• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chia sẻ, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam

Chia sẻ, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam

Xoa dịu nỗi đau da cam là trách nhiệm của toàn xã hội, động viên nạn nhân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Không ỷ lại xã hội, những năm qua nạn nhân chất độc da cam đã nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Vượt khó, vươn lên để tự chủ cuộc sống

Mới sáng sớm, ông Đỗ Văn Út, (ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) đã ra thăm vườn, vườn nhà ông đang trồng dừa, trồng cóc, trồng mít, hiện nhiều cây trái đang cho thu hoạch, mỗi tháng cũng thu về từ 3 đến 4 triệu đồng. Năm nay, ông Út ngoài 60 tuổi, song ông vẫn tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Dẫu bị nhiễm CĐDC, sức khỏe suy yếu, nhưng ông Út vẫn tích cực lao động.

Năm 1967, khi mới 15 tuổi ông tham gia du kích ở địa phương, đến năm 1969 ông bị địch bắt tù đày, lúc đầu, chúng giam giữ ông ở khám lớn Cần Thơ, sau đày ông ra Biên Hòa. Đến năm 1973, khi trao đổi tù binh, ông được trả tự do và ông tiếp tục tham gia cách mạng. Những ngày tháng chiến đấu gian khổ dưới mưa bom, bão đạn, ông may mắn sống sót trở về, thế nhưng lại mang trong mình “vết thương không chảy máu” là chất độc da cam.

Do ảnh hưởng của CĐDC, sức khỏe ông Út giảm sút nhiều. Chất độc ấy đã để lại di chứng trên cơ thể 2 người con của ông. “Mới sinh ra, thấy con yếu ớt, vợ chồng ông đã mang con đi chữa bệnh nhiều nơi, nhưng không khỏi. Mãi đến năm 1995, ông đưa 2 con đi giám định, kết quả là nhiễm CĐDC do di chứng từ ông. Lúc đó, vợ ông chỉ biết nhìn nhau mà khóc. Năm nay, dẫu thằng Kiệt, con Xuyên đã ngoài 30 tuổi, nhưng chúng cứ như đứa trẻ, đi chơi suốt ngày, chỉ khi nào đói bụng thì về nhà”, ông Út trải lòng. Gia đình có một người nhiễm CĐDC đã khổ, đằng này nhà ông có đến ba người, cuộc sống đã khó lại càng thêm khó hơn. Nhưng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ông Út không đầu hàng số phận, quyết tâm vượt qua, gây dựng kinh tế. Những năm mới giải phóng, gia đình ông rất nghèo, ban ngày ông làm ruộng, tối đi giăng lưới, cắm câu, đến năm 1998, ông chuyển sang trồng mía, rồi trồng cam. Sau nhiều năm lao động tích cực, chí thú làm ăn, cuộc sống dần dần được cải thiện, năm 2007, ông đã xây dựng căn nhà vững chãi để ở.

Nay, ở tuổi 67, sức khỏe ông Út cũng không được tốt, nhưng ông vẫn luôn cố gắng, tự nhủ với bản thân và động viên gia đình phải phấn đấu vươn lên. “Ngày xưa, chiến tranh vất vả, gian khổ, ác liệt là vậy còn vượt qua được, trong cuộc sống hôm nay chúng tôi phải cố gắng hơn nữa, để phát triển kinh tế gia đình. Vợ chồng tôi đều lớn tuổi rồi, chỉ mong con cái mạnh khỏe”, ông Út chia sẻ.

Những nỗi đau do di chứng da cam mà gia đình ông Út cùng các NNCĐDC khác đang phải gánh chịu khó nói hết bằng lời. Thay vì chấp nhận số phận nghiệt ngã, ông Út cùng nhiều nạn nhân khác đã nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Hết lòng vì nạn nhân

Dẫu các cô, chú cán bộ của Hội NNCĐDC/dioxin trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đa phần là cán bộ hưu trí, lớn tuổi, nhưng xuất phát từ cái tâm, hết lòng vì NNCĐDC, mọi người không ngại chuyện nội bộ, dãi nắng, dầm mưa đến tận những nơi hẻo lánh, xa xôi để chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh và tìm cách giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, hòa nhập với cộng đồng. Theo bà Trương Thị Mười Hai, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin và Bảo trợ người tàn tật, Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy: “Có đến tận nơi, thấy tận mắt nỗi khổ mà những nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC ngày đêm gánh chịu, có người bị liệt tay, liệt chân, có người bị biến dạng cơ thể... mỗi cán bộ Hội chúng tôi mỗi ngày thêm một chút cố gắng, thêm một chút cống hiến, một chút hy sinh, tất cả vì nạn nhân, vì những người có hoàn cảnh đặc biệt nhất trong xã hội”.

Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã vận động trên 57 tỉ đồng, qua đó, đã trợ cấp khó khăn đột xuất cho 78 người; xây dựng, sửa chữa 60 căn nhà tình thương; trợ cấp 1.614 suất học bổng; tặng 40.907 quyển tập; hỗ trợ trên 3.000 người khám bệnh, mổ mắt đục thủy tinh thể...

Các cán bộ Hội NNCĐDC/dioxin thường xuyên đến thăm hỏi sức khỏe nạn nhân và động viên gia đình nạn nhân da cam.

Với tinh thần trách nhiệm, thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh thường xuyên vận động các nguồn tài trợ trong và ngoài địa phương, để hỗ trợ cho những cảnh đời kém may mắn. Mỗi dịp lễ, tết cán bộ Hội đi đến từng gia đình có nạn nhân để động viên thăm hỏi. Những việc làm đầy nghĩa tình ấy, khiến các nạn nhân và gia đình thấy ấm lòng. Bà Trương Thị Nga, ở khu vực 2, phường VII, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Lúc chiến tranh, cha mẹ tôi đã tham gia cách mạng, rồi bị nhiễm CĐDC. Chất độc ấy đã để lại di chứng trên cơ thể của tôi, tuy tôi may mắn đi lại được, nhưng tay trái bị tật, yếu không thể lao động nặng, ngoài được hưởng trợ cấp hàng tháng, vào ngày kỷ niệm (10-8), các cô, chú cán bộ hội đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho tôi, trước sự quan tâm này, tôi thấy được an ủi”.

Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam

Theo ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Hậu Giang, đa phần cuộc sống của các nạn nhân hiện còn nhiều khó khăn nên tùy điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp có những cách để giúp đỡ phù hợp như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vốn chăn nuôi sản xuất, cấp xe lăn, xe lắc… Cùng với đó, các cấp Hội tiếp tục vận động xã hội hóa, để chăm lo, hỗ trợ cho các nạn nhân và gia đình của họ, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh.

Hậu Giang có 729 NNCĐDC hưởng trợ cấp hằng tháng và 12.704 người nghi nhiễm CĐDC hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, người khuyết tật. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho NNCĐDC, bên cạnh việc củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã trở thành cầu nối giữa các NNCĐDC với cộng đồng, thông qua công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng./.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác