• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Đâu là sự thật? Chưa thành sự thật - Trường hợp quân nhân Trần Văn Căn

Ông Bùi Tấn Yên, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay là Trưởng phòng Hạ tầng Kinh tế, xã Bình Định, tỉnh Hưng Yên, trăn trở chia sẻ:

“Địa phương chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận liệt sĩ cho quân nhân Trần Văn Căn. Tuy nhiên, theo Công văn số 244/CS-TBLS ngày 15/01/2018 của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị,Quân đội nhân dân Việt Nam phía Cục Người có công (Bộ LĐ- TB&XH) cho rằng hồ sơ được xác lập trên cơ sở nhân chứng không đúng quy định tại thời điểm lập. Đồng thời, hồ sơ cũng không thuộc diện áp dụng theo quy trình được ban hành tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH”.
Ông Yên thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng cấp trên hướng dẫn cụ thể việc lập lại hồ sơ theo đúng Quyết định 408, để sớm xem xét công nhận liệt sĩ cho quân nhân Trần Văn Căn. Gia đình và địa phương đã mòn mỏi chờ đợi suốt nhiều năm qua – đó là sự thật.

Ba nhân chứng gồm Đại tá Hoàng Ngọc Thành, Đại úy Vũ Đình Hoa và Cựu du kích Nguyễn Hữu Toàn (ảnh chụp năm 2019)

Cụ Nguyễn Hữu Toàn, 92 tuổi, cựu du kích thôn Đồng Kỷ, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, kể lại:

“Tôi cùng các ông Nguyễn Hữu Thùy, Đỗ Văn Đồng và Nguyễn Văn Vượng – đều là đội viên du kích – đã trực tiếp phối hợp với Trung đoàn 50 đánh bốt Cầu Vật vào ngày 20/11/1953 (tức 14/10 năm Quý Tỵ). Trong trận đánh ấy, ông Trần Văn Căn đã hy sinh do trúng bom Na-pan. Chính chúng tôi đã trực tiếp chôn cất ông Căn tại cánh đồng Mụ, thôn Đồng Kỷ. Tôi khẩn thiết đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho ông Căn.”
Đây là nhân chứng thứ hai, cung cấp thông tin hoàn toàn xác thực.

Đại tá Hoàng Ngọc Thành, 91 tuổi, cán bộ quân đội nghỉ hưu tại khu 3, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (nay là xã Thái Thụy, tỉnh Hưng Yên), nguyên chiến sĩ Đại đội 54, Tiểu đoàn 648 (Giang Đông), Trung đoàn 50, Quân khu Tả Ngạn, khẳng định:

“Ông Căn thực sự đã tham gia trận đánh bốt Cầu Vật cùng chúng tôi. Chúng tôi đã có văn bản làm chứng về sự hy sinh của ông, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết chính sách. Đây là thiệt thòi lớn cho đồng đội của chúng tôi. Đề nghị Trung đoàn 50 và Quân khu 3 có trách nhiệm xem xét lại sự việc này.”
Một nhân chứng sống, có uy tín trong quân đội, với lời khai mang giá trị lịch sử và pháp lý rõ ràng – đó là sự thật.

Cựu chiến binh, Đại úy Vũ Đình Hoa, 92 tuổi, nguyên cán bộ Trung đoàn bộ, Trung đoàn 50, Quân khu Tả Ngạn, hiện cư trú tại khu 2, thị trấn Diêm Điền (nay là xã Thái Thụy, tỉnh Hưng Yên), bày tỏ mong muốn:

“Tôi đề nghị các cơ quan chức năng bằng mọi cách phải giải quyết chế độ, chính sách cho ông Trần Văn Căn. Ông đã hy sinh từ rất lâu, vậy mà đến nay vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ, thật sự là điều đáng tiếc và đau lòng.”
Nhân chứng thứ tư, với tâm huyết và trách nhiệm của người đồng đội – một lần nữa khẳng định sự thật.

Quân nhân Trần Văn Căn, sinh năm 1927, quê xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ năm 1950, là chiến sĩ thuộc Đại đội 54, Tiểu đoàn 648, Trung đoàn 50, Quân khu Tả Ngạn – là sự thật.
Ba nhân chứng gồm Đại tá Hoàng Ngọc Thành, Đại úy Vũ Đình Hoa và cựu du kích Nguyễn Hữu Toàn – đều còn sống, đã nhiều lần cung cấp thông tin đầy đủ, thống nhất và chính xác với cơ quan chức năng từ năm 2019.

Trận đánh bốt Cầu Vật, một đồn quân Pháp trên tuyến Quốc lộ 10, thuộc địa phận xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, diễn ra ngày 20/11/1953 (14/10 năm Quý Tỵ) – là sự kiện có thật trong lịch sử chiến đấu của Trung đoàn 50, Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3).

Ông Trần Văn Căn hy sinh là sự thật.
Những người làm chứng là thật.
Những lời khẩn thiết của đồng đội, của nhân dân – là tiếng nói lương tri và công lý.

Vậy đến bao giờ quân nhân Trần Văn Căn mới được công nhận là liệt sĩ?
Đến bao giờ một sự thật mới có lời kết thật?

Xin trân trọng gửi lời thỉnh cầu này tới các cơ quan làm công tác chính sách của tỉnh Hưng Yên, Quân khu 3, Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng, Cục Người có công - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – để sự hy sinh của một người con ưu tú không bị lãng quên, để công lý được thực thi, và để lòng dân được an ủi.


CTV: Nguyễn Công Liêm (Hưng Yên)

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác