• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hành trình về đất Quảng Nam

Hành trình về đất Quảng Nam - Tôi ấp ủ từ rất lâu, rất lâu rồi, nay mới có dịp đi thực tế cùng các anh chị em trong cơ quan VAVA Quảng Nam. Đi  thực tế mới hiểu, thấm thía , cảm phục hơn những nỗ lực của các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương trong chăm lo, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và những người bất hạnh do chiến tranh để lại.

Hành trình và những câu chuyện từ làng quê Quảng Nam

Với cá nhân tôi, thích đến, thích đi với một thực tế rất rõ ràng, chân thật, một cái gì đó rất riêng. Nó thôi thúc tôi dấn thân vào, mặc dù an phận nghỉ hưu hơn một năm rồi. Một điều gì đó khó lý giải, có lẽ đó là một khát vọng sẻ chia, nên một lần nữa không ngăn nổi bước chân yếu mềm trên vạn dặm này đây.

Lần này, Tôi về miền Trung với khát khao được gặp những người thân, đến những nơi cần đến và thăm bao người mình mến, mình yêu thương. Trong đó có bà con quê hương, bạn bè, thân tộc sau nhiều năm cách xa, một lời hứa mình sẽ trở về… Nơi đó có gì vui, nơi đó cha anh đã ngã xuống, nơi mảnh đất đó còn nhiều mảnh đời buồn vì hậu quả chiến tranh. Những trông đợi, những mong chờ. Hãy đợi mình Người thân yêu nhé! Tôi tự nhủ lòng và quyết tâm, dù lúc này bàn chân trái bị sự cố, đi lại có phần khó khăn và đau đớn hơn rất nhiều.

Ngày 16 tháng 5 năm 2023, tôi ra Đà Nẵng. Định sẽ dừng chân và tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ bên bạn bè người thân thật thoài mái, để được ngắm biển Mỹ Khê, đi chùa Linh Ứng hay đi Bà Nà Hill. Nhưng đến Đà Nẵng, lòng lại đổi khác, một cái gì đó thúc dục, nhắc nhở không thể chỉ sống cho riêng mình.

Thế rồi, sau chuyến thăm giao lưu Trung tâm Đà Nẵng, chiều 23 tháng 5 năm 2023, chúng tôi đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng, bảo trợ và điều trị, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh Quảng Nam. Trung tâm nằm cách xa thành phố vài chục cây số, qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, gần bệnh viện Mắt Quảng Nam là  biển báo hướng dẫn.

Tôi đến Trung tâm giữa nắng chiều thong thả bình yên, buổi gặp gỡ giao lưu đầy ấn tượng, ông Nguyễn Anh Cả, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam tiếp đón và trao đổi thân tình như với những người thân. Ông vui vẻ thông báo khái quát tình hình hoạt động của Hội, công tác trợ giúp cải thiện đời sống nạn nhân hiện nay và những dự tính trong tương lai. Gặp ông Cả trong vui mừng như gặp lại người anh, người thân lâu ngày trở về quê hương. Chính sự ấm áp ấy, càng làm cho tôi thêm động lực, như tiếp thêm cho tôi ngọn lửa yêu thương, bồi đắp thêm tình đồng hương, tình người cùng quê sao mà ấm cúng đến thế!

                                                                                       

       Chụp hình chung với các em đang được chăm sóc tại Trung tâm

Chúng tôi tranh thủ vòng quanh một vài khu chức năng của Trung tâm để hiểu thêm về đời sống ở nơi đây. Bởi, từ rất lâu rồi, VAVA thành phố Hồ Chí Minh cũng đang có một dự án lớn, gần 5ha đất đang chờ ngày khai mở "Làng Cam". Đó là cõi đi về cho bao mảnh đời bất hạnh, nó nằm ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh mà Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh và toàn Hội đang dốc công triển khai nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Một dự án lớn, có tầm cỡ, rất cần sự trợ giúp từ nhiều nguồn, mặc dù bây giờ Thành hội đang thực hiện bước một hình thành khu nông nghiệp sạch, nguồn vốn do JICA – Nhật Bản tài trợ 100%.

Vườn rau sạch do các em học viên và cán bộ, nhân viên Trung tâm tự trồng. Mùa này khô hạn nên chỉ còn vài luống rau muống và mấy luống dưa cà lơ thơ thiếu nước tưới. Bên phòng học, không khí mát mẻ, các học viên và cô giáo đang chăm chú với những bài học vỡ lòng. Những nét vẽ và con số ngùng ngoằng, khẳng khiu như những đôi tay dị dạng, dị tật vụng về của các em vậy. Những líu ríu, ngọng nghịu, những bước đi khằng khiu, xiêu vẹo bám sát cô giáo như đàn con bên mẹ hiền, mặc dù các em đã lớn. Sát bên học, phòng làm hương (nhang). Theo như ông Võ Như Ái, Phó Chủ tịch Hội - Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: chủ yếu cho các cháu học và lao động là để các cháu trị liệu trí não, tâm thần, chứ không có nguồn thu nhập gì to tát. Mặc khác đỡ gánh nặng cho gia đình, để cha mẹ các em yên tâm lao động kiếm sống. Nguồn tài trợ, kinh phí hoạt động còn rất hạn chế, gói gém đủ duy trì, vì ở nơi đây thưa thớt khách đến thăm thi thoảng có vài tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh và vài tổ chức nước ngoài như Nhật, Hàn Quốc... Cơ sở vật chất được một số tổ chức nước ngoài tài trợ, nên thấy an tâm về trang thiết bị dành cho việc vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho nạn nhân.

Thấy sự tận tụy của mọi người, suốt ngày cần mẫn bên các cháu bệnh tật vì đa phần khiếm khuyết trí não, nhất là mùa nắng nóng, thời tiết khắc nghiệt, có đứa trở chứng quấy phá, bứt tai, bứt tóc…kiên trì, nhẫn nại với những đứa con không phải là máu mủ ruột rà, dở hơi, dở chứng như thế này đâu phải dễ dàng gì. Tôi gửi lại món quà nho nhỏ của cô giáo cũ Nguyễn Thị Kim Xuân dành tặng các cháu ở Trung tâm. Chúng tôi chụp chung tấm hình kỷ niệm với các bạn cùng cảnh ngộ ở Trung tâm với Ban Giám đốc làm món quà quê mang theo trên cuộc hành trình.

Chuyển quà của cô giáo Nguyễn Thị Kim
Xuân từ Bình Thuận tới Hội tỉnh Quảng Nam

Gặp em Nguyễn Hùng Sơn với thân hình đặc biệt

Lòng tôi như tràn ngập niềm vui và đầy năng lượng sống. Rời Tam Kỳ hơn 4 giờ. Trời chiều ngả bóng, nhưng nắng vẫn chưa buông, nó rát bỏng như táp vào mặt. Chặng đường kế tiếp Quế Sơn vào sáng ngày mai, theo lời ông Võ Như Ái chỉ dẫn và kết nối với Huyện hội Quế Sơn. Chiếc xe gắn máy bon bon trên đường nhựa nóng không ngừng nghỉ. Người bạn đồng hành bên tôi cũng kiên trì, đưa tôi đi qua những cánh đồng, những đoạn đường hiểm hóc mà không một tiếng than vãn, cái bản tính thuần nông chất phát của người bạn đồng hành, tình nguyện viên nhiều năm đưa đường, gắn bó đã cho tôi sự yên tâm về một chuyến đi xa như thế này…

Đường sá ở quê hương Quế Sơn nay đã bê tông hóa toàn bộ, nhưng đường lên dốc núi thì rất cheo leo, ngoằn ngoèo hiểm trở, đường vào nhà một hộ nạn nhân đặc biệt thì càng khó đi hơn gấp bội. Nhiều đoạn xói lở do lụt lội để lại, may đi vào dịp mùa nắng nên di chuyển đỡ hơn phần nào. Mới sớm mai mà nắng đã gay gắt, thiêu đốt. Chúng tôi đến Ủy ban Nhân dân xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn nhờ người dẫn đường đến nhà gia đình chị Đinh Thị Năm, gia đình có hai thế hệ nhưng có tới 3nạn nhân chất độc da cam. Đường làng lòng vòng, quanh co, hầm, hố, xe phải lên dốc cao, rồi lại xuống dốc, qua nhiều cung đường nhỏ. Cuối cùng đến được một ngôi nhà nằm sâu, lọt thỏm trong rừng cây. Chị Năm, chủ nhà đón, đắt tôi qua một đoạn đường luồn lách trong rừng, mãi mới chạm chân vào sân nhà. Đã tới nhà Nguyễn Hùng Sơn, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khách và chủ nhà cùng reo lên như gặp được người thân vậy. Dù giữa tôi và gia đình chị Năm chưa từng biết nhau, dù chỉ trong một khắc. Có lẽ cùng cảnh nên dễ thông cảm và dễ bắt chuyện với nhau hơn. Sơn như con ếch khổng lồ ngồi trên tấm nệm đặt giữa nhà, tay chân còng queo, dễ vỡ, cái đầu to bự, to hơn thân thể của em. Em nhanh nhảu, minh mẫn bắt chuyện rất lịch sự (chỉ tiếc rằng em không đi được xa hơn để mở rộng tầm hiểu biết).

Sách vở đọc được, nghe nhìn, sử dụng điện thoại, cập nhật thông tin đều tốt, nhưng ở nơi thâm sơn cùng cốc như thế này  lợi thế đó cũng không giúp em công việc để tăng thu nhập ngoài ngồn trợ cấp hàng tháng 974.000 đồng.

Qua câu chuyện của chị Năm, tôi được biết, chồng chị tên là Nguyễn Văn Túc, sinh năm 1955, thoát ly theo cách mạng năm 10 tuổi, sau đó vào bộ đội địa phương, hoạt động tại vùng căn cứ khu 5, Quế Thuận, Quế Sơn. Những ngày hoạt động tại căn cứ anh đã bị nhiễm chất độc hóa học quân đội Mỹ phun rải, sau này chất độc trong người phát tán, anh Túc bị bệnh tâm thần nặng và nhiều bệnh nan y khác, đã mất năm 2017. Vợ chồng anh chị có 3 người con, thì cả ba đều bị bệnh tật triền miên mất khả năng lao động: Nguyễn Hùng Sơn, sinh năm 1994, tâm thần phân liệt, xương thủy tinh: Nguyễn Tấn Dương, sinh năm 1996 bệnh u xơ phổi, sức khỏe yếu kém; Nguyễn Tấn Duy, sinh năm 1997, bệnh tâm thần nặng. Cả ba em đều không có khả năng lao động.

Trò chuyện cùng Nguyễn Hùng Sơn

Chị Năm một mình nuôi 3 đứa con tật nguyền, tâm thần. Trước đây để nuôi con chị đã từng bóc gỡ vỏ cây, phu lò gạch,.. Sau này bệnh tình các con trở nặng chị phải ở nhà chăm con và nuôi con bò do Hội trao tặng- tài sản duy nhất, nguồn vốn hiện có của gia đình. Trong căn nhà tình nghĩa cấp 4 được Nhà nước xây tặng cho 4 mẹ con, tài sản cũng không có gì. Thu nhập của 4 mẹ con hàng tháng chỉ gói gém từ tiền trợ cấp ưu đãi hàng tháng của các con phụ cấp người nuôi dưỡng chăm sóc nạn nhân của chị Năm 360.000 đồng. Với số tiền đó chỉ đủ mắm muối, rau dưa để 4 mẹ con rau cháo qua ngày. Gió mưa, bão, lụt nơi thâm sơn cùng cốc, buồn tủi chẳng biết tâm sự cùng ai. May còn có Nguyễn Hùng Sơn hoạt bát, tỉnh táo hơn. Tuy ngồi một chỗ nhưng cũng biết chuyện trò để chị yên tâm trụ vững, làm chỗ dựa cho các con.

Sơn khoe, căn nhà của gia đình em được Nhà nước và Hội tỉnh Quảng Nam xây tặng. Ban đầu chưa có bếp, sau này Hội tỉnh Quảng Nam và Huyện hội Quế Sơn, chú Minh, bác Cả, chú Ái vận động nhà hảo tâm xây thêm được căn bếp và cấp cho mẹ con em một con bò. Em thấy rất vui và yên tâm, mẹ khổ cực vì tụi em nhưng lúc nào mẹ cũng dịu dàng, vui vẻ không phàn nàn. Em thương mẹ em nhiều lắm!

Khi hỏi ước mơ của em là gì? Nguyễn Hùng Sơn chỉ cười và bày tỏ mong ước mẹ luôn khỏe mạnh. Em mong nhà nước quan tâm hơn nữa về chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc da cam và những người bất hạnh như em.

Gửi lại em một ý nguyện thiện lành, gửi lại em một tấm lòng từ miền xa xôi, về với em trong mùa hè đầy ý nghĩa cùng một chút quà mọn để chia sẻ, đồng cảm cùng em. Chia tay em rồi, nhưng lòng vẫn ray dứt băn khoăn: rồi ngày mai, ngày kia khi chị Năm về già, khi chị trái gió trở trời, Sơn và những đứa em trong gia đình biết nương tựa vào đâu?

Nếu bạn đọc chạnh lòng trước hoàn cảnh gia đình Hùng Sơn thì hãy đến với gia đình em, chia sẻ một điều gì đó thiết thực, ý nghĩa.

Địa chỉ liên hệ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (điện thoại ông Minh Chủ tịch Hội: 0905068683).

Bài viết Phạm Thị Nhí

Ảnh: Trương Viết Hữu

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác