• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nghệ An: Hội NNCĐDC/dioxin là người thấu hiểu hoàn cảnh từng hội viên

Một thực tế cho thấy, nếu không có Hội NNCĐDC/dioxin các cơ sở thì các tổ chức, các nhà hảo tâm rất khó tiếp cận đời sống cụ thể của các NNCĐDC trong từng ngó ngách đời sống xã hội.
Vợ chồng ông Hoàng Thanh Tao, trú Khối 19, phường Hưng Bình, làm thêm nghề gói bánh chưng tạo thêm thu nhập

Đại tá Tạ Quang Dư, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Vinh và ông Nguyễn Viết Phượng, Ủy viên Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An dẫn tôi đến thăm các gia đình nạn nhân trên địa bàn. Chúng tôi phải luồn lách từng ngõ nhỏ phố phường mới đến được gia đình các NNCĐDC. Hai ông là người nắm rất rõ nơi ở của các gia đình nạn nhân, họ sống xen kẽ ẩn dật trong các ngõ hẹp, nhiều ngôi nhà lụp xụp như “ổ chuột” dưới khung cảnh đô thị sung túc bên ngoài, trong những nơi gọi là “nhà” ấy chứa các bệnh nhân bị di chứng chất độc da cam, như những "trạm y tế dã chiến".

Hai người dẫn tôi ghé nhà ông Hoàng Thanh Tao, trú Khối 19, phường Hưng Bình, đón và dẫn chúng tôi có ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin phường. Ông Lợi niềm nở giới thiệu khách và chủ cho biết: ông Hoàng Thanh Tao, sinh năm 1946, nhập ngũ năm 1968, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, đến năm 1972 bị thương được chuyển ra điều trị ở Quảng Bình. Hiện ông Hoàng Thanh Tao là thương binh, bệnh binh, NNCĐDC. Đây cũng là địa chỉ mà Hội NNCĐDC/dioxin phường Hưng Bình thường xuyên lui tới để thấu hiểu, hỗ trợ, giúp đỡ họ.

Quan sát trên người ông Hoàng Thanh Tao, thấy nổi u cục khắp người, kể cả trên mặt, cổ, ông còn vạch áo cho mọi người xem, toàn thân không còn chỗ da lành. “Khi vợ sinh được 3 người con, tôi theo dõi thấy sự bất thường của chúng nhưng không dám kiểm tra xem chúng có bị nhiễm chất độc hóa học không, vì nếu chứng minh chúng bị nhiễm thì chắc chẳng ai dám xây dựng gia đình với chúng”. Ông Tao ngậm ngùi nói trong nước mắt.


Ông Hoàng Thanh Tao bị nhiều thương tích trên toàn cơ thể do nhiễm chất độc da cam/dioxin

Đứa con trai đầu của ông sinh năm 1976, nói ngọng; con thứ hai là gái bị thiếu 2 ngón chân, con gái thứ ba bị ngọng, nhưng cả 3 vẫn xây dựng gia đình. Tuy nhiên cuộc sống không mấy yên bình bởi các con và 3 đứa cháu của ông không bình thường, chủ yếu là bệnh nói ngọng và thiểu năng trí tuệ.

Cám cảnh trước hoàn cảnh của ông, năm 2008, Hội NNCĐDC/dioxin phường Hưng Bình đã vận động ông đi khám sức khỏe và phát hiện ông bị nhiễm chất độc hóa học, đã di chứng đến thế hệ thứ 3 và bệnh ngày càng nặng hơn.

Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thu, trước làm công nhân Nhà máy mì, nay nghỉ hưu, lương tháng được 3,3 triệu đồng cùng lương và các chế độ của ông gần 7 triệu đồng, tất cả đều dồn vào chữa bệnh cho ông và các con cháu.

Để có thêm thu nhập, vợ chồng ông Tao còn làm thêm nghề gói bánh chưng; ông kể, mấy năm dịch Covid-19, phải đi bán ngoài chợ, sau này người quen họ đến nhà đặt mới làm.

Tại Khối Tân Vinh, phường Lê Mao, thành phố Vinh, có gia đình ông Nguyễn Khánh Nhã, sinh năm 1950, từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, sau tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1978 phục viên về địa phương, ông xây dựng gia đình và sinh con. Năm 1979, bản thân đau ốm, đi khám mới phát hiện bị nhiễm chất độc hóa học, hiện ông bị các bệnh hiểm nghèo như: Tiểu đường, tim mạch, tai biến, mắt đục 2 tinh thể. Vợ chồng ông sinh được 4 người con, 3 người có gia đình, riêng đứa con út của ông là Nguyễn Khánh Sơn, sinh năm 1983 bị bại não nằm một chỗ, những lúc nó tỉnh táo thì la hét phá phách nên phải xích. Trên tường nhà ông treo trang trọng lịch uống thuốc cho cả gia đình, chứ không phải thời khóa biểu học sinh, vì cả 3 đứa con ông đều nhiễm chất độc hóa học; ông có 7 cháu thì 3 đứa bị di chứng chất độc da cam, biểu hiện rõ là 2 cháu nội, 1 cháu ngoại đều bị ngọng, đi học nói cô không hiểu gì hết.

Ông Nguyễn Khánh Nhã, luôn tự hào với quá khứ hào hùng của dân tộc mà ông vinh dự tham gia

Ông Nguyễn Khánh Nhã, bên người con là Nguyễn Khánh Sơn, sinh năm 1983, phải chịu xích để khỏi quậy phá

Ông Đinh Viết Hồng, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Nghệ An cho biết: tỉnh NGhệ An có hơn 30.000 người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường bị phơi nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đến nay còn 14.056 người là nạn nhân chất độc da cam, trong đó nạn nhân trực tiếp là 9.243 người, nạn nhân gián tiếp là 4.813 người. Lý do giảm chủ yếu là từ trần, bởi đa số họ cao tuổi, bị nhiều bệnh hiểm nghèo, một số ít chuyển chỗ ở.” .

Nếu như không có các cấp Hội cơ sở thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tình hình đời sống, di biến động của các hội viên nạn nhân chất độc da cam thì khó có ai đến với họ. Chính các cán bộ địa phương cơ sở là cánh tay nối dài của Hội cấp trên để vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm và toàn xã hội có trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng những người phải mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, góp phần tố cáo tội ác do di chứng chất độc hóa học mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam./.

Quốc Khánh - Nguyệt Hằng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác