• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Xem xét thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh

Đây là một trong những nội dung được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, diễn ra sáng 11/3 tại Hà Nội.

Sáng 11/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận 28 ngày 14/8/2012 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 – 2020; Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10- ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Cho ý kiến về Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị khoá IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 – 2020, Bộ Chính trị thống nhất đánh giá hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 21 đã được các bộ, ngành và đảng bộ, chính quyền và nhân dân 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long triển khai, thực hiện hiệu quả. Mục tiêu của Nghị quyết số 21 đã cơ bản được hoàn thành; khẳng định Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước thời gian qua…

Thống nhất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL

Bày tỏ nhất trí cao với những định hướng lớn cần phải làm trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, đây là Nghị quyết của Bộ Chính trị chứ không phải là kế hoạch hành động hay Chương trình hành động của Chính phủ hay của một cơ quan nào. Nêu rõ đây là những định hướng, tư tưởng chỉ đạo về tầm quan điểm, sau đó Chính phủ, các bộ ngành liên quan sẽ phải Luật hóa và xây dựng Chương trình hành động với tầm nhìn từ 5 - 10 năm tới, chính vì vậy cần phải xác định là đào tạo bố trí cán bộ và đổi mới tư duy để triển khai hiệu quả Nghị quyết.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt vấn đề cần thiết phải ra nghị quyết, khẳng định vai trò, vị trí ý nghĩa tầm quan trọng của khu vực kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những tiềm năng, lợi thế, quá trình đấu tranh cách mạng, truyền thống anh hùng, triển vọng tiềm năng còn rất nhiều và sắp tới phải xây dựng khu vực này phát triển mạnh hơn nữa, giàu hơn nữa và đóng góp chung cùng với đất nước, cho nên đã gọi là Nghị quyết của Bộ Chính trị thì nên chăng chỉ tập trung và nói quan điểm tư tưởng chỉ đạo định hướng lớn chủ trương, chính sách lớn chứ không đi vào quá chi tiết cụ thể".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu tối đa ý kiến của các Ủy viên Bộ Chính trị hoàn thiện để ban hành, bởi nếu chúng ta hoàn thành sớm và triển khai thực hiện với tầm nhìn đến năm 2030 - 2045 và đề ra những giải pháp cụ thể sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chỉ đạo thực hiện và Nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống.

"Nếu được thông qua thì nên ban hành sớm và có lẽ nên tổ chức một hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết này để tạo sự thống nhất về nhận thức, thống nhất với nhau quan điểm để khơi dậy, phát huy ý chí quyết tâm khí thế mới của cán bộ đảng viên, nhân dân địa phương, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, thay đổi cách làm không đi theo đường mòn nếp cũ và cố gắng như các đồng chí nói cuối cùng vẫn là đào tạo cán bộ, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đúng với tính chất nghị quyết của Bộ Chính trị" - Tổng Bí thư lưu ý.

Trên tinh thần này, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 21 về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với tư duy, quan điểm, tầm nhìn phù hợp bối cảnh mới, nhằm đưa ra các mục tiêu, chủ trương, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ các khó khăn trong thực hiện Nghị quyết số 21, để tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới theo định hướng: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, văn minh và bền vững, phù hợp với quy luật tự nhiên; là Trung tâm kinh tế nông nghiệp hiện đại, năng động, hiệu quả trên cơ sở chuyển dịch nhanh mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, sử dụng hiệu quả nguồn nước, tài nguyên đất và phát triển các chuỗi cung ứng; là Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước; phát huy hiệu quả liên kết vùng, trong đó đột phá là hạ tầng giao thông, tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển chuỗi đô thị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng.

Xem xét thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh

Thảo luận về Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10 ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí do Ban Nội chính Trung ương trình, Bộ Chính trị đánh giá công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí được quan tâm, có bước đột phá trong phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống lãng phí dần đi vào nền nếp, hiệu quả hơn; nhất trí về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thời gian tới; Bộ Chính trị giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X, trên cơ sở đó xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề phức tạp, gần đây đã được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà coi trọng cả phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực là bao gồm cả đấu tranh phòng, chống lãng phí...

Xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng quản lý đảng viên vi phạm

Cho ý kiến về Quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, một số ý kiến cho rằng, theo quy định hiện hành, việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm được thực hiện theo 2 quy định khác nhau: Quy định số 07 ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị khoá XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm; Quy định số 102 ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị khoá XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và bảo đảm nguyên tắc kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét và quy rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân và ngược lại khi xem xét kỷ luật đảng viên phải xem xét đến trách nhiệm của tổ chức đảng quản lý đảng viên vi phạm.

Bộ Chính trị thống nhất ban hành Quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trên cơ sở hợp nhất và kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định số 07 và Quy định số 102, đồng thời cập nhật đầy đủ chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được ban hành; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, đây là những vấn đề, nội dung quan trọng, cụ thể, đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục rà soát kỹ lưỡng tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị xem xét và quyết định./.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Lãnh đạo TW Hội: Thăm, chúc sức khỏe nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự của Hội

    Lãnh đạo TW Hội: Thăm, chúc sức khỏe nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự ...

    Thực hiện chương trình công tác đầu năm, nhân dịp đón Xuân mới Ất Tỵ 2025, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và đoàn cán bộ của TW Hội đã đến thăm, chúc sức khỏe bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch ...