• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Đợt 3 của Chiến dịch - Tổng công kích giành thắng lợi hoàn toàn

Trong đợt 3 của chiến dịch, nhiệm vụ chủ yếu của các đại đoàn là đánh chiếm địch còn lại ở các điểm cao phía đông; tiêu diệt địch ở phía tây; chuyển sang tổng công kích giải phóng hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của Tướng Đờ Cát-xtơ-ri (Ảnh tư liệu)

Nhiệm vụ trong đợt 3 được trao cho các đơn vị như sau: Đại đoàn 316, được phối thuộc Trung đoàn 9/Đại đoàn 304 (thiếu một tiểu đoàn), tiêu diệt địch ở đồi A1, C1 và C2. Đại đoàn 312 tiêu diệt địch ở các điểm cao: 505, 505A, 506, 507, 508 ở phía đông, tiến sát bờ sông Nậm Rốm. Đại đoàn 308 tiêu diệt địch ở các điểm cao: 311A, 311B ở phía tây. Đại đoàn 304: Trung đoàn 57 được phối thuộc một tiểu đoàn của Trung đoàn 9, cử một tiểu đoàn chốt chặn trên đường đi Tây Trang, không cho quân địch rút chạy sang Lào; siết chặt vòng vây xung quanh Hồng Cúm, tập kích trận địa pháo binh, tiêu diệt địch ở khu C Hồng Cúm. Pháo binh trong đợt này có thêm một tiểu đoàn ĐKZ - 75ly và một tiểu đoàn hỏa tiễn 75ly…
Ngày 1/5/1954, đợt 3 chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. 
Ở hướng Đại đoàn 308 đảm nhiệm, Trung đoàn 36 đã phát triển cách hàng rào cao điểm 311A, 311B khoảng 50m. Đại đoàn 312 đã áp sát điểm cao 505. Đại đoàn 316 vẫn chiếm giữ 2 vị trí đồi A1 và C1. Trung đoàn 174 được sự giúp đỡ của công binh đã đào một đường ngầm để đặt một tấn thuốc nổ đánh vào khu hầm ngầm của địch trên đồi A1. Ở hướng Đại đoàn 304, có thêm Trung đoàn 9 cùng với Trung đoàn 57 áp sát Hồng Cúm hình thành vòng vây, ngăn chặn không cho địch chạy sang Lào.  
Trưa ngày 1/5/1954, pháo ta đồng loạt bắn mãnh liệt vào toàn bộ khu Trung tâm. Trung đoàn 98 tiến công vào đồi C1. Sau một giờ chiến đấu, quân ta làm chủ đồi C1, tiêu diệt tại trận 144 tên địch, bắt sống 44 tên, thu toàn bộ vũ khí. 
Ở hướng tây, Trung đoàn 88/Đại đoàn 308, với kinh nghiệm đánh lấn đã bí mật cắt hàng rào, đưa lựu pháo vào gần. Khi pháo ta bắn xong, lập tức xung phong tiêu diệt địch ở điểm cao 311, đúng thời cơ địch đang thay quân. Đêm 3/5/1954, Trung đoàn 36 đã chiếm lĩnh vị trí ở khu vực điểm cao 311B.
Trong khi đó ở phía đông-bắc khu Trung tâm, Tiểu đoàn 166/Trung đoàn 209/Đại đoàn 312 được lệnh tiến công tiêu diệt địch ở điểm cao 505. Đây là khu đồi dài khoảng 150m, chiều rộng 120m, cách hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát-xtơ-ri khoảng 1,5 km theo đường chim bay. Lúc 16.30 ngày 1/5/1954, hỏa lực ta dồn dập bắn phá điểm cao 505. Đến 00.30 ngày 2/5/1954, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ điểm cao 505. Cũng trong đêm 1/5, Tiểu đoàn 154 đã phối hợp chiến đấu với Tiểu đoàn 166, đánh chiếm điểm cao 505A đến 02.00 ngày 02/5 Trung đoàn 209 đã làm chủ hoàn toàn hai cứ điểm 505 và 505A ở phía đông sông Nậm Rốm. 
Lực lượng của ta ngày càng khép chặt vòng vây xung quanh Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm của địch. Ngày 4/5/1954, nắm được dấu hiệu địch chuẩn bị rút lui, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã lệnh cho Đại đoàn 308 kiểm soát chặt chẽ các con đường đi sang hướng tây. Ở phía nam, Đại đoàn 304 (thiếu) được lệnh phái một đơn vị bí mật bố trí tại Bản Ty, bịt chặt con đường rút chạy của địch sang Lào. Đại đoàn 312 nhận lệnh bám sát địch để đón thời cơ tổng công kích, đồng thời đề phòng địch tháo chạy. 
Theo kế hoạch, đúng 20.30 ngày 6/5/1954, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Nguyễn Hữu An báo cáo với Đại đoàn Trưởng 316 phát lệnh điểm hỏa khối thuốc nổ 01 tấn đã chuẩn bị - Đây cũng là hiệu lệnh để các đơn vị đồng loạt tiến công. Trên đồi A1, Trung đoàn 174/Đại đoàn 316 chia làm 2 mũi. Mũi một, tiến công từ hướng đông – nam; mũi 2, đánh vào phía sau đồi A1. Pháo binh bắn dồn dập trong vòng 15 phút rồi bộ binh xung phong. Địch trên đồi A1 chống cự quyết liệt. Thấy tình hình khó khăn, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An trực tiếp chỉ huy đại đội dự bị tiến công. Trận đánh trên đồi A1 diễn ra ác liệt. Đến 04.00 ngày 7/5/1954, Trung đoàn 174 đã đập tan hoàn toàn sức kháng cự cuối cùng của địch, làm chủ A1. 
Cùng thời gian này, Trung đoàn 98 tiến công địch ở đồi C2. Địch dùng pháo và cối 120ly bắn chặn dữ dội nhằm ngăn chặn bộ đội ta xung phong. Sau mấy đợt xung phong, bộ đội ta chiếm được 2 lô cốt, nhưng còn nhiều khó khăn. Trung đoàn trưởng Vũ Lăng ra lệnh đưa đội dự bị vào chiến đấu. Chỉ huy Đại đoàn 316 quyết định đưa tiểu đoàn dự bị vào chiến đấu; lệnh cho Trung đoàn 174 dùng hỏa lực chi viện cho Trung đoàn 98, tiến công A3 và phối hợp chặn không cho địch tăng viện lên đồi C2. 

 Kết quả của Chiến dịch Điện Biên Phủ
Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, gồm: 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 353 sĩ quan từ thiếu uý đến thiếu tá, 16 trung tá và đại tá, 1 thiếu tướng. Tổng cộng, số lượng địch bị tiêu diệt và bắt sống tại Điện Biên Phủ bằng 4% quân số địch ở Đông Dương, 20% lính Âu - Phi. 
Ta bắn rơi 62 máy bay các loại; thu được 28 khẩu pháo, 5.915 khẩu súng lớn nhỏ, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 20 tấn thuốc quân y, 40 tấn đồ hộp, 40.000 lít xăng dầu. 


Đến 07.30/ngày 07/5, sau loạt pháo hỏa chuẩn bị, bộ đội ta nhanh chóng chia làm 3 mũi đánh vào khu vực C2, A3. Ở phía tây, Trung đoàn Thủ đô của Đại đoàn 308 tiêu diệt địch ở điểm cao 510. Trận địa tiến công của Trung đoàn chỉ cách hầm Đờ Cát-xtơ-ri 300m. 
Điều kiện để chuyển sang tổng công kích đã chín muồi.
02.00 ngày 7/5/1954, sau khi tổ chức lại lực lượng, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn ra lệnh cho Trung đoàn 209 tiếp tục tiến công cứ điểm 507. Sau 2 lần đột phá, Tiểu đoàn 130 chiếm được điểm cao 507. Thừa thắng, các đơn vị của Trung đoàn 209 đánh sang chiếm điểm cao 508 và 509. Đến 14.00, các vị trí địch bên tả ngạn sông Nậm Rốn đều bị bộ đội ta tiêu diệt.
Nắm chắc thời cơ, 15.00 ngày 7/5/1954, Bộ Chỉ huy Mặt trận ra lệnh tổng công kích. Từ 4 hướng quân ta ào ạt đánh vào Trung tâm. Vượt qua 3 cứ điểm của địch, Đại đội 360/Tiểu đoàn 130 do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy tiến thẳng đến đầu cầu Mường Thanh. Đại liên của địch ở bên kia cầu Mường Thanh quét xối xả chặn quân ta. Tiểu đội “Dao nhọn” của Đại đội 360 dùng thủ pháo diệt gọn các ổ đại liên; nhảy vào hào địch, bắt 2 tù binh dẫn đường đến sở chỉ huy của tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Sau một loạt thủ pháo, tiểu liên uy hiếp, tổ chiến sĩ Vinh, Nhỏ dẫn đầu trung đội cùng Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật xông vào hầm chỉ huy tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ dùng tiếng Pháp bắt tướng Đờ Cát-xtơ-ri phải ra lệnh cho toàn bộ quân địch đầu hàng. 
17.30, ngày 7/5/1954, tướng Đờ Cát-xtơ-ri và bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mang cờ trắng ra hàng. Lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của Tướng Đờ Cát-xtơ-ri, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng của quân và dân ta. 
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc và thời đại; là một “thiên sử vàng, ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ 20". Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quan trọng đưa đến thành công của Hội nghị Giơnevơ, lập lại hòa bình của 3 nước Đông Dương. Đây là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam và cũng là chiến thắng của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành, mà ngọn nguồn sâu xa là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh./.

 Đại tá Nguyễn Thế Vỵ                    

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những ngày sinh nhật

    Nhìn lại tất cả các mốc kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946 đến năm 1969, chúng ta nhận thấy: Người luôn đón sinh nhật bằng sự cần mẫn làm việc. Người cũng luôn tránh mọi sự chúc tụng bằng cách ...