Chị Nguyễn Thị Phương Dung
Chị Nguyễn Thị Phương Dung, sinh năm 1964, quê ở thôn Lương Hòa, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận (nay là xã Lương Sơn, tỉnh Lâm Đồng), nguyên là nhà giáo, từng giữ chức Phó Hiệu trưởng một trường THPT, đồng thời là Hội thẩm nhân dân của Tòa án huyện. Chị từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận và hiện là Chủ tịch Hội khóa IV (nhiệm kỳ 2023–2028).
Tiếp nhận nhiệm vụ mới từ tháng 10/2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, chị Dung đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự năng động và bản lĩnh của người cán bộ Hội tận tâm. Với phương châm “gần dân, sát cơ sở”, chị đã nhanh chóng ổn định tổ chức, nắm chắc tình hình hội viên, đi sâu tìm hiểu đời sống, tâm tư của nạn nhân, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm chăm sóc, hỗ trợ kịp thời.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội khóa IV, từ đầu năm 2024, chị cùng Ban Chấp hành Hội xây dựng quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch giúp đỡ các gia đình nạn nhân nghèo, cận nghèo, chỉ đạo triển khai kịp thời đến các xã, thị trấn. Đặc biệt, chị đã tập trung củng cố lại Chi hội xã Phan Sơn đang đứng trước nguy cơ ngưng hoạt động. Nhờ đó, chỉ trong năm 2024, Hội phát triển được 110 hội viên mới – cao nhất toàn tỉnh.
Cùng với phát triển tổ chức Hội, chị Dung luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh địa phương và Tạp chí Da cam Việt Nam để lan tỏa thông điệp “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Chị đã khảo sát, lập hồ sơ cho 44 trường hợp nạn nhân cần giúp đỡ, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, kết quả có hơn 30 nạn nhân đã được nhận quà và tiền mặt.
Với sự linh hoạt, sáng tạo trong công tác vận động, năm 2024, chị đã kết nối được hơn 450 triệu đồng hỗ trợ nạn nhân (gần 700 suất quà, một ngôi nhà “Mái ấm da cam” trị giá 50 triệu đồng và một xe đạp trị giá 7 triệu đồng). Trong 6 tháng đầu năm 2025, chị tiếp tục cùng các Chi hội cơ sở vận động được 1.570 suất quà, tổng trị giá 708 triệu đồng để chăm lo cho nạn nhân. Nhờ đó, nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, bằng uy tín và tinh thần trách nhiệm cao, chị đã vận động các nhà tài trợ đóng góp 170 triệu đồng giúp em Trần Thanh Trung Hậu, học sinh lớp 12D9 ở xã Bình An, sang Singapore phẫu thuật căn bệnh “Bướu máu bẩm sinh toàn thân” – một trường hợp vô cùng đặc biệt và cần kíp.
Chia sẻ về công việc, chị Dung nói: “Tôi luôn tâm niệm, muốn vận động được người khác thì trước tiên mình phải là người gương mẫu, đi đầu. Phải sâu sát cơ sở, đồng hành cùng các Chi hội xã, thị trấn, thấu hiểu và chia sẻ với từng hoàn cảnh để cùng nhau xoa dịu nỗi đau da cam. Với tôi, việc đến thăm hỏi, động viên từng nạn nhân không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm chân thành từ trái tim”.
Ông Đinh Văn Toại, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bắc Bình (cũ), nhận xét: “Chị Nguyễn Thị Phương Dung là một Chủ tịch Hội tâm huyết, có nhiều sáng kiến đổi mới phương thức hoạt động phù hợp thực tiễn, xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Nhờ vậy, phong trào chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ở địa phương ngày càng khởi sắc”.
Không chỉ là một cán bộ Hội tận tụy, chị Dung còn đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ thôn Lương Hòa, Hội thẩm Nhân dân của Tòa án huyện. Dù bận rộn với công việc xã hội, chị vẫn hoàn thành tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Nhiều năm liền, chị được UBND huyện và Tỉnh hội tặng bằng khen, giấy khen. Chị tâm sự: “Là phụ nữ, tôi luôn cố gắng cân bằng giữa công việc và gia đình. May mắn lớn nhất của tôi là luôn nhận được sự động viên, chia sẻ từ người thân”.
Một số hình ảnh trao tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam
Trần Thanh Trung Hậu, học sinh lớp 12D9 ở xã Bình An, được sang Singapore phẫu thuật
Với tinh thần trách nhiệm, tấm lòng nhân ái và sự sáng tạo không ngừng, chị Nguyễn Thị Phương Dung xứng đáng là một trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, đáng để cho cán bộ hội học tập làm theo./.
Danh Lư
CTV: Tạp chí Da cam Việt Nam
Bình luận