Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau chất độc da cam vẫn còn đó, ám ảnh dai dẳng trong cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam. Chỉ những ai đã từng trải qua chiến tranh, những gia đình có người thân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin mới thấu hiểu tận cùng nỗi đau và mất mát. Vì vậy, trách nhiệm và lương tâm của toàn xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam không chỉ là trách nhiệm mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần nhân ái, sẻ chia, nhằm lan tỏa tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, và chuyển hóa nhận thức thành hành động thiết thực, tiếp thêm nghị lực, niềm tin và khát vọng sống cho nạn nhân.
Trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã phun rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 60% là chất độc da cam/dioxin, làm ô nhiễm hơn 3 triệu hécta rừng và đất nông nghiệp. Thành phố Đà Nẵng là một trong ba “điểm nóng” dioxin nghiêm trọng nhất ở Việt Nam sau chiến tranh, với sân bay Đà Nẵng từng là nơi tập kết, tồn trữ và pha chế chất độc hóa học lớn nhất, chiếm đến 35% tổng lượng dioxin sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Có nơi hàm lượng dioxin trong đất cao gấp 365 lần mức cho phép, để lại hậu quả nặng nề đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có trên 3.300 người bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó gần 1.000 trường hợp là trẻ em; 1.834 người từng tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm và 426 trường hợp là con của người nhiễm chất độc hóa học. Hầu hết nạn nhân sống trong hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn, thường xuyên phải đối mặt với bệnh tật, đau đớn về thể xác và tinh thần. Nhiều trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm mẹ, làm vợ; nhiều người sống lay lắt trong đau đớn triền miên vì những căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến chất độc da cam/dioxin.
Thành lập Hội – Hành trình từ trái tim vì nạn nhân chất độc da cam
Ngày 05/01/2005, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 05/QĐ-UB về việc cho phép thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng. Ngày 22/01/2005, Đại hội lần thứ I của Hội được tổ chức, chính thức ra mắt Hội – là địa phương thứ 9/64 tỉnh, thành trong cả nước thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ thành phố Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội (2005-2025)
Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội trao tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân có thành tích xuất sắc
Từ ngày thành lập đến nay, Hội luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích vì nạn nhân chất độc da cam, tích cực tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, động viên tinh thần, giúp đỡ vật chất để nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
20 năm nỗ lực, tích cực vì nghĩa tình
Thành hội hiện có trên 3.000 hội viên, 65 tình nguyện viên quốc tế, 2 Trung tâm trực thuộc Hội. Trong công tác tuyên truyền – đối ngoại nhân dân, nhiều chương trình giàu tính nhân văn đã để lại dấu ấn mạnh mẽ: “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, “Mùa Xuân cho em”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Đi bộ, ký tên vì công lý”... cùng các hoạt động thường niên như Tết Trung thu, 1/6, Tết Nguyên đán… tổ chức tại Trung tâm và các Hội cơ sở.
Hội đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, mỗi năm tiếp đón hàng trăm đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu, thăm hỏi và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, trong đó có nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, nhà nghiên cứu, phóng viên quốc tế uy tín đến từ Hoa Kỳ, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc , Pháp, Thụy Sĩ…. Nhiều nhà văn nổi tiếng như Dick Hughes, Larry Berman... đã góp phần truyền thông mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, Hội đã đón 40 tổ chức với hơn 220 lượt người nước ngoài đến thăm và hỗ trợ.
Huy động được hơn 221 tỷ đồng – Kết tinh của trách nhiệm và sẻ chia
Trải qua hành trình 20 năm, dù đối mặt với không ít khó khăn – đặc biệt trong và sau đại dịch COVID-19 – Thành hội đã vận động được 221 tỷ đồng, trong đó có hơn 90,6 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thăm và tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm
Tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa Bình Mỹ (VAF) hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho nạn nhân chất độc da cam
Nguồn lực đó được sử dụng hiệu quả: hỗ trợ gần 103.000 lượt đối tượng thông qua các hoạt động: xây, sửa nhà tình thương; hỗ trợ sinh kế, trợ dưỡng thường xuyên, học bổng, xe lăn, xe lắc, quà tết, trợ cấp khó khăn đột xuất...
Đặc biệt, Hội đã xây dựng và vận hành hiệu quả Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh, nuôi dưỡng bán trú thường xuyên cho 150 trẻ, hiện chăm sóc 90 trẻ khuyết tật, với kinh phí 60,4 tỷ đồng. UNICEF đã đánh giá đây là mô hình tiêu biểu trong hệ thống chăm sóc trẻ khuyết tật ban ngày tại Việt Nam.
Khẳng định vai trò – Lan tỏa giá trị nhân văn
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Thành hội Đà Nẵng đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ (2010), Bằng khen của Thủ tướng (2016), Bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (2021), Ban Dân vận Trung ương (2021), Cờ thi đua Trung ương Hội các năm 2021–2024, Cờ thi đua UBND thành phố (2016–2021) cùng hàng trăm Bằng khen cho tập thể và cá nhân. Đây là sự ghi nhận xứng đáng, là tài sản tinh thần vô giá, kết tinh từ trí tuệ, tâm huyết, nghĩa tình của nhiều thế hệ cán bộ, hội viên.
Hướng tới tương lai – Vì một Đà Nẵng đáng sống, nhân văn
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Thành hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, lấy cơ sở làm trọng tâm, đưa các chương trình mục tiêu của Hội đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn – thành phố đáng sống.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố trao bảng tấm lòng vàng và hoa cho nhà tài trợ
Với phương châm “Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm – Vì nạn nhân chất độc da cam”, Thành hội Đà Nẵng sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, phát triển toàn diện, chung tay chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân, kêu gọi cộng đồng cùng lan tỏa tinh thần tương thân tương ái để không ai bị bỏ lại phía sau.
Trà Thanh Lành
Phó Chủ tịch Thành hội Đà Nẵng
Bình luận