• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Giá xăng dầu hôm nay 29/11: Giảm sâu; sớm khắc phục tình trạng 'càng bán, càng lỗ'

Giá xăng dầu hôm nay 29/11, dầu thế giới đang giảm, dự báo giá trong nước sẽ giảm tại kỳ điều chỉnh tới.
Giá xăng dầu hôm nay 29/11, dầu thế giới đang giảm, dự báo giá trong nước sẽ giảm tại kỳ điều chỉnh tới. (Nguồn: Báo Thanh niên)

Giá xăng dầu hôm nay 29/11

Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn thế giới Brent và WTI đều đã giảm từ mức thấp nhất trong gần một năm trong phiên giao dịch ngày 28/11.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu WTI của Mỹ tăng gần 1 USD, được hỗ trợ bởi cuộc thảo luận về việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ để bù đắp cho những lo ngại về các hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiềm chế sự lây lan dịch Covid-19 ở Trung Quốc – nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Cụ thể, giá dầu WTI của Mỹ tăng 96 cent, tương đương 1,26%, lên mức 77,24 USD. Đầu phiên, giá dầu WTI đã chạm 73,6 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Giá dầu Brent cũng chuyển biến tích cực trong thời gian ngắn. Trước khi giảm 44 cent, tương đương 0,5%, về mức 83,19 USD/thùng, giá dầu Brent đã giảm hơn 3% xuống mức 80,61 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 4-1 năm nay.

Điều đáng chú ý là cả hai mặt hàng dầu chuẩn này tuần trước đã ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Matt Smith, nhà phân tích dầu hàng đầu tại Kpler cho biết: “Có tin đồn rằng OPEC+ đã bắt đầu đưa ra ý tưởng về việc cắt giảm sản lượng vào hôm 27-11”. Điều đó đã giúp đảo ngược những mất mát trước đó.

Các nhà phân tích tại Eurasia Group đã nhận xét rằng nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc có thể thúc đẩy OPEC+, bao gồm cả Nga, cắt giảm sản lượng sau khi giảm nguồn cung trong tháng 10.

Theo Eurasia Group, quyết định sẽ phụ thuộc vào quỹ đạo của giá dầu khi OPEC+ họp và mức độ gián đoạn rõ ràng trên thị trường do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 28/11, các nhà ngoại giao của G7 và EU đã tiếp tục thảo luận về mức giá trần đối với dầu của Nga trong khoảng từ 65-70 USD/thùng với mục đích hạn chế doanh thu của Moscow mà không làm gián đoạn thị trường dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn chưa có tiếng nói chung ngay trong nội bộ EU.

Dự kiến, mức giá trần sẽ có hiệu lực vào ngày 5-12 khi lệnh cấm của EU đối với dầu thô của Nga có hiệu lực.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 29/11 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 21/11 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh giảm 40 đồng/lít, còn 22.670 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 80 đồng/lít, còn 23.780 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm xuống 24.640 đồng/lít; dầu diesel giảm xuống 24.800 đồng/lít; dầu mazut tăng nhẹ lên 14.780 đồng/kg. Như vậy, giá xăng dầu đã quay đầu giảm sau 4 lần tăng liên tiếp.

Liên bộ ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel, dầu madut 300 đồng/lít (kg).

Tình trạng xếp hàng mua xăng dầu tại các cửa hàng ở Hà Nội hiện đã bớt căng thẳng nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Để xử lý triệt để vấn đề này, cơ quan điều hành cần sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính cho biết: “Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong việc rà soát lại hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; nâng định mức chi phí có liên quan đến hoạt động thu mua cung ứng xăng dầu, những ngày gần đây, thị trường xăng dầu đã dần trở lại bình thường. Nguồn cung xăng dầu được cải thiện; đồng nghĩa với việc người dân không phải xếp hàng dài, chờ đợi quá lâu như trước”.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định trong năm 2023, Bộ Công Thương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn; phân bổ nhu cầu, nhập khẩu cũng như mua bán xăng dầu cho từng đầu mối theo hàng tháng, quý tại từng địa bàn để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho những tháng đầu năm và cho cả năm 2023.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết: Thực tế mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam là chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra, thực hiện từ tháng 7, 8 và 9/2022. “Điểm đáng ghi nhận là liên Bộ Tài chính - Công Thương đã nâng chi phí này sớm hơn, điều chỉnh ngay ngày 11/11, thay vì đợi đến ngày 1/1/2023 mới điều chỉnh”.

Việc điều chỉnh sớm sẽ giúp giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp nhưng theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, quan trọng nhất vẫn là khoản chênh lệch tính vào giá, phụ phí premium khi doanh nghiệp mua trong những hợp đồng tháng 11, 12/2022 không phải là 5 - 6 USD mà là 11 USD nên doanh nghiệp vẫn đang lỗ tương ứng 5 - 6 USD/ thùng. “Đây là vấn đề cần phải xem xét để giải quyết thấu đáo trong thời gian tới”, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết.

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, mặc dù các khoản chi phí liên quan xăng dầu đã được điều chỉnh, bổ sung trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/11 nhưng mức chiết khấu cho 1 lít xăng dầu tại khu vực I vẫn rất thấp, chỉ vào khoảng 190 đồng, không đủ bù đắp cho chi phí vận chuyển xăng dầu về đến cửa hàng.

Trong khi đó, chi phí kinh doanh xăng dầu gồm nhiều khoản như: Tiền kho bãi, lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, tỷ lệ hao hụt của xăng dầu,... Để bảo đảm hoạt động đối với một cửa hàng bán lẻ, mức chiết khấu tối thiểu phải là khoảng 500 đồng/lít.

Các doanh nghiệp mong muốn cơ quan điều hành cần phải tính đúng, tính đủ để điều chỉnh các chi phí phát sinh trong xây dựng mức giá cơ sở. Bởi những vướng mắc này đang cản trở các doanh nghiệp đầu mối hạn chế nhập khẩu xăng dầu vì “càng bán, càng lỗ” dẫn đến cạn nguồn cung.

Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Đối với các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu: việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh được căn cứ trên cơ sở số liệu thực tế, tính đúng tính đủ theo các báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trên cơ sở đó công bố điều chỉnh theo kỳ công bố đúng với quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Riêng đối với khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã 3 lần công bố điều chỉnh, gần đây nhất là ngày 8/11. Trong thời gian tới, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1085/CT-TTg ngày 11/11/2022, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối định kỳ trước ngày 20 hàng tháng có rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...