• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Lạng Sơn xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân theo hướng bền vững

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí còn thấp và chưa đồng đều; đời sống của đại bộ phận nhân dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn; các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh thị trường thấp, khả năng đóng góp cho ngân sách Nhà nước và tham gia các hoạt động xã hội còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, hoạt động của Hội bên cạnh thuận lợi còn gặp nhiều khó khăn.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được thành lập năm 2008; trải qua 15 năm xây dựng, trưởng thành, đến nay tổ chức Hội đã được thành lập ở tất cả 11/11 huyện, thành phố và 17 xã, phường, thị trấn với hơn 4.000 hội viên. Hoạt động của các tổ chức Hội ở cấp huyện, thành phố và cơ sở hiện còn rất nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ chuyên trách mỏng (chỉ 1 đến 2 người), nhận thức và sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với tổ chức hội chưa đồng đều. Từ khi thành lập đến nay, cán bộ Hội chưa được hưởng chế độ thù lao theo Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg, ngày 1/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ; kinh phí hỗ trợ hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao cho Hội còn rất hạn chế; Hội cấp cơ sở chưa được hỗ trợ kinh phí hoạt động; cơ sở vật chất, các điều kiện tối thiểu đảm bảo cho hoạt động của Hội còn nhiều bất cập. Mặt khác, là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, nạn nhân phần lớn sống ở các vùng nông thôn, giao thông đi lại khó khăn, đội ngũ cán bộ Hội hầu hết đều tuổi cao, sức khỏe có hạn… Những khó khăn trên đã tác động đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ Hội và hội viên.

Ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch Tỉnh hội trao Bằng vinh danh Tấm lòng vàng cho các bà, các mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng NNCĐDC

Mặc dù vậy, với nhiệt huyết, nghĩa tình đồng chí, đồng đội, đội ngũ cán bộ Hội các cấp đã nỗ lực, khắc phục khó khăn với tinh thần: Đổi mới, đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam. Nhất là từ khi có Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã chỉ đạo, triển khai đến mọi cơ sở Đảng. Phong trào chung tay “xoa dịu nỗi đau da cam” được đẩy mạnh; công tác củng cố, kiện toàn xây dựng tổ chức Hội được quan tâm; các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được khơi dậy, lan tỏa trong cộng đồng; việc thăm, tặng quà, trợ giúp các nạn nhân, gia đình nạn nhân được đẩy mạnh và đi dần vào thực chất, kịp thời, thiết thực, hiệu quả hơn, giúp các nạn nhân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Thường trực Tỉnh hội đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thành công Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác Hội 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, lần thứ X tại Lạng Sơn và có nhiều hoạt động thiết thực tổ chức kỷ niệm ngày Thảm họa da cam (10/8) hằng năm, tạo được sự quan tâm của cộng đồng và có sức lan tỏa xã hội cao. Hội đã trích Quỹ, vận động, kết nối với các ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tổ chức thăm, trợ giúp các gia đình nạn nhân. Cụ thể: hỗ trợ sửa chữa, làm nhà mới cho 38 gia đình nạn nhân, trị giá 2.770 triệu đồng; trao tặng 6.800 suất quà, trị giá 4.085 triệu đồng; hỗ trợ đưa 276 lượt nạn nhân đi nghỉ dưỡng, chữa bệnh, phục hồi chức năng, trị giá 290 triệu đồng; hỗ trợ đưa 182 lượt nạn nhân đi xông hơi, giải độc tại Trung tâm BTXH thuộc Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, số tiền 480 triệu đồng; hỗ trợ 17 nạn nhân vay vốn không lấy lãi, để phát triển sản xuất, ổn định đời sống; trợ giúp khó khăn đột xuất cho 83 nạn nhân; trao tặng 12 xe lăn, hỗ trợ học bổng…
Riêng năm 2023, thực hiện chủ trương chỉ đạo của TW Hội và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về Hưởng ứng Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023; ngoài các hoạt động vận động, tuyên truyền tham gia nhắn tin, gặp mặt, tọa đàm nhân ngày 10/8, các cấp Hội đã trích quỹ hơn 300 triệu đồng để thăm, tặng quà cho tất cả các nạn nhân trên địa bàn; phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tặng 100 suất quà cho 100 nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất 2.000.000 đồng nhân tổ chức sự kiện “Tháng ba Biên giới” và Đại hội Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lạng Sơn…
Có thể nói kết quả hoạt động của Hội nhiệm kỳ qua tuy còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu trợ giúp của NNCĐDC trên địa bàn tỉnh, nhưng đã góp phần thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, thiết thực giúp các nạn nhân vượt qua khó khăn, góp phần đáng kể vào công tác an sinh xã hội của tỉnh; đưa các hoạt động của Hội đi vào thực chất, hoàn thành các nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội của Hội đề ra và các nhiệm vụ chính trị TW Hội và tỉnh giao; uy tín, vị thế của Hội được khẳng định và ngày một nâng cao.

Ký kết Chương trình phối hợp giữa Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Lạng Sơn với các sở, ngành, giai đoạn 2018 - 2023

Qua một nhiệm kỳ hoạt động (2018-2023), Thường trực Tỉnh hội Lạng Sơn rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là: Bám sát các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Hướng dẫn của TW Hội trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW; chủ động tham mưu, tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho Hội thực hiện thành công nhiệm vụ được giao.
Hai là: Phối hợp, tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ của các ban, sở, ngành, đoàn thể liên quan; mở rộng các mối quan hệ, tạo sự ủng hộ của các tổ chức, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để xây dựng nguồn lực xã hội (quỹ Hội) là yếu tố quyết định để Hội chủ động tổ chức hoạt động chăm sóc, trợ giúp các nạn nhân kịp thời, hiệu quả; qua đó thiết thực vận động phát triển hội viên, kiện toàn, xây dựng tổ chức Hội và nâng cao uy tín, vị thế tổ chức Hội.
Ba là: Kiện toàn, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, gắn với đổi mới nội dung, phương thức vận động nguồn lực; tổ chức tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân kịp thời, thiết thực, hiệu quả theo hướng bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt trong toàn bộ các hoạt động của Hội.
Bốn là: Thực hiện tốt công tác Thi đua - Khen thưởng; gắn phong trào thi đua của Hội với việc thực hiện tốt các phong trào thi đua do Hội cấp trên và cấp ủy, chính quyền, MTTQ địa phương phát động.
Năm là: Tham mưu đề xuất, bố trí đúng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ hoạt động chuyên trách Hội (chủ tịch, các phó CT) có tâm huyết, nhiệt tình, có kinh nghiệm, hiểu biết về công tác xã hội; có sức khỏe và có điều kiện để tham gia công tác Hội, là yếu tố có tính chất quyết định phong trào, chất lượng và hiệu quả các hoạt động của Hội./.

Hà Văn Thanh
Chủ tịch Tỉnh hội

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...