• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BỘ ĐỘI HÓA HỌC THAM GIA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC TỒN LƯU SAU CHIẾN TRANH

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng gần 80 triệu lít chất độc diệt cây, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366kg chất độc dioxin, cùng với khoảng 9.000 tấn chất độc CS để phun rải trên chiến trường miền Nam, gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Theo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, diện tích đất bị phun rải chất diệt cỏ khoảng 3 triệu hec-ta, nhiều hệ sinh thái tự nhiên bị phá hủy, nhiều vùng rừng núi nhiệt đới rậm rạp với nhiều tầng thực vật khác nhau thành đồi, núi trọc, nhiều vùng rừng ngập mặn thành các bãi hoang. Theo kết quả điều tra của Ủy ban 10-80, Việt Nam có 28 “điểm nóng” ô nhiễm chất độc hóa học chứa dioxin, bao gồm các sân bay quân sự và sân bay dã chiến đã từng được quân Mỹ sử dụng trong chiến dịch phun rải chất diệt cỏ; trong đó, các sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định) và A So (Thừa Thiên-Huế) là những khu vực có nồng độ ô nhiễm dioxin cao hơn giới hạn cho phép, tác động tiêu cực đến môi trường và con người trước mắt và lâu dài. Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Columbia (New York - Mỹ) xác định có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin, hàng triệu người đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất da cam/dioxin. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chứng minh chất da cam/dioxin gây ra nhiều bệnh tật như tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật, các bệnh ung thư… Chất độc CS và vũ khí, phương tiện chứa CS tồn lưu với số lượng khá lớn; một phần nằm ở các kho, căn cứ quân sự cũ, một phần nằm rải rác ở các cánh rừng hiểm trở, ít người qua lại, hoặc nằm sâu trong lòng đất, chỉ phát hiện được do người dân làm nương rẫy hoặc quá trình san lấp mặt bằng…Sự tồn lưu lượng lớn chất độc CS và vũ khí, phương tiện chứa CS không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng, cản trở hoạt động sản xuất. Ở một số địa phương, kẻ xấu còn sử dụng chất độc CS để khủng bố, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh, Binh chủng Hóa học đã chủ động, tích cực nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về các chủ trương, giải pháp, các kế hoạch, chương trình; đề xuất lựa chọn công nghệ khả thi và hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 1996 đến nay, Binh chủng Hóa học đã thực hiện 20 dự án, nhiệm vụ xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh[1]. Kết quả đã điều tra, đánh giá, xác định các điểm ô nhiễm chất độc CS tồn lưu trên địa bàn 293 quận, huyện, thị của 34 tỉnh, thành phố; đã thu gom, xử lý triệt để trên 460 tấn chất độc CS, hàng trăm tấn vũ khí, phương tiện chứa chất độc CS, trên 85 tấn đạn dược khác, làm sạch 1.375m3 đất nhiễm. Xây dựng bản đồ số hóa các điểm tồn lưu chất độc đã được phát hiện và đã xử lý, làm cơ sở để chính quyền các cấp hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Đã điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm chất da cam/dioxin tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát, A So, Nha Trang, Tuy Hòa, Phan Rang... Tiến hành xử lý hơn 220.990m3 đất nhiễm da cam/dioxin tại Sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát; giám sát công nghệ xử lý 94.593m3 đất nhiễm da cam/dioxin bằng công nghệ giải hấp nhiệt trong mố (IPTD) ở Sân bay Đà Nẵng do Quân chủng Phòng không - Không quân làm chủ đầu tư. Hiện nay, Binh chủng đang đẩy nhanh tiến độ xử lý khoảng 35.000m3 đất nhiễm dioxin tại sân bay A So. Song song với việc thực hiện các dự án điều tra, xử lý chất độc hóa học tồn lưu, Binh chủng còn triển khai thực hiện 04 đề tài nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý chất độc CS và dioxin và được áp dụng trong xử lý các “điểm nóng” ô nhiễm chất độc da cam/dioxin[2]. Cùng với đó, Binh chủng còn phối hợp với Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về thảm họa da cam/dioxin và công tác khắc phục hậu quả, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tổ chức các hội thảo khoa học, trao đổi thông tin, nghiên cứu khoa học và phối hợp triển khai các dự án, nhiệm vụ liên quan đến nạn nhân chất độc da cam/dioxin[3].

Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lênh Binh chủng Hóa Học (thuws7 từ phải sang) tại lễ triển khai dự án Hỗ trợ người khuyết tật tại CÁC TỈNH ưu tiên (THÁNG 01/2021)

Kết quả thực hiện nhiệm vụ xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh của Binh chủng Hóa học có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội. Đã đánh giá một cách tổng thể tình hình ô nhiễm chất độc hóa học trên các địa bàn, nhất là những địa bàn chiến lược quan trọng; từng bước tẩy độc, phục hồi môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu giải quyết cơ bản hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và con người ở Việt Nam. Cải thiện môi trường đầu tư, tăng hiệu quả sử dụng đất, giúp các địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Cung cấp số liệu điều tra, khảo sát có độ tin cậy cao, làm cơ sở để Đảng, Nhà nước có chính sách phát triển phù hợp. Đồng thời khẳng định sự nỗ lực vượt qua khó khăn, độc hại, nguy hiểm của Bộ đội Hóa học, thực sự là lực lượng nòng cốt cùng với các ban, ngành, địa phương, các lực lượng trên địa bàn bị ảnh hưởng chất độc hóa học, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Các lực lượng tham gia thực hiện các dự án, nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu ngày càng được thử thách, vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Mặc dù Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, giải pháp khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin và thu được nhiều kết quả quan trọng. Song mới chỉ đáp ứng được một phần so với hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam. Theo kết quả Hội thảo khoa học quốc tế “Bệnh, tật liên quan với phơi nhiễm chất da cam/dioxin ở Việt Nam-Hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả dự phòng và điều trị”[4], hiện nay hàm lượng dioxin trong đất, trầm tích ở các vùng lấy mẫu cơ bản dưới nồng độ ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, tại sân bay Biên Hòa, tổng lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin ước tính khoảng từ 408.500m3 đến 495.300m3; sân bay Đà Nẵng còn khoảng 67.974m3, sân bay A So khoảng 35.000m3 cần tiếp tục được xử lý triệt để, riêng sân bay Phù Cát đã được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, tuy nhiên, cần tiếp tục được xử lý triệt để khi có công nghệ phù hợp. Mặt khác, do đặc tính ô nhiễm chất độc hóa học chứa dioxin tại các “điểm nóng” ở nước ta hiện nay rất phức tạp, bởi nồng độ ô nhiễm cao, lượng đất và trầm tích bị ô nhiễm rất lớn, chi phí xử lý triệt để rất tốn kém. Công nghệ chôn lấp cô lập mới chỉ ngăn chặn không cho dioxin phát tán ra môi trường xung quanh.

Chính vì vậy, việc xử lý triệt để các khu vực nhiễm chất da cam/dioxin, nhất là các “điểm nóng” một nhiệm vụ cấp thiết, cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Bộ đội Hóa học cần phát huy vai trò làm nòng cốt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài.

Trước hết, Binh chủng xác định cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Trọng tâm là Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, Quyết định số 2887/QĐ-BQP ngày 28/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt “Chiến lược bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng đến 2020, tầm nhìn đến 2030”; Chương trình quốc gia về chống biến đổi khí hậu trong quân đội và “Chiến lược bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Chỉ thị số 05/CT-BQP ngày 03/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về việc tổ chức thực hiện các dự án, chương trình khắc phục, xử lý chất độc hóa học/dioxin trong Quân đội”.

Tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, trong đó rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn và quan trắc, đánh giá, xử lý chất da cam/dioxin theo hướng bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người, môi trường, phù hợp với những quy định của quốc tế và đặc thù về ô nhiễm da cam/dioxin ở Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân chủ động phòng tránh phơi nhiễm, giảm thiểu tác động tiêu cực của chất độc tồn lưu, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức các hoạt động tuyên truyền về thảm họa da cam và sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và quân đội đối với các nạn nhân da cam/dioxin.

Triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh và bảo vệ môi trường theo đúng mục tiêu, nội dung, quy mô đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ xử lý chất độc da cam/dioxin ở các “điểm nóng”, tiếp tục điều tra, đánh giá, khoanh vùng, kiểm soát và xử lý các khu vực ô nhiễm mới phát hiện. Thực hiện dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So (A Lưới, Thừa Thiên-Huế)” do Binh chủng Hóa học làm chủ đầu tư; chỉ đạo Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại 8 tỉnh bị phun rải nặng chất da cam (dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ -USAID tài trợ). Đồng thời kiểm soát, cảnh báo các nguy cơ phơi nhiễm đối với con người, môi trường, ngăn chặn gia tăng nạn nhân ở những khu vực ô nhiễm.

Đ/c Hà Văn Cử (thứ 5 từ trái sang) tại buổi triển khai thực hiện dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Aso (tháng 02/2020)

Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh và làm chủ, chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường theo hướng đồng bộ, đủ số lượng, nâng cao về chất lượng. Xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ; tạo động lực và đảm bảo lợi ích thiết thực để phát huy sức sáng tạo của cán bộ nghiên cứu khoa học; áp dụng cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt, phù hợp đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ, động viên, khuyến khích, tạo môi trường và động lực cho cán bộ, các nhà khoa học trẻ trong nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, quan tâm đầu tư hiện đại hóa NACET theo hướng chuyên sâu, đặc thù và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ công tác lấy mẫu, phân tích, nghiên cứu xử lý và quan trắc dioxin. Tiếp thu, làm chủ trang thiết bị thuộc dự án “Tiếp nhận trang thiết bị phân tích dioxin và môi trường do chính phủ Nhật Bản tài trợ”.

Một trong những vấn đề quan trọng trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh là công nghệ xử lý với yêu cầu hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, tiết kiệm chi phí, nhân công. Trên cơ sở những định hướng lớn của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ xử lý chất độc hóa học tồn lưu, cần tiếp tục tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm, lựa chọn công nghệ xử lý triệt để da cam/dioxin trong đất và trầm tích phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hiện nay, một số công nghệ xử lý dioxin đã được thử nghiệm và áp dụng như công nghệ chôn lấp cô lập, công nghệ sinh học, công nghệ phân hủy hóa cơ (MCD) của New Zeland, công nghệ TCH cụ thể là hệ thống IPTD… Năm 2021, Tập đoàn Shimizu (Nhật bản) phối hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý Môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) thực hiện dự án thử nghiệm xử lý đất Biên Hòa bằng công nghệ rửa đất. Kết quả thử nghiệm phần đất đã rửa sạch có hàm lượng dioxin đạt QCVN 45 cho đất thành thị, đất giải trí và đất thương mại[5]; ngoài ra các mẫu đất, nước, không khí xung quanh khu vực xử lý cũng được phân tích, đánh giá, đảm bảo an toàn trong và sau khi thử nghiệm, không ảnh hưởng xấu đến môi trường và con người tại nơi thử nghiệm và khu vực xung quanh. Tuy nhiên, mỗi giải pháp công nghệ đều có những ưu, nhược điểm khác nhau cần tiếp tục được thử nghiệm, đánh giá, nhằm hoàn thiện công nghệ để áp dụng rộng rãi xử lý triệt để đất, trầm tích ô nhiễm với khối lượng lớn và rất phức tạp ở nước ta hiện nay. Triển khai dự án hợp tác với Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản), Tập đoàn Tập đoàn Cepthemodyne (Hoa Kỳ) và Công ty Heamer Technoloy (Vương quốc Bỉ) thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa; đồng thời tiếp tục đề xuất thử nghiệm công nghệ xử lý triệt để đất nhiễm dioxin với các đối tác nhằm tìm kiếm công nghệ khả thi, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh không chỉ dựa vào sự nỗ lực của Binh chủng, mà còn phải tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xử lý chất độc da cam/dioxin, để tiếp tục nghiên cứu và khẳng định các tác động của chất diệt cỏ quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người; trao đổi kinh nghiệm về tẩy độc chất da cam/dioxin; huy động được các nguồn lực về khoa học và công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và củng cố, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu, phân tích chất độc và công nghệ tẩy độc. Tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, công nghệ của Tổ chức Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quỹ Ford, quỹ Atlantic Philanthropies, quỹ Bill và Milindagatcs, JAC US-VN, GEF và nhiều tổ chức phi chính phủ khác để thực hiện các chương trình, dự án khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam

Khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Với trách nhiệm chính trị và trình độ chuyên môn, trang bị ngày càng hiện đại, Binh chủng Hóa học sẽ hoàn thành tốt vai trò nòng cốt trong xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước./.

Thiếu tướng Hà Văn Cử

Tư lệnh Binh chủng Hóa học


1 Tiêu biểu là các dự án: 1. Xử lý khu đất nhiễm chất độc hóa học chứa dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (dự án XĐ-1). 2. Xử lý chất độc da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 2 (dự án XĐ-2). 3. Điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam tại 7 sân bay và đề xuất các giải pháp xử lý (dự án Z9). 4. Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So (A Lưới, Thừa Thiên-Huế). 5. Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm chất diệt cỏ chứa dioxin trong đất tại 6 sân bay dã chiến và hồ Khe Lời thuộc các Quân khu 4, 7, 9. 6. Phúc tra, khảo sát, thu gom, xử lý triệt để chất độc CS và sản phẩm thủy phân chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh tại các tỉnh phia Nam - giai đoạn I (tại các tỉnh thuộc Quân khu 9)…

[1] Các đề tài: Nghiên cứu công nghệ xử lý chất chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh. Đề tài: Nghiên cứu giải pháp xử lý khu vực đất nhiễm chất độc dioxin. Đề tài: Nghiên cứu lựa chọn công nghệ khả thi để xử lý đất nhiễm dioxin trong điều kiện Việt Nam. Đề tài cấp Nhà nước: Nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích phù hợp điều kiện Việt Nam.

[1] Tiêu biểu: Tổ chức triển lãm “Da cam/dioxin-lương tri và công lý”; phát hành sách ảnh “Thảm họa da cam-60 năm nhìn lại”; biên soạn sách “Thảm họa da cam và quá trình khắc phục (1961 - 2021)-Biên niên sự kiện”; thực hiện dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam”...

[2] Các đề tài: Nghiên cứu công nghệ xử lý chất chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh. Đề tài: Nghiên cứu giải pháp xử lý khu vực đất nhiễm chất độc dioxin. Đề tài: Nghiên cứu lựa chọn công nghệ khả thi để xử lý đất nhiễm dioxin trong điều kiện Việt Nam. Đề tài cấp Nhà nước: Nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích phù hợp điều kiện Việt Nam.

[3] Tiêu biểu: Tổ chức triển lãm “Da cam/dioxin-lương tri và công lý”; phát hành sách ảnh “Thảm họa da cam-60 năm nhìn lại”; biên soạn sách “Thảm họa da cam và quá trình khắc phục (1961 - 2021)-Biên niên sự kiện”; thực hiện dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam”...

[4] Hội thảo do Văn phòng 701, Hội nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam và Học viện Quân y tổ chức ngày 20/12/2021 tại Hà Nội.

[5] Thử nghiệm rửa 890 tấn đất được chia thành 12 loại đất có nồng độ dioxin từ 1.200ppt đến 20.000ppt. Kết quả phần đất đã rửa sạch và đất quá khổ thu được từ 59 đến 74%, trung bình là 65%, có hàm lượng dioxin đạt QCVN 45 cho đất thành thị, đất giải trí và đất thương mại; phần bánh bùn có nồng độ dioxin trên 12.000ppt, chiếm từ 26 đến 41 %, trung bình là 35 % cần tiếp tục xử lý bằng công nghệ tiếp theo.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Nơi nghĩa tình sâu nặng vì nạn nhân chất độc da cam

    Tôi tên là: Trần Văn Toàn, 72 tuổi; quê quán: xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Tôi được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để xông hơi giải độc từ ngày 29/3 đến ngày 18/4/2024. Trước khi rời Trung tâm về địa phương, tôi xin có đôi ...