• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Tổng Bí thư: Có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp.

Sáng 27/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Thường trực Ban Chỉ đạo) tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay, xác định yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) thời gian tới.

Cùng dự cuộc họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Tổng Bí thư: "Một điều rất quan trọng là vừa qua nhiều vụ việc, vụ án chúng ta xử rất nghiêm, nhưng cũng rất có lý có tình, đối tượng tâm phục khẩu phục và nhân dân hoan nghênh đồng tình ủng hộ".

Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được xã hội quan tâm

Từ đầu năm đến nay, công tác PCTN, TC tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh và có những chuyển biến mới trên nhiều lĩnh vực. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32 mở rộng phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo sang cả công tác phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo Kết luận số 12 ngày 06/4/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, TC; cho ý kiến hoàn thiện Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC để trình Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII).

Các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết liệt trong chỉ đạo phát hiện, xử lý một số vụ việc nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Chỉ đạo đã khẩn trương xây dựng, ban hành Quy chế làm việc, Quyết định phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, Quy định về kiểm tra, giám sát công tác PCTN, TC của Ban Chỉ đạo; quyết định thành lập 08 Đoàn kiểm tra công tác phát hiện, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản tại một số cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng, nhất là Quân đội, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo có nhiều nỗ lực, cố gắng, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó, khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 04 vụ án/23 bị can, khởi tố mới 07 bị can trong 03 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 04 bị can trong 02 vụ án; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 05 vụ án/134 bị can; truy tố 03 vụ án/34 bị can; xét xử sơ thẩm 02 vụ án/14 bị cáo, xét xử phúc thẩm 01 vụ án/04 bị cáo. Nhất là, đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, như: (1) Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng; (2) Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; (3) Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan có liên quan; (4) Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC; (5) Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Đã khởi tố 08 cán bộ diện Trung ương quản lý (01 thứ trưởng; 01 nguyên thứ trưởng; 01 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 05 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).

Thi hành kỷ luật đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh; các cơ quan chức năng đã thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khẩn trương kiểm tra, phát hiện, xử lý, kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý. Qua công tác thanh tra, ngành Thanh tra đã chuyển 65 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật; qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 13 vụ việc, 18 đối tượng tham nhũng. Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 31 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, điển hình như: Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Nai, Thái Nguyên,... Công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tiếp tục được quan tâm; từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 2.050 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 4.000 tỷ đồng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực nhận định: "Vừa qua chúng ta đã chú ý thêm đi vào những lĩnh vực mới nhạy cảm khó, tồn tại lâu dài, trên thực tế là chúng ta đã làm và làm được như trong lĩnh vực đất đai, tài chính, thị trường chứng khoán... những điểm rất mới những vấn đề đã tồn tại từ lâu nay. Chúng ta chấp hành ý kiến của Bộ Chính trị, đã đưa thêm yếu tố tiêu cực vào, không chỉ phòng, chống tham nhũng, chống tham nhũng và tiêu cực; nhưng chủ yếu nói là sự suy thoái về phẩm chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cái đó là tiêu cực gốc. Ban chỉ đạo chúng ta cũng làm về vấn đề này, rồi các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng nữa. Điểm này rất mới mà bây giờ đã ghi vào trong nghị quyết của Bộ Chính trị. Chúng ta cũng bắt đầu xử những vụ tiêu cực chứ không phải chỉ có tham nhũng. Hư hỏng phẩm chất, suy thoái về đạo đức, về phẩm chất, nhất là về mặt phẩm chất chính trị mới là nguy hiểm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại hạn chế như: (1) Một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc xử lý theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo; công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, có dấu hiệu đùn đẩy, né tránh, trách nhiệm chưa cao, phối hợp chưa tốt; (2) Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi; (3) Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập và gần đây lại bộc lộ thêm trong lĩnh vực định giá, đấu giá tài sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,…; (4) Công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn là khâu yếu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả tích cực nổi bật từ sau phiên họp 21 của Ban chỉ đạo đến nay, từ đó rút ra được rất nhiều bài học, kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi chỉ đạo trong thời gian tới.

"Từ thực tế chúng ta đã có thêm nhiều kinh nghiệm hay và hoàn toàn đúng cả về lý luận và thực tiễn và đúng cả đường lối, đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước có dấu hiệu vi phạm đi kiểm tra. Thực tế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm nhiều vụ, từ đây ra nhiều vấn đề. Chúng ta làm về kỷ luật Đảng trước, kỷ luật về hành chính thứ hai, rồi mới đến hình sự. Chứ còn cứ chờ điều tra rồi thống nhất với nhau thì thanh tra rồi đưa ra xét xử là khâu sau. Tôi cho đây là một phát hiện mới chủ trương phù hợp, thực tiễn chứng minh là đúng và có tác dụng có kết quả tốt và phải nhân cái này lên", Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng biểu dương sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cơ quan phòng, chống tham nhũng ngày càng tốt hơn, cùng với đó các địa phương cũng bắt đầu phối hợp với Trung ương hạn chế thấp nhất tình trạng “Trên nóng dưới lạnh”, tinh thần là không thể không làm được. Từ đó, chúng ta cũng thu hồi được số lượng lớn tiền và tài sản tham nhũng, giữ được nhiều cán bộ, qua đây cũng là một bước đánh giá xem xét cả những cán bộ công chức viên chức chống tham nhũng tiêu cực, góp phần cảnh báo răn đe giáo dục, cảnh tỉnh ngăn ngừa từ sớm từ xa để không xảy ra là tốt nhất mà nếu xảy ra rồi mới xử chỉ là hạ sách.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh một điều rất quan trọng là vừa qua nhiều vụ việc, vụ án chúng ta xử rất nghiêm, nhưng cũng rất có lý có tình, đối tượng tâm phục khẩu phục và nhân dân hoan nghênh đồng tình ủng hộ.

Đề cập về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, với quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ trong đấu tranh PCTN, TC; chủ động tấn công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tiếp tục quan tâm công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, chống tham nhũng tiêu cực, và phải có sự phối hợp giữa các cơ quan phòng, chống tham nhũng tiêu cực một cách nhịp nhàng, ăn khớp dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Nội chính Trung ương với tư cách là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo và tiếp tục thực hiện chủ trương công tác kiểm tra đi trước một bước.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban chỉ đạo cũng yêu cầu, các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; phấn đấu đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 19 vụ án, truy tố 21 vụ án, xét xử sơ thẩm 24 vụ án, xét xử phúc thẩm 06 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 39 vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là, tập trung điều tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Công ty Việt Á; (2) Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng; (3) Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; (4) Các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Thuận; (5) Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Buôn lậu; Sản xuất, buôn bán hàng giả; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố... Khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 02 vụ án trọng điểm trong Quý II/2022, gồm: (1) Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế và một số địa phương liên quan; (2) Vụ án “Nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển và Bộ đội Biên phòng.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là cơ chế, chính sách pháp luật về đấu giá, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... và những kiến nghị của Ban Chỉ đạo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, không để bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm phụ trách, quản lý; khẩn trương rà soát, làm rõ trách nhiệm của các trường hợp đùn đẩy, né tránh, chậm kết luận giám định, định giá tài sản, để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định. Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ban Chỉ đạo tổ chức tổng kết 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân đầu tư xây dựng các chuyên trang, chuyên mục sâu sắc hơn, chất lượng hơn về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có nội dung về PCTN, TC để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục PCTN, TC, nhất là xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cuối cùng, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thống nhất bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đó là: (1) Vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan; (2) Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC; (3) Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; (4) Vụ việc sai phạm liên quan đến Dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, TP. Hồ Chí Minh; (5) Các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới liên quan đến Nguyễn Thị Kim Hạnh và những cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực liên quan đến vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang./.

Nguồn: VOV

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...