỉ thị 43, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”); quảng bá hoạt động Hội và lan tỏa truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc. Qua đó cộng đồng, xã hội hiểu hơn về thảm họa da cam, nạn nhân chất độc da cam, lòng nhân ái được thức tỉnh. Cộng đồng đã quan tâm, chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ nạn nhân, tiếp thêm sức mạnh để họ vượt khó, vươn lên. Đặc biệt,vào những dịp lễ, Tết và ngày 10/8 (ngày vì NNCĐDC Việt Nam), công tác tuyên truyền được đẩy mạnh.

Chia sẻ về một số thuận lợi, khó khăn trong hoạt động công tác Hội ở cấp xã, phường; bà Trần Thị Mai - Ủy viên ban chấp hành Hội thành phố, Chi hội trưởng Hội phường Cam Nghĩa nói: “Chi hội NNCĐDC phường Cam Nghĩa có 10 nạn nhân, trong đó có gia đình gồm cả cha, mẹ và con; thời gian qua đã có 2 nạn nhân qua đời. Chi hội được Đảng ủy, UBND, các ban, ngành, đoàn thể trong phường quan tâm tạo mọi điều kiện hỗ trợ về tinh thần và vật chất: thăm hỏi những lúc ốm đau, hoạn nạn; tặng quà những dịp lễ, Tết. Khó khăn của chúng tôi là công tác vận động gây quỹ cho Hội hiệu quả chưa cao, nhưng không vì như thế mà chúng tôi lùi bước. Bản thân tôi, nghĩ rằng, mình là Chi hội trưởng phải nắm chắc thông tin của các nạn nhân trong chi hội và luôn luôn giữ mối quan hệ với các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn, các Mạnh Thường Quân, các nhà hảo tâm, vận động, kêu gọi họ hỗ trợ tiền và hàng hóa giúp đỡ cho nạn nhân. Với tinh thần “tất cả vì nạn nhân chất độc da cam” chúng tôi đã và sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, hoạt động không ngừng nghỉ đền đáp phần nào những mất mát đau thuong nạn nhân đang gánh chịu”.

Ban Thường vụ Thành hội chỉ đạo Chi hội cơ sở nắm bắt sâu sát từng nạn nhân, để giúp đỡ họ trên ba lĩnh vực: Bảo vệ quyền lợi chính đáng của nạn nhân; giám sát việc giám định sức khỏe, bệnh tật đối tương nghi phơi nhiễm; động viên, chăm sóc về tinh thần, hỗ trợ về vật chất. Theo số liệu tổng hợp của Hội thành phố Cam Ranh, trong 10 năm, từ năm 2013 đến 2022, bằng nguồn tiếp nhận từ cộng đồng Hội đã trao tặng quà cho 2.272 lượt NNCĐDC (gồm tiền, gạo, xe lăn, học bổng và hàng hóa khác) tổng giá trị quy thành tiền hơn 870 triệu đồng. Việc lựa chọn hoặc đề xuất đối tượng để hỗ trợ, tặng quà đều được tập thể Hội hội ý và đi đến thống nhất. Công tác thu, chi quỹ Hội được Ban Thường vụ Thành hội thực hiện rõ ràng, minh bạch và định kỳ báo cáo công khai.

Một số hình ảnh Hội thành phố Cam Ranh chăm sóc nạn nhân trên địa bàn

Hằng năm, Hội thành phố còn đề xuất, phối hợp với Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh và Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, kết hợp hướng dẫn nạn nhân tự chăm sóc sức khỏe. Cao điểm dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn thành phố vào năm 2020, 2021 cán bộ Thành hội và cơ sở đã phối hợp với các ngành, đoàn thể làm tốt công tác phòng, chống dịch tại địa phương; động viên, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam mắc bệnh cách ly tại nhà với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Những hoạt động của Hội đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, thái độ, hành động của người dân trên địa bàn thành phố Cam Ranh từ thói quen “Hoàn cảnh ai nấy sống”, nhiều người nay đã quan tâm dành sự tri ân, cảm thông, chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ NNCĐDC trên địa bàn.

Biết ơn sự giúp đỡ của Hội, cựu chiến binh Đinh Công Mận, 73 tuổi, trú tổ dân phố Nghĩa Cam, phường Cam Nghĩa nói: “Thời gian chiến tranh,  tôi tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào, tại chiến trường B5 - Quảng Trị. Tôi bị nhiễm chất độc da cam. Sinh được 4 người con, thì 2 người con nhiễm chất độc da cam. Người con trai sinh năm 1982 nằm tại giường không đi lại được; người con gái sinh năm 1988, gia đình không lo được lại phải gửi vào Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa điều trị. Tôi bệnh tật sức yếu, vợ cũng đã tuổi cao, sức yếu, thời gian tới chắc sẽ vất vả hơn. Tôi hiểu, nỗi đau này không chỉ riêng gia đình tôi, nhiều đồng đội khác còn quẫn bách hơn gia đình tôi. Tôi, thay mặt gia đình, xin chân tình cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cấp Hội, các Mạnh Thường Quân đã giúp đỡ gia đình về tinh thần và vật chất. Tôi còn khả năng được đến đâu cố gắng lo cho gia đình, con cháu cho đến đó.”.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam Hội thành phố Cam Ranh đã được Trung ương Hội tặng Bằng khen năm 2021 và UBND cấp tỉnh, thành phố tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.

Không thỏa mãn với thành tích đạt được, ông Nguyễn Ngọc Dần, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Cam Ranh tâm sự:

“Chiến tranh đã lùi xa, nhưng thực ra hậu quả chất độc da cam/dioxin còn kéo dài, di truyền sang con, cháu của nạn nhân. Đây là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên Thế giới. Vì thế trong thời gian tới, Hội chúng tôi tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Kế hoạch công tác của Hội cấp trên, để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác Hội. Tiếp tục đề xuất với Đảng, Chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo hội cơ sở; đồng thời cho phép vận động xây dựng quỹ Hội tại xã, phường để hỗ trợ, chăm sóc NNCĐDC trên địa bàn, góp phần giảm gánh nặng cho Chính quyền cùng cấp. Vận động, kết nạp người tình nguyện vào  Hội. Làm tốt công tác thi đua - khen thưởng. Phấn đấu chất lượng và giá trị hoạt động năm sau tăng hơn năm trước”.

Với tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam; hy vọng trong thời gian tới, Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Cam Ranh sẽ có nhiều hoạt động tích cực hơn nữa, góp phần vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội cho NNCĐDC những người đang cùng lúc gánh nhiều bệnh nan y.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...