• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG BINH ĐOÀN ANH HÙNG, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GẮN VỚI QUỐC PHÒNG, AN NINH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Ngày 20/02/1985 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ký Quyết định 68/CT thành lập Binh đoàn 15 với nhiệm vụ được giao là: phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh (QP,AN), xây dựng dân cư - xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, CN&VCQP, người lao động của Binh đoàn đã đoàn kết, kiên trì, chủ động, sáng tạo, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, lập nhiều thành tích xuất sắc, xây dựng Binh đoàn ngày càng lớn mạnh.    

Vượt qua muôn vàn gian khó, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc 

Những năm đầu mới thành lập, Binh đoàn đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên với muôn vàn khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại: đất đai bị nhiễm bom mìn, chất độc hóa học, đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo nàn, lạc hậu, y tế, giáo dục chậm phát triển... Đây cũng là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch thường xuyên chống phá, gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp, vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, tham gia xây dựng khu vực phòng thủ vũng chắc, vừa tổ chức sản xuất, phát triển cây công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người lao động và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Đến nay, Binh đoàn đang quản lý, khai thác hơn 40.000ha cao su (năng suất trên 1,7 tấn/ha/năm), 70ha lúa nước (năng suất 10 tấn/ha/năm), 06 nhà máy chế biến mủ cao su công suất 55.000 tấn/năm, 01 nhà máy sản xuất phân bón vi sinh công suất 20.000 tấn/năm, 01 phân xưởng chế biến gỗ cao su công suất 20.000m3/năm… có gần 15.000 lao động, trong đó có trên 60% lao động là người dân tộc thiểu số.

Thực hiện chủ trương “Phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, Binh đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân định canh, định cư, từ bỏ các hủ tục lạc hậu; đồng thời thu nhận đồng bào tham gia các tổ, đội sản xuất của Binh đoàn. Cùng với đó là hệ thống hạ tầng được xây dựng đồng bộ với hơn 1.500km đường giao thông được làm mới, nâng cấp; 01 nhà máy thủy điện công suất nhỏ; 500km đường điện trung, hạ thế; 100 cầu bê tông, đập tràn… trị giá hàng nghìn tỉ đồng, các công trình vừa phục vụ nhiệm vụ sản xuất, phục vụ đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Thực hiện công tác dân vận, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Binh đoàn đã có nhiều cách làm sáng tạo, nhiều hình thức dân vận khéo được phát huy. Binh đoàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Đảng bộ Binh đoàn là điểm sáng trong phát triển cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số (15% đảng viên là người dân tộc thiểu số), cán bộ đội sản xuất đồng thời được bố trí làm trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, công nhân, lực lượng tự vệ của đơn vị cũng là dân quân, công an viên ở các thôn, bản. Với phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty, đoàn kinh tế -quốc phòng gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, các đơn vị của Binh đoàn đã tổ chức kết nghĩa với 33 xã; các đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng; trên 4.300 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động kết nghĩa, gắn kết được triển khai toàn diện, từ việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng, đến giúp đỡ từng hộ dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Các phong trào, mô hình sáng tạo, như: “Hũ gạo gắn kết”, “Vườn rau gắn kết”, “Giọt nước sạch”, “Sao sáng buôn làng”, “Bữa sáng đoàn kết”… được phát huy, nhân rộng đã góp phần tăng cường củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, được sẻ chia, lan tỏa. Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, Binh đoàn đã xây hàng trăm căn nhà “Đại đoàn kết”, “Nhà tình thương”, “Nhà đồng đội”, “Nhà mái ấm công đoàn”, sửa chữa nâng cấp hàng nghìn ngôi nhà để hỗ trợ cho các hộ khó khăn về nhà ở.

Lãnh đạo của Binh đoàn tặng xe đạp cho các em học sinh trên địa bàn

Để đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, Binh đoàn đã xây dựng 8 trường trung học cơ sở, tiểu học, 11 trường mầm non với 132 điểm trường, nhà trẻ ở các công ty, đội sản xuất; thường xuyên nuôi dạy trên 6.000 cháu là con em người lao động trong Binh đoàn và nhân dân trên địa bàn. Bệnh viện Quân y 15 và 11 bệnh xá quân - dân y, đội ngũ y sĩ, y tá được bố trí ở các đội sản xuất đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Hằng năm khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt người dân với kinh phí hàng chục tỉ đồng.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ QP,AN, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn biên giới của Tổ quốc.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ QP,AN, Binh đoàn thực hiện tốt việc quy hoạch sản xuất, quy hoạch các khu dân cư gắn với quy hoạch xây dựng làng xã chiến đấu, các công trình trong khu vực phòng thủ. Đến nay, hàng trăm điểm dân cư mới được thành lập chạy dọc trên 251km đường biên giới ở các tỉnh Tây Nguyên. Hằng năm, các đơn vị trong Binh đoàn đều xây dựng kế hoạch tác chiến, luyện tập thành thạo các phương án, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng tự vệ của Binh đoàn được bố trí ở các đội sản xuất, nhà máy, xí nghiệp phối hợp với lực lượng chức năng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn ở cơ sở; kịp thời tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…

Bên cạnh đó cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, người lao động của Binh đoàn còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời vạch rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, làm cho nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn cho thấy trong các đợt bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên (tháng 02/2001, tháng 10/2004) và vụ khủng bố ở Cư Kuin (Đắk Lắk) tháng 6/2023 trên vùng dự án và địa bàn của Binh đoàn đứng chân không có người dân tộc thiểu số tham gia.

Thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, ngoại giao nhân dân.

Các đơn vị đứng chân, thực hiện các dự án tại tỉnh Atapư (Lào), Ratanakiri (Campuchia) chấp hành nghiêm pháp luật, xây dựng mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với chính quyền, nhân dân nước bạn; các dự án trồng cao su đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nước sở tại, có thu nhập ổn định. Binh đoàn kết nghĩa với Ban xây dựng cơ sở chính trị tỉnh Say sổm bun. Từ năm 2019 đến nay đã hỗ trợ học bổng toàn phần cho 10 sinh viên người Lào học tập tại Việt Nam; giúp tập huấn kiến thức nông nghiệp cho 100 cán bộ Bộ Quốc phòng Lào. Hằng năm, Binh đoàn tổ chức các đoàn đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ kinh tế gắn với QP,AN, thăm hỏi chúc tết... Các hoạt động của Binh đoàn đã góp phần xây dựng địa bàn biên giới hòa bình, ổn định, phát triển tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào-Campuchia.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Binh đoàn 15 đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống “Kiên định mục tiêu, Vượt mọi gian khó, Gắn bó với dân, Sáng tạo chuyên cần, Đoàn kết, quyết thắng”. Binh đoàn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 2000), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2009, 2020), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2013), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015), đặc biệt ngày 13/1/2003 Binh đoàn vinh dự được phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân” trong thời kỳ đổi mới...

Thiếu tướng Hoàng Văn Sĩ, Tư lệnh Binh đoàn tặng quà cho nhân dân trên địa bàn

Trước yêu cầu, nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Binh đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Binh đoàn vững mạnh, thực hiện thắng lợi toàn diện, đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với QP, AN; trong đó tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

1. Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm QP,AN trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Trong đó tập trung quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm QP,AN vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm QP,AN.

2. Tiếp tục phát huy các nguồn lực, xây dựng các khu dân cư ổn định và phát triển, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, quan tâm chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động ổn định cuộc sống, định cư lâu dài trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất đã xác định, Binh đoàn phối hợp với địa ương tiếp tục điều chỉnh, bố trí lực lượng sản xuất phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH và đáp ứng yêu cầu xây dựng thế trận QP,AN trên địa bàn biên giới. Tập trung xây dựng hệ thống “điện, đường, trường, trạm”, xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”...

3. Tuyển dụng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ sản xuất gắn với bảo đảm QP,AN. Tập trung tuyển dụng lao động, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề kỹ thuật cho người lao động. Quan tâm đào tạo lao động là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo với bố trí việc làm và các chế độ đãi ngộ, tạo nguồn cán bộ, đảng viên cho Binh đoàn và các địa phương. 

4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bồi dưỡng kiến thức QP,AN cho các đối tượng; tập trung vào học tập, quán triệt, tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới quốc gia; chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước… Tăng cường bồi dưỡng kiến thức QP,AN cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Phát huy truyền thống 40 năm xây dựng và trưởng thành, mỗi một cán bộ, chiến sĩ, CN&VCQP, người lao động của Binh đoàn 15 quyết tâm phấn đấu sản xuất kinh doanh giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, công tác tốt, xây dựng Đảng bộ Binh đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Binh đoàn vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, xứng đáng với truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Ngoại trưởng Mỹ tiếp quản USAID

    Ngoại trưởng Mỹ tiếp quản USAID

    Ngoại trưởng Rubio thông báo được giao phụ trách cơ quan viện trợ USAID và sẽ ngăn tổ chức này bất tuân với chương trình nghị sự của Tổng thống Trump.