• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Nỗi đau da cam, việc làm tình nghĩa và những đề xuất

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã đi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng hậu quả nặng nề của nó để lại cho môi trường và con người Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế, dân số hơn 1,1 triệu người thì đã có đến 17.710 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học (riêng huyện A Lưới có trên 5.000 người). Hiện có 2.021 người là nạn nhân da cam đang sống, hưởng trợ cấp hàng tháng (trực tiếp 1.421, gián tiếp 601).

Nỗi đau da cam còn đó:

Trong thực tế, cuộc sống hiện tại của NNCĐDC và gia đình họ còn gặp rất nhiều khó khăn về vật chất, sự dằn vặt lâu dài về tinh thần và nỗi đau dai dẳng về thể xác qua nhiều thế hệ. Những thiệt thòi này đến với mỗi nạn nhân không giống nhau và từng gia đình họ cũng có hoàn cảnh và nỗi khổ khác nhau tùy theo mức độ.

Chỉ xin nêu một vài trường hợp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế: Tại thị xã Hương Trà, có gia đình hai vợ chồng chỉ sinh được một cô con gái duy nhất (có bất thường về trí tuệ) sinh được 1 cháu trai đặt tên là Tín. Cháu Tín là thế hệ thứ 3 nhưng cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam nên tay chân co cứng, nằm liệt tại chỗ, hơn 19 tuổi đời nhưng cháu Tín chỉ nặng trên dưới 10 kg.

Tại xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền có cặp vợ chồng sinh được 3 người con: Hai cô con gái bình thường; riêng cậu con trai năm nay đã hơn 37 tuổi nhưng chỉ khoảng 15 kg, chân tay co quắp, đầu vẹo một bên không cử động được, mắt mờ, tai điếc. Cuộc sống “4 tại chỗ” trong suốt chừng ấy năm trời và vẫn đang còn tiếp tục.

Ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) có ông Nguyễn Thanh Phước, NNCĐDC. Vợ chồng ông sinh được 4 người con trai thì cả 4 đều thiểu năng trí tuệ. Cháu đầu đã ngoài 45 tuổi, cháu út hơn 18 tuổi, nhưng họ không biết giao tiếp, không biết đếm tiền, đếm số, thi thoảng họ có một nụ cười, nhưng hoàn toàn là bản năng, vô hồn, vô cảm (ảnh trên).

 

Mọi sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào tiền trợ cấp của ông Phước và vợ ông tảo tần làm thêm đôi chút để lo cho 4 người con trai, từ ăn uống, tắm giặt, sinh hoạt… Gần đây, bà vợ lại bị đột quỵ phải nằm một chỗ. Tất cả công việc, chi tiêu trong gia đình hiện nay đều do một mình ông Phước đảm nhận…

Và còn rất, rất nhiều những hoàn cảnh đau lòng, thương tâm khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và nhiều nơi khác trong cả nước.

Những việc làm tình nghĩa:

Tỉnh hội Thừa Thiên Huế với 9/9 hội huyện, thị xã, thành phố Huế và 71 tổ chức cơ sở xã, phường hiện đang hoạt động nền nếp, có hiệu quả và là nơi sinh hoạt, chỗ dựa tinh thần cho các hội viên là NNCĐDC.

Trong những năm qua, các cấp Hội đã tạo được nguồn lực khá lớn. Chỉ tính trong vài năm trở lại đây đã huy động được 8.621,5 triệu đồng để hỗ trợ cho 19.893 lượt nạn nhân; làm mới 12 ngôi nhà tình nghĩa với số tiền 1,32 tỷ đồng (ảnh dưới); sửa chữa 14 ngôi nhà với số tiền 165 triệu đồng; tranh thủ được một số dự án nhỏ từ các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước hỗ trợ các gia đình nạn nhân nuôi trâu, bò lợn, gà, trồng cây để cải thiện đời sống, khám, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí cho nạn nhân…

Đặc biệt, Tỉnh hội, Huyện hội Phong Điền và Thị hội Hương Thủy đã huy động từ nguồn xã hội hóa để hình thành một Quỹ với số tiền 160 triệu đồng. Đến nay đã có 32 lượt hộ gia đình được vay trong 2 năm không lãi, sau đó xoay vòng cho các hộ khác vay nhằm tạo thêm sinh kế cho các hộ gia đình nạn nhân da cam kinh doanh nhỏ, trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm có thêm thu nhập. Đây là một việc làm mới, sáng tạo, có tính bền vững cao và hiệu quả tích cực.

Việc chăm lo cho nạn nhân da cam và gia đình họ được tiến hành một cách thường xuyên; việc thăm hỏi, tặng quà được tổ chức chu đáo, nghĩa tình và trách nhiệm vào các ngày lễ, tết, ngày 10/8 hằng năm. Những việc làm nêu trên tuy còn rất khiêm tốn nhưng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình sâu nặng, tình cảm ấm áp của cấp ủy, chính quyền, các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương và của cộng đồng đối với NNCĐDC và gia đình họ.

Một vài đề xuất nhỏ:

* Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị Trung ương Hội tác động để đẩy nhanh tiến độ tẩy độc vùng sân bay A So và triển khai tiếp tục dự án “Xây dựng Khu chứng tích chiến tranh hóa học tại huyện A Lưới”.

* Đối với NNCĐDC: Các ngành liên quan cần sớm ban hành văn bản giám định lại các đối tượng đang hưởng phụ cấp nay bị mắc thêm bệnh do ảnh hưởng của chất độc hóa học; Hoàn chỉnh bộ tiêu chí NNCĐDC khi giám định các đối tượng bị phơi nhiễm; Hoàn thiện quy định việc xác nhận, công nhận, giải quyết các trường hợp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học phù hợp với điều kiện thực tế (kể cả thế hệ thứ 3, thứ 4); Bổ sung đối tượng là người có công giúp đỡ cách mạng bị phơi nhiễm chất độc hóa học (kể cả các trường hợp sau năm 1975).

* Trung ương Hội tạo điều kiện hơn nữa và giới thiệu cho các hội địa phương tiếp cận với các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước để vận động thêm nguồn lực cho NNCĐDC.

* Về lâu dài, Nhà nước cần tính toán dành một khoản ngân sách nhất định để hình thành Quỹ cho vay với lãi suất 0%/năm, giao cho Tỉnh hội chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn Quỹ này để cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, theo quy định 2-3 năm; sau đó thu hồi để xoay vòng cho đối tượng khác vay. Hàng năm có sơ kết, báo cáo tình hình hoạt động, hiệu quả cho vay của Quỹ này đến cơ quan chức năng và UBND tỉnh.

Hy vọng trong những năm tới đây chúng ta sẽ có các giải pháp thiết thực hơn, hiệu quả hơn để giúp đỡ NNCĐDC và gia đình họ vượt qua được nỗi đau chính mình và hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng một cách tự tin nhất, thoải mái nhất./.

Nguyễn Hữu Quyết

Phó CT Tỉnh hội Thừa Thiên Huế

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...