Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó vụ trưởng, Vụ các vấn đề xã hội của Quốc Hội; ông Đặng Văn Thành, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam; Đại diện Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam; đại diện Hội Người khuyết tật các tỉnh, thành phố; Đại diện Sở Lao động - TBXH thành phố; Sở Tư pháp thành phố và lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố và Hội Người mù TP. Đà Nẵng và các ứng cử viên người khuyết tật tham dự.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Tại Hội thảo các đại biểu và ứng cử viên được nghe các chuyên gia giới thiệu về dự án của UNDP; các nhiệm vụ, nghĩa vụ của đại biểu dân cử của Quốc hội; chia sẻ kinh nghiệm từ chuyên gia Hội Người khuyết tật quốc gia Uganda; quy trình, tiêu chuẩn, những khó khăn, thuận lợi trong ứng cử đại biểu dân cử; lộ trình đào tạo giai đoạn 2023-2025; chia sẻ quy trình phỏng vấn của ứng cử viên... Đây là quyền tham gia các hoạt động chính trị-xã hội của người khuyết tật đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lại bất bình đẳng và phân biệt đối xử, đảm bảo mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Trên thực tế, không ai khác có thể hiểu và nêu các vấn đề của NKT tốt hơn là NKT. Do đó, để các chính sách bảo vệ đầy đủ các quyền của NKT, đại diện của NKT cần có tiếng nói chung trong Quốc hội và HĐND các cấp.
Trong bối cảnh đó, Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam (VFD) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo các ứng cử viên là NKT để sẵn sàng tham gia ứng cử, trở thành đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào kỳ bầu cử năm 2026. Hội thảo nhằm trang bị cho ứng cử viên NKT những kỹ năng cần thiết như khả năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng vận động và kiến thức pháp luật. Được biết đây là Hội thảo định hướng được tổ chức đầu tiên tại miền Trung, sau đó sẽ tổ chức tại Cần Thơ và Hà Nội.
Thanh Lành - Thành hội Đà Nẵng
Bình luận