• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nghệ An: Công tác đối ngoại nhân dân ghi nhận và đề xuất

Ngày 27/11, tại tỉnh Nghệ An đã diễn ra Hội thảo: Công tác đối ngoại nhân dân trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nghệ An, với sự chủ trì của GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các ông: Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nghệ An.  

Tham dự có các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý về công tác đối ngoại nhân dân (ĐNND) và đại biểu 18 thành viên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị (LHCTCHN) tỉnh Nghệ An.

Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Trong đề dẫn, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong tư tưởng của Người, đối ngoại nhân dân luôn có vị trí rất quan trọng, là cánh tay nối dài đối ngoại của Đảng, là một trong ba trụ cột của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã lần đầu tiên nêu rõ nhiệm vụ “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Với 17 tham luận và ý kiến phát biểu đã nêu bật về tầm quan trọng và chiến lược  ĐNND trong tình hình mới.

Tham luận của Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với tiêu đề: “Đối ngoại nhân dân trong mối quan hệ chính trị, kinh tế văn hóa” khẳng định: Trong công cuộc đổi mới của đất nước, đối ngoại nhân dân đã phát huy mạnh mẽ vai trò, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá. Các tổ chức nhân dân Việt Nam, đặc biệt là các thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ở trung ương và địa phương, đã thiết lập quan hệ với hàng nghìn tổ chức và cá nhân ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thực hiện hiệu quả nhiều sáng kiến và hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân, kết nối hợp tác song phương cũng như đa phương, góp phần tăng cường tình hữu nghị, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, quan trọng, bạn bè truyền thống, các tổ chức cánh tả, tiến bộ ngày càng đi vào chiều sâu; là một kênh thông tin đối ngoại hiệu quả, tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, tham gia vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích của Việt Nam, nhất là trong các vấn đề chủ quyền biên giới, lãnh thổ, biển đảo, dân tộc, tôn giáo dân chủ, nhân quyền, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới với Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Ông Đồng Huy Cương- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại Nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có tham luận “ĐNND trong sự phát triển kinh tế-Chính trị-xã hội của địa phương”. TS. Kim Lưu, Ban tuyên giáo tỉnh Uỷ Nghệ An tham luận “ĐNND trong hoạt động đối ngoại Đảng và Nhà nước”; ông Nguyễn Hồng Kỳ- Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nghệ An tham luận “Công tác ĐNND trong tình hình mới nhìn từ thực tiễn tỉnh Nghệ An”...

Hội thảo đã phân tích trình bày, đề cao vai trò hoạt động ĐNND ở Nghệ An những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển; Những vấn đề trong xây dựng phát triển an ninh biên giới và mối quan hệ Việt Lào; Xây dựng mối quan hữu nghị Việt Trung; quan hệ Việt Nam Thái Lan... cho rằng: Hoạt động đối ngoại nhân dân cần được đặt trong chiến lược và phù hợp với  chiến lược phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh Nghệ An theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII, chỉ thị 12 - CT/TW của Ban bí Thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới gắn với Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các trụ cột đối ngoại của tỉnh và giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân trong tỉnh, để mỗi trụ cột, mỗi cơ quan phát huy được thế mạnh đặc thù của mình; tiếp tục đổi mới ngày càng mạnh mẽ hơn tư duy, cách tiếp cận, nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại, theo đúng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám “vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực LHTCHN Nghệ An cho rằng, thông qua hoạt động đối ngoại nhân dân để khai thác các tiềm năng về văn hoá, kinh tế của Nghệ An; Các hoạt động giao lưu hữu nghị gắn liền với văn hóa địa phương, sử dụng như một đối tượng và phương tiện nhằm thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhân dân. Vì vậy trong thời gian tới, ông đề xuất Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần tổ chức hội đàm, trao đổi với các tổ chức phi chính phủ về các dự án viện trợ cần gắn với nhu cầu thực tiễn của địa phương và cộng đồng người dân để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội một cách phù hợp nhất; Trung ương có chỉ đạo cụ thể về việc giao trách nhiệm hoạt động đối ngoại nhân dân cho từng ngành để có sự chung tay vào cuộc thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới; Địa phương cần xây dựng mô hình liên kết giữa đối ngoại nhân dân với các sở ngành, địa phương và doanh nghiệp để chung tay mở rộng hợp tác quốc tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho tỉnh; Tăng cường nguồn lực và nhân lực cho hoạt động đối ngoại nhân dân.

Lang Quốc Khánh

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác