6 giờ tối, khi mọi gia đình đang quây quần chuẩn bị bữa ăn tối thì trong ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Trưng Nữ Vương (Đà Nẵng), vẫn râm ran tiếng trẻ học bài. Gần chục bộ bàn ghế được xếp ngay ngắn giữa phòng khách chưa đầy 20m2. Trên bục giảng, 2 cô giáo mái tóc đã điểm sương thay nhau miệt mài ôn luyện bài tập cho tụi trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu nghị lực và đam mê học tập.
Lớp học miễn phí của 2 chị em cô giáo về hưu. |
Cả 2 chị em cô Nhung, cô Tuyết đều là giáo viên dạy Ngữ văn. Gắn bó với sự nghiệp "trồng người" suốt 35 năm. Năm 2010, cô Tuyết về hưu, 1 năm sau cô Nhung cũng rời bục giảng ở trường và về tham gia vào hoạt động xã hội tại địa phương.
"Trong quá trình hoạt động xã hội, phát hiện tại địa phương mình có nhiều trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất hiếu học nên tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi đã đến từng nhà vận động bố mẹ đưa các em đến để tôi chỉ dạy, ôn tập giúp các em tiến bộ hơn", cô Nhung bộc bạch. Và thế là lớp dạy thêm miễn phí ra đời từ năm 2019.
Hiện, lớp học của cô Nhung dao động khoảng 20 em từ lớp 1 đến 9 đang theo học. Đây đều là những học trò có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi,…
Từ những ngày đầu phải đi vận động, đến nay thành "lệ" - cứ tan học buổi chiều là nhiều em nhỏ sẽ tìm đến lớp học của 2 bà giáo về hưu. |
Đặc biệt, dù mang trong mình căn bệnh ung thư nhưng suốt 5 năm qua, hằng ngày, cô Tuyết đều phụ em gái đứng lớp để củng cố kiến thức cho tụi trẻ. Với học sinh Tiểu học, 2 chị em chia nhau dạy tất cả các môn, còn học sinh THCS thì các cô dạy chủ yếu môn Ngữ văn.
Thời gian gần đây, căn bệnh ung thư thường xuyên hành hạ, sức khỏe giảm sút, khiến cô Tuyết phải nhập viện nhiều hơn. Nhưng cứ hễ khi khỏe lại một tí là cô lại tiếp tục "đứng lớp".
"Nhiều lúc nằm viện lâu, thấy nhớ lũ trẻ quá nên tôi trốn bệnh viện về nhà để được dạy cho tụi nhỏ. Thấy học trò ngày càng tiến bộ, chăm ngoan là cơn đau tự nhiên tan biến hết", cô Tuyết tâm sự.
Dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng cô Tuyết vẫn thường xuyên chỉ dạy học trò |
.
2 cô xem tụi nhỏ như cháu của mình, chăm sóc các em từng chút một. |
Những tấm bằng khen của 2 cô giáo được treo kín tường |
Ngoài dạy chữ, 2 cô còn dạy các em phải lễ phép và những điều hay lẽ phải. Trước mỗi buổi học, các em được dạy đến sớm để vệ sinh lớp học, kê lại bàn ghế, tập thói quen tự giác, tự lập và biết lao động.
Không những vậy, 2 chị em cô Nhung còn thường xuyên trích phần lớn tiền lương hưu của mình để gom góp mua sách vở, quần áo, gạo để tặng cho tất cả học sinh này, để các em được an tâm tới lớp.
Không chỉ dạy học miễn phí, 2 chị em cô Nhung còn thường xuyên tặng đồ dùng học tập cho những học trò khó khăn |
Vào các dịp lễ, tết, 2 cô đều tổ chức liên hoan cho các em tại lớp, tặng quà bánh để các em mang về nhà. Với học sinh đạt được điểm số cao tại các kì thi giữa kì, cuối kì thì còn được nhận phần thưởng khích lệ từ 2 nữ giáo viên về hưu.
Các cô bảo, những thứ này với nhiều người chẳng đáng là bao nhưng với các học sinh nghèo thì rất ý nghĩa và khích lệ tinh thần giúp các em cố gắng học tập, vượt khó vươn lên.
Cô Tuyết và cô Nhung cần mẫn rèn từng nét chữ cho học trò. |
Ngoài việc dạy chữ, 2 cô còn dạy đạo đức cho các em là phải biết ngoan ngoãn, lễ phép, không nói dối, trộm cắp… |
Đưa ánh mắt trìu mến nhìn 2 anh em ruột Vũ Trọng Bình (lớp 7) và Vũ Trọng Khang (lớp 5), cô Nhung cho biết: Đây là 2 trong số nhiều học sinh được cô dìu dắt, dạy học miễn phí gần 5 năm qua.
Hoàn cảnh của Bình, Khang rất khó khăn. Bố mẹ ly hôn, hiện 2 em đang sống cùng ông bà ngoại già yếu, thường xuyên đau ốm. "Trong một lần đi khảo sát đời sống ở khu dân cư, tôi tình cờ biết hoàn cảnh của 2 em. Lúc đó, do không có ai kèm cặp nên 2 em học rất yếu. Thương quá nên tôi liền nhận các em đến lớp để kèm cặp", cô Nhung nhớ lại.
Ông Lê Văn Thương (80 tuổi, ông ngoại của Bình, Khang) xúc động chia sẻ: "Từ ngày được cô Nhung và cô Tuyết dạy dỗ, 2 cháu tôi tiến bộ rõ rệt. Cháu Bình nhiều năm nay đều đạt học sinh giỏi. Còn cháu Khang từ chỗ học kém nay đã học khá. Không chỉ dạy miễn phí, 2 cô còn tặng sách vở, dụng cụ học tập cho các cháu suốt nhiều năm nay. Thật sự, tôi và gia đình biết ơn chị em cô nhiều lắm".
Dù về hưu đã lâu nhưng "giáo án chưa khép lại" với chị em cô Tuyết, cô Nhung. |
Thầm lặng dâng "mật ngọt", với cô Nhung, cô Tuyết, niềm vui đôi khi chỉ giản đơn là được nhìn đám học trò nghèo tiến bộ từng ngày và sau này trở thành người tử tế, biết yêu thương và có ích cho xã hội. Khi được hỏi dự định khi nào sẽ nghỉ đứng lớp, cô Nhung nhìn cô Tuyết, rồi cười thật tươi nói: "Ngày nào 1 trong 2 chị em tôi còn sức khỏe thì lớp học này vẫn tiếp tục sáng đèn".
Bình luận