• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Tổng Bí thư: Chưa kiểm soát tốt quyền lực trong công tác cán bộ

Tổng Bí thư lưu ý, chưa kiểm soát tốt quyền lực trong công tác cán bộ; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu một số ý kiến có tính gợi mở trong đó có nội dung về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị

Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; coi đây "là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị" ở nước ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: TTXVN

Đồng thời, Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có xác định những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Theo Tổng Bí thư, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình Hội nghị Trung ương lần này đã được Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc trên cơ sở 27 báo cáo chuyên đề tổng kết toàn diện cả về lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ý kiến tham gia tại 18 cuộc hội thảo, hội nghị, toạ đàm; 3 hội nghị lấy ý kiến các tỉnh uỷ, thành uỷ và Báo cáo tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương.

"Đây là vấn đề rất cơ bản, rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm, hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đề nghị các Ủy viên Trung ương nghiên cứu thật kỹ các tài liệu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học về những kết quả, thành tựu đã đạt được; đồng thời phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.

Từ đó, bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực tế đất nước, tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và những nhiệm vụ và giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Trong đó, chú ý đến việc hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ hệ thống pháp luật, vận hành thông suốt, thống nhất bộ máy nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội; phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực Nhà nước; tăng cường kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, liêm chính; phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực.

Vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay

Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư đánh giá, báo cáo tổng kết trình Trung ương lần này đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X; chỉ ra những kết quả, thành tựu to lớn, toàn diện, rất ấn tượng đã đạt được; đồng thời, cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích rõ nguyên nhân.

Từ đó, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và kiến nghị Trung ương xem xét ban hành Nghị quyết mới để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy có hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.

Hội nghị Trung ương 6 khai mạc sáng 3/10.

"Đây là một nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đề nghị các đồng chí tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X và những quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư nhấn mạnh đến những nhiệm vụ, giải pháp mới, có tính đột phá, khả thi cao nhằm tiếp tục phát huy thật tốt những kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm thành công đã đạt được; khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân được rút ra trong quá trình tổng kết để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại.

Trong đó, Tổng Bí thư lưu ý, nhận thức lý luận về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng còn có những vấn đề chưa thật rõ. Việc hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp giữa các cấp, các ngành; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị còn chậm và lúng túng, nhất là trong việc xử lý tình trạng không rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng trong công tác lãnh đạo, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

Công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên có mặt còn hạn chế; chưa thật sự bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng, trọng dụng nhân tài; chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng tuy đã có nhiều đổi mới và có đột phá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chất lượng, hiệu quả chưa đều ở các cấp, việc tự kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế...

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác