• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Kiên Giang lan tỏa tình yêu thương với nạn nhân CHẤT ĐỘC da cam

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, Tỉnh hội Kiên Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực, chia sẻ những mất mát đau thương với NNCĐDC. Hành động này vừa là tình thương yêu, trách nhiệm, vừa tiếp thêm nghị lực, giúp nạn nhân và gia đình họ vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống. 

Theo số liệu của Sở Lao động - TBXH tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1.247 NNCĐDC trong đó 861 nạn nhân trực tiếp và 386 nạn nhân gián tiếp. Thấu hiểu những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà nạn nhân chất độc da cam phải gánh chịu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức thiện nguyện trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả. Đặc biệt, Tỉnh hội đã làm tốt  nhiệm vụ lan tỏa, gắn kết tình yêu thương để chăm lo cho NNCĐDC, giúp họ có niềm tin vào cuộc sống, từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng. 
Từ đầu năm đến nay, Tỉnh hội đã vận động và tặng gần 3000 suất quà tết cho nạn nhân và người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng. Hội hỗ trợ thường xuyên và đột xuất cho nhiều gia đình nạn nhân và trao học bổng “Hạt giống hy vọng” của Trung ương Hội và nhà hảo tâm cho học sinh là con nạn chất độc nhân da cam và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vốn vay không tính lãi cho hàng chục trường hợp để phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống…
Cùng nhà hảo tâm và Tỉnh hội đến thăm những hộ nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn mới thấy rõ không khí ấm áp và thân tình. Nằm sâu trong khu dân cư xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng, căn nhà nhỏ của chị Trần Thị Hiếu, nạn nhân gián tiếp của thảm họa da cam chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Dù đã 36 tuổi nhưng cơ thể chị teo tóp, không thể đi lại, nói chuyện khó khăn, sinh hoạt hàng ngày phải phụ thuộc vào người mẹ già. Dù cuộc sống chồng chất khó khăn, nhưng chị Hiếu vẫn lạc quan, vui vẻ vì luôn nhận được sự quan tâm của hàng xóm, láng giềng, đặc biệt là nhà hảo tâm và Hội các cấp. Cố gắng phát âm từng chữ, chị Hiếu nói: “Được mọi người thường xuyên đến động viên, thăm hỏi, tặng quà, tôi rất vui, hạnh phúc. Đó là động lực giúp tôi vươn lên, sống lạc quan mỗi ngày. Hiện mẹ tôi đã lớn tuổi và thường xuyên bị bệnh nên tôi mong được vào ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để bớt phần gánh nặng cho mẹ”…
Bà Trần Thu Vân, Chủ tịch Tỉnh hội cho biết, sự cảm thông cùng những hỗ trợ thiết thực từ các tổ chức, các nhà hảo tâm dành cho nạn nhân da cam là những nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng và cần được lan tỏa. Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các hoạt động chăm lo cho NNCĐDC nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; nêu cao tinh thần tự nguyện ủng hộ theo khả năng của mình, góp phần tạo thêm nguồn lực giúp đỡ nạn nhân từng bước vươn lên trong cuộc sống./.

Nguyễn Tùng Chẩn

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác