• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2021

Một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2021

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2020, hầu hết các địa phương đã hoàn thành tổ chức Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được các địa phương quan tâm; nhiều hội đã phát hiện những vấn đề bất cập, những vướng mắc trong tổ chức thực hiện để phản ánh với cơ quan chức năng và báo cáo với cấp có thẩm quyền xử lý. Tiêu biểu, như: Tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết được 100 trường hợp; Bắc Giang: 23, Nam Định: 21, Bình Thuận: 21, Bạc Liêu: 83 trường hợp... Công tác xây dựng hội được tiến hành phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về tinh giản tổ chức, biên chế; đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, như: Cử cán bộ trong hệ thống chính trị (cán bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Cựu chiến binh) kiêm nhiệm công tác hội. Nhiều Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, báo cáo lãnh đạo tỉnh để trình Hội đồng nhân dân ra Nghị quyết về chi ngân sách, vừa bảo đảm kinh phí hoạt động, vừa có chế độ thù lao cho cán bộ hội (Thái Nguyên, Quảng Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ...).

Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Công tác tuyên truyền đã tập trung phổ biến các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Tạp chí Da cam Việt Nam và Cổng Thông tin điện tử (Trang Web) của Trung ương Hội có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, làm lan tỏa và nâng cao vị thế của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam ở cả trong nước và

quốc tế.

Năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn, song công tác vận động Quỹ NNCĐDC vẫn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng số tiền thu về quỹ các cấp hội trên 367,3 tỷ đồng (Quỹ TW: 10,66 tỷ; Quỹ địa phương: 356,7 tỷ). Số tiền đó đã được dùng để sửa chữa: 337 nhà, làm mới: 1.041 nhà; tặng quà tết và ngày 10/8: 652.499 suất; cấp vốn sản xuất: 1.317 người; cấp học bổng: 3.093 người; nuôi dưỡng thường xuyên: 4.086 người; cấp xe lăn, xe đạp: 2.193 chiếc; xông hơi giải độc: 534 lượt người; hỗ trợ khám chữa bệnh: 229.799 lượt người…

Về công tác nghiên cứu khoa học, Trung ương Hội đã phối hợp với Tỉnh hội Hà Nam và Quảng Trị , Nam Định, Quảng Nam tổ chức khảo sát nạn nhân thế hệ thứ 3, bảo đảm đúng tiến độ và đạt kết quả tốt. Viện Nghiên cứu Da cam đã hoàn thành nghiệm thu cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Thường trực Trung ương Hội phối hợp với Hội đồng Tư vấn khoa học, chủ động đề xuất nội dung, kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam.

Mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, song công tác đối ngoại và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân vẫn duy trì và đạt được kết quả tương đối tốt. Các dự án như: Sửa chữa, nâng cấp một số công trình thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC Việt Nam được chính quyền tỉnh Gyeonggi tiếp tục tài trợ để thực hiện giai đoạn 2; Dự án Nâng cao năng lực Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC tỉnh Quảng Bình; các dự án ở Làng Cam, Thành hội

TP. Hồ Chí Minh đã được triển khai theo kế hoạch. Một số tỉnh hội bước đầu đã tiếp cận được các dự án hỗ trợ NNCĐDC của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).

Bên cạnh những kết quả nêu trên, năm 2020 còn tồn tại một số vấn đề sau: Công tác tham mưu của một số tỉnh hội, thành hội còn thiếu chủ động, chưa quyết liệt. Một số địa phương thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW đã tổ chức sáp nhập Hội NNCĐDC/dioxin với một số hội khác không tương đồng về chức năng, nhiệm vụ nên ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ở một số địa phương chưa chặt chẽ, vẫn còn trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách quy định, hoặc có trường hợp hưởng sai quy định, gây bức xúc trong nhân dân.

Năm 2021, đất nước ta diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm diễn ra Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021) - Năm “Vì NNCĐDC Việt Nam”... Bên cạnh thuận lợi, hoạt động của hội các cấp còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và tình hình tổ chức hội ở một số địa phương chưa ổn định sau sáp nhập. Từ thực tiễn trên, các cấp hội cần tập trung hoàn thành tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Các cấp hội tập trung tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tổ chức tốt hoạt động Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam; gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Các địa phương chưa tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW cần chủ động tổ chức sơ kết. Trung ương Hội phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Bộ Lao động - Thương Binh và xã hội, Bộ Y tế, nắm tình hình, kiểm tra giám sát việc sơ kết Chỉ thị 43-CT/TW tại 11 tỉnh còn lại. Trên cơ sở kết quả thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước để bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con, cháu của họ bị di chứng chất độc hóa học. Thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội đối với các quy định liên quan đến NNCĐDC.

2. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trong nước và thông tin đối ngoại; tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và các tổ chức, cộng đồng quốc tế quan tâm, ủng hộ công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, thi đua, khen thưởng cả cấp Trung ương và địa phương nhân Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, theo đúng sự chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng (tại Thông báo số 12440-CV/VPTW ngày 01/7/2020 của Văn phòng Trung ương Đảng) và Kế hoạch hoạt động của Trung ương Hội. Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam với phương châm: “An toàn, tiết kiệm, ý nghĩa và có sức lan tỏa”. Chú trọng hoàn thành Giải báo chí về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.

3. Chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiến hành Tổng kết 10 năm thực hiện Phong trào “Hành động vì NNCĐDC ở Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động (2011 - 2021); trên cơ sở đó đề nghị tiếp tục phát động Phong trào này trong giai đoạn mới, nhằm động viên toàn xã hội quan tâm chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC và tạo điều kiện để Hội NNCĐDC/dioxin hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

4. Chăm lo xây dựng Hội NNCĐDC/dioxin các cấp vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ hội tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, gương mẫu về đạo đức lối sống, tâm huyết với nhiệm vụ và nạn nhân. Duy trì nền nếp tác phong làm việc và chế độ báo cáo đúng quy định; tác phong làm việc dân chủ, đoàn kết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Hội, các quy chế làm việc tại các cấp hội. Chấp hành chế độ quản lý tài chính, tài sản công; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các dấu hiệu vi phạm.

5. Tích cực, chủ động vận động quỹ. Coi trọng công tác kiểm soát quỹ và duy trì hoạt động của Hội đồng Quản lý Quỹ NNCĐDC ở các cấp hội. Thực hiện có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật các dự án do tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, lập Đề án tổ chức, triển khai thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg, ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ Về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 (trên cơ sở Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật). Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC. Tổ chức tốt việc nuôi dưỡng nạn nhân tại các Trung tâm, kết hợp với hình thức nuôi dưỡng tại nhà. Chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc thăm hỏi, động viên nạn nhân, nhất là nạn nhân nặng, gia đình có nhiều nạn nhân; nạn nhân được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, nhân Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam.

6. Triển khai các hoạt động đối ngoại bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC thực hiện theo phương châm: Tăng cường vận động và đấu tranh với Chính phủ, Quốc hội và chính giới Mỹ, yêu cầu họ có trách nhiệm cao hơn trong việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm trên, các cấp hội bám sát đặc điểm tình hình của địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động, tạo không khí thi đua sôi nổi ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2021 - Năm “Vì NNCĐDC Việt Nam”, lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội thành phố Cần Thơ nhận Bằng khen của UBND

    Hội thành phố Cần Thơ nhận Bằng khen của UBND

    Tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 (ngày 23, 24/4/2024), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Cần Thơ được UBND thành phố tặng bằng khen về thành tích thực hiện chương ...
    Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

    Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

    Sáng 7-5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt ...