Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, nơi Quỳnh đang theo học. (Ảnh: FB Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn) |
Báo Tuổi Trẻ đăng tải, từ khi Quỳnh ra đời, nhà nội của em đã không nhận, mẹ em một mình nuôi con. Năm Quỳnh lên 3 tuổi, mẹ em vào Nam làm công nhân, gửi con nhờ bà ngoại. Kể từ ấy, với Quỳnh, bà chính là gia đình, vừa là ba, vừa là mẹ.
Để có tiền trang trải, ngày trước bà của Quỳnh thường nhận may vá đồ cũ, nhưng sau này khách thưa dần. Thu nhập giảm sút, có khi cả tháng chẳng được ăn thịt cá, chỉ có cơm trắng cầm cự qua ngày.
Vào Nam làm công nhân là sự lựa chọn của nhiều người, mong có cuộc sống tốt hơn. (Ảnh minh họa: Báo Bình Dương) |
Mẹ Quỳnh làm công nhân nơi đất khách cũng không khá khẩm hơn là mấy. Vì sức khỏe không tốt, đau ốm liên miên nên chẳng dám liên lạc về nhà. Thậm chí có những giai đoạn mẹ Quỳnh bỗng dưng biệt tăm, 2-3 năm mới gọi về.
Sau này, Quỳnh mới biết mẹ đã lấy chồng nhưng sống không hạnh phúc. Đứa em cùng mẹ khác ba còn bị suy dinh dưỡng nặng. Để có tiền mua sữa, chị đã phải cầm cố chiếc xe duy nhất lấy 1 triệu đồng. Thương mẹ, Quỳnh đã lo liệu đủ 2 triệu gửi vào cho mẹ để mẹ mua vé xe về quê và chuộc xe. Tuy nhiên, vài hôm sau mẹ em gửi trả lại 1 triệu và nói không muốn làm khổ mọi người nên sẽ ở lại.
Về phần ba Quỳnh, em cũng đã có lần liên lạc theo số mẹ đưa nhưng cuộc nói chuyện chỉ dăm ba câu là kết thúc. "Thỉnh thoảng em có nhắn tin, gọi điện nhưng ba bảo cuộc sống cực quá, hãy tha lỗi cho ba", cô nữ sinh kể lại.
Thiếu vắng hơi ấm của ba mẹ, Quỳnh học cách sống tự lập. Cô nàng nhỏ nhắn chỉ có 43kg nhưng lại vô cùng chững chạc, mạnh mẽ. Ngay từ nhỏ Quỳnh đã biết đi làm thêm, từ việc đồng ruộng đến bán bánh vệ đường. Tất cả tiền kiếm được Quỳnh đều đưa cho ngoại. May mắn nhà trường và cô giáo biết hoàn cảnh của em nên những năm qua đều hỗ trợ chi phí, sách vở.
Ước mơ của Quỳnh là theo học trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng nhưng do điều kiện không cho phép nên em đã thay đổi. (Ảnh: Dân Sinh) |
Tuy nhiên, thời điểm Quỳnh thi đỗ cấp 3 là lúc gia đình khó khăn nhất. Khi đó, bà ngoại đã ôm Quỳnh vừa khóc vừa khuyên cháu nghỉ học, lên phụ dì bán bánh ở Đắk Lắk. Nhưng rồi Quỳnh đã thuyết phục bà cố gắng thêm 3 năm nữa để "đời con không luẩn quẩn như mẹ".
Sau nhiều vất vả, cuối cùng Diễm Quỳnh đã tốt nghiệp cấp 3. Em vốn có nguyện vọng đăng ký vào ngành kế toán (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng), nhưng vì học phí quá cao nên em đành thay đổi lựa chọn.
Những dãy trọ nhà cấp 4 tuy có nhiều hạn chế nhưng giá cả lại phù hợp với những hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh minh họa: Lao Động) |
Hiện cô tân sinh viên đang thuê một phòng trọ trong dãy nhà cấp 4 chật chội, cũ kỹ. Mỗi ngày cô nữ sinh chỉ dám chi 30 ngàn cho bữa ăn trưa và tối, bỏ bữa sáng vì sợ mau hết tiền, lại phải xin làm ngoại vất vả.
"Đi làm được trả mấy trăm ngàn là phải quần quật từ sáng tới tối, mà đâu phải ngày nào cũng được đâu. Mình thèm được học, ra trường và đi làm. Nếu lúc trước chọn bỏ học thì giờ chắc mình đang bán bánh ngoài chợ", Quỳnh rưng rưng tâm sự.
Có lẽ chính hoàn cảnh vất vả đã tôi luyện lên một cô nữ sinh trưởng thành, tự lập như Quỳnh. Sự cố gắng của em chắc chắn sẽ được đền đáp bằng trái ngọt trong tương lai.
Trong kỳ tuyển sinh Đại học vừa qua còn có rất nhiều người có hoàn cảnh tương tự Diễm Quỳnh, chẳng hạn như cô gái người Nùng Chu Thúy Hường (quê Lạng Sơn) được biết đến với câu chuyện nhập học Đại học Y sau 2 tháng làm công nhân.
Cô công nhân hôm nào nay đã là nữ sinh viên trường Đại học Y. (Ảnh: Giáo dục và Thời đại) |
Chia sẻ với chúng tôi, Hường cho biết từ nhỏ em đã không còn bố, một mình mẹ em gánh vác gia đình. Dù học khá giỏi nhưng vì hiểu rõ hoàn cảnh gia đình nên em luôn tự nhủ sau khi tốt nghiệp cấp 3 sẽ đi làm, đỡ đần mẹ.
Nghĩ là làm, chỉ 10 ngày sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Quỳnh đã xuống Bắc Ninh làm công nhân với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Chi trả tiền nhà và ăn uống, mỗi tháng Quỳnh đều để dư một chút gửi về quê. Em nàng vốn không có ý định học lên Đại học, tuy nhiên vào ngày trước khi hết hạn đăng ký xét tuyển, các chú ở Đồn biên phòng Tân Thanh đã gọi điện thuyết phục.
Hường đã được viết tiếp giấc mơ đến trường. (Ảnh: Thúy Hường) |
Đắn đo hồi lâu, Hường quyết định đăng ký ngành Điều dưỡng, đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Y Hà Nội. Nào ngờ niềm vui đã đến khi em đang làm việc ở nhà máy.
Với sự giúp đỡ của các chiến sĩ ở Đồn biên phòng, đến nay, Hường đã trở thành cô tân sinh viên trường Y. Chia sẻ về cảm xúc lúc nhận kết quả đỗ đại học, Hường tâm sự: "Khi nào ổn định thời gian học em sẽ đi làm thêm để trang trải thêm chi phí sinh hoạt. Ước mơ của em là sẽ trở thành một điều dưỡng giỏi, sau này có thể trở về để góp phần xây dựng quê hương Lạng Sơn."
Cô nữ sinh ước mơ sẽ được trở về phục vụ quê hương. (Ảnh: Thúy Hường) |
Cả Diễm Quỳnh và Thúy Hường đã phải trải qua nhiều vất vả. Ở cái tuổi lẽ ra được vô lo, vô nghĩ, chỉ cần đến trường đi học, tận hưởng niềm vui thì các em lại phải trăn trở với cơm áo gạo tiền. Nhưng mong rằng đây sẽ chỉ là thử thách, để các em trưởng thành mạnh mẽ hơn.
Bình luận