• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Giá trị của hòa bình

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ đây, từ địa vị của người nô lệ, mất nước, nhân dân ta được làm chủ vận mệnh của mình trong nền độc lập, tự do.

Tuy nhiên, độc lập tự do chưa được bao lâu thì thực dân Pháp gây hấn muốn chiếm nước ta một lần nữa, buộc nhân dân ta phải nhất tề đứng dậy bảo vệ nền độc lập tự do của nước nhà.

Trải qua 30 năm trường kỳ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy, “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, dũng cảm, ngoan cường chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, non sông thu về một mối, cả nước đi lên xây dựng CNXH, thực hiện chiến lược cách mạng của đất nước trong thời kỳ mới “Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa” với mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đưa đất nước ta lên tầm cao mới, diện mạo mới đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà Tết Quý Mão - 2023 đến các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, công nhân nghèo ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh.

Để có độc lập, tự do, cuộc sống thanh bình như hiện nay và có được cơ đồ, vị thế như ngày nay, đã có biết bao cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân đã chiến đấu, hy sinh, cống hiến xương máu cho Tổ quốc, dân tộc.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cả nước đã có trên 9,2 triệu người có công, trong đó: 1,2 triệu liệt sỹ, trên 139.000 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; 600.000 thương binh, 185.000 bệnh binh, 111.000 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày và trên 350.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…

Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Nam Định

Trên dải đất hình chữ S, cả nước có khoảng 3.200 nghĩa trang Liệt sỹ, 3.000 công trình ghi công, bia tưởng niệm liệt sỹ và không nơi nào không có nghĩa trang Liệt sỹ, đền thờ liệt sỹ; công trình ghi công liệt sỹ, không có gia đình, dòng họ, làng xóm nào không có người đi bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và gần như dòng họ, thôn xóm nào cũng có Liệt sỹ… Đến nay, chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, nhưng vẫn còn hàng ngàn Liệt sỹ chưa được quy tập vào nghĩa trang hoặc về với đất mẹ, rất nhiều liệt sỹ chưa xác định được danh tính, nhiều Liệt sỹ vẫn nằm lại trên các chiến trường năm xưa. Đó là nỗi đau, mất mát, sự hy sinh cống hiến không thể nào đong điếm được của các thế hệ người Việt Nam cho nền độc lập, tự do, hòa bình của đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân tộc ta phải đối mặt với cuộc chiến tranh hóa học, tàn khốc trong lịch sử nhân loại, từ tháng 8 năm 1961 đến 30 tháng 4 năm 1975, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống ¼ diện tích miền Nam Việt Nam, 61% trong đó là chất da cam, chứa 336 kg dioxin; dioxin là chất cực độc mà loài người biết đến. Chất độc da cam/dioxin đã làm cho hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. Chất độc da cam gây nên biết bao thảm cảnh mà nhân dân Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết trong đau đớn; hàng trăm ngàn người đang ngày ngày vật lộn với bệnh tật, sống trong đau khổ, nghèo khó. Chất độc da cam/dioxin đã gây tổn thương đa dạng, gây ung thư, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, tổn thương hệ tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh, dị dạng, dị tật, mù lòa, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ… Chất độc da cam/dioxin đã di truyền sang thế hệ thứ 2, 3 và 4. Theo số liệu chưa đầy đủ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện có khoảng 75.000 nạn nhân thế hệ thứ 2; 35.000 thế hệ thứ 3; khoảng 2.000 nạn nhân thế hệ thứ 4. Cuộc sống gia định các nạn nhân vô cùng khó khăn về kinh tế, đau đớn về tinh thần. Nhiều gia đình đau đớn khi buộc phải dùng xích để xích con, nhốt con trong cũi sắt… Bát cơm chan đầy nước mắt, không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề, không có tiếng cười, chỉ có tiếng gào thét, đập phá. Nhiều bà mẹ quanh năm chỉ có khóc, không có nụ cười trên môi, nhiều người chưa bao giờ nghe thấy tiếng con gọi “mẹ ơi”. Rất nhiều phụ nữ không có được thiên chức làm vợ, làm mẹ; nhiều chị tìm đến ngôi chùa đi tu, cầu cho hương hồn đồng đội siêu sinh tịnh độ, quốc thái dân an và nương thân cuối đời,… Nạn nhân chất độc da cam là người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Từ sau năm 1975, nước nhà thống nhất, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội luôn quan tâm chăm lo đến người có công, luôn coi việc chăm lo cho người có công là việc làm tri ân với người đã hy sinh cho dân tộc, đất nước. Có rất nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, thiết thực trong chăm lo, giúp đỡ người có công với cách mạng, rất đáng trân trọng.

Có cuộc được sống như hôm nay, chúng ta không được lãng quên quá khứ, lịch sử, giá trị của hòa bình phải đổi bằng xương máu của đồng bào, chiến sỹ, vì thế mỗi người luôn có khát vọng hòa bình và phải có trách nhiệm bảo vệ nền độc lập, hòa bình lâu dài cho đất nước.

Trần Đình

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...