• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Dai dẳng nỗi đau Da cam

Gia đình Cựu chiến binh Trương Xuân Minh là một trong hàng vạn gia đình CCB ở Việt Nam đang phải hứng chịu hậu quả của chất độc Da cam/dioxin. Họ là những người bất hạnh nhất trong những người bất hạnh bởi không chỉ có họ mà thế hệ thứ 3 của họ cũng phải gánh chịu nỗi đau này.

Cuối tháng 6, chúng tôi về huyện Nghi Lộc (Nghệ An) nắng như đổ lửa, từng đợt gió Lào ùa về, hơi mặn từ nước biển càng làm cảm giác thêm khô rát làn da. Hỏi con đường vào nhà cựu chiến binh Trương Xuân Minh, xóm 7 xã Phúc Thọ, mọi người đều nén tiếng thở dài, chia sẻ những gánh nặng hậu quả cuả chất độc da cam/Dioxin mà gia đình ông đang gánh chịu.

Đã hơn 10h sáng, giữa cái nắng chói chang, khi mới bước vào sân chúng tôi bắt gặp cảnh cựu chiến binh Trương Xuân Minh, xóm 7 xã Phúc Thọ, đang lau mặt, đút cháo cho cháu ăn, người vợ của ông nhìn khuôn mặt khắc khổ đang tranh thủ giặt giũ, phơi chăn và quần áo ở sân. Nhìn lên biết có người đến, ông gửi đứa cháu cho vợ trông, đon đả rót nước mời khách, thoạt đầu nhìn ông Minh hiền lành, thật thà, dễ gần không ai nghĩ những năm qua vợ chồng ông đang phải gánh nặng hậu quả chất độc da cam/Dioxin thật đáng thương.

\
Đứa cháu của ông Minh kháu khỉnh nhưng bị câm điếc bẩm sinh

Khi chúng tôi nhắc lại “một thời hoa lửa”, ông Minh nâng chén trà nóng, đông mắt ông nhìn xa xăm vào không trung trước sân nắng chói, kể lại: Tuổi 18, tôi cũng như bao chàng trai thời đó, tình nguyện viết đơn vào chiến trường đánh giặc Mỹ cứu nước, trải qua bao trận đánh ác liệt từ 81 ngày đêm ở chiến trường Quảng Trị, rồi Thừa Thiên Huế, chiến dịch Đà Nẵng, giải phòng Sài Gòn, bao lần vào sinh ra tử, cái chết cận kề, tôi không hề nao núng, run sợ cứ phăng phăng chiến đấu. Khi nghĩ về bao đồng đội ngã xuống ở chiến trường mà lòng tôi quặn thắt. Tôi được trở về thế này là may mắn và hạnh phúc lắm rồi. Nhưng chị biết đấy, niềm vui chẳng tày gang, khi về với đời thường trái tim của tôi có khi run rẩy, lạnh cóng và đau đớn thắt nghẹn trước hoàn cảnh gia đình.

Ông Minh kể tiếp: Năm 1976, tôi kết duyên với bà Nguyễn Thị Phương, ở cùng làng, cùng tuổi, có với nhau được 4 mặt con, trong đó 3 trai, 1 gái, hạnh phúc đời thường cứ thế diễn ra, nhiều khi tôi cảm thấy mình thật may mắn, không những được trở về mà còn có gia đình, hai từ rất thiêng liêng mà bao đồng đội ngã xuống không dám mơ ước khi còn trong quân ngũ. Nhưng không ngờ, tôi đã mang trong mình chất độc da cam/Dioxin vì bởi những năm tháng chiến tranh mà bản thân cũng đâu hay biết. May mắn đứa con đầu bình yên, mạnh khỏe, nay cháu đang công tác trong lực lượng vũ trang.

Khi sinh đứa thứ Hai – ông bà đặt tên là Trương Xuân Thảo, với niềm mong ước sau này lớn lên con trai sẽ hiếu thảo với bố mẹ. Nhưng khi con lên 3 tuổi, nỗi đau mang tên da cam hành hạ từ đó cho đến nay đã gần 40 năm trôi qua, chàng trai bé bỏng đó chỉ lớn lên trên giường bệnh, ăn, nằm một chỗ, đau đớn, mệt mỏi trong bốn bức tường, ngửa mặt lên trần nhà và không phân biệt được ngày hay đêm nữa. Lúc đó, ông bà chỉ biết thương con, chăm sóc cho đứa con tật nguyền với ý nghĩ: “Thôi, nó gánh cho cả nhà rồi”.

\
Hơn 40 năm qua chàng trai này chỉ ăn nằm một chỗ

Nhưng ông bà lại đau xé ruột một lần nữa, khi đứa con gái út là Trương Thị Thương, sinh năm 1989, sinh ra lớn lên tuy mạnh khỏe, nay đã lập gia đình nhưng di chứng chất độc da cam/Dioxin đã truyền sang thế hệ thứ 3. Vợ chồng Thương sinh đứa con trai đầu kháu khỉnh, đáng yêu nhưng lại bị câm điếc bẩm sinh, khi xét nghiệm thì ra cháu cũng bị nhiễm chất độc da cam từ người mẹ. Thương đưa con về gửi ông bà ngoại chăm sóc ban ngày để hai vợ chồng có thời gian làm lụng kiếm tiền mua thuốc chạy chữa cho con, nhưng nỗi đau lại chồng chất nỗi đau cho một gia đình bị sang thế hệ thứ ba. Đã có lúc Thương gào trong nước mắt “bố mẹ ơi! Con không dám sinh con nữa, con sợ lắm!”.

Mặc dù hoàn cảnh khó khăn là thế nhưng vợ chồng ông luôn luôn động viên nhau làm ăn chăm chỉ, ngoài mấy sào ruộng khoán thì vợ chồng còn phát triển chăn nuôi nên có ít tích góp sửa được căn nhà kiên cố, tránh gió bão để an cư. Bên cạnh đó, ông bà sống với bà con làng xóm gần gũi, hòa đồng; chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Pháp luật Nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Xuân Thắng – Bí thư Chi bộ xóm 7 cho biết: “Hoàn cảnh của gia đình ông Trương Xuân Minh rất đáng thương, nhiều năm nay, gia đình ông được xóm giềng đùm bọc, yêu thương, nhưng không thể xoa dịu nỗi đau về thể xác. Bản thân ông Trương Xuân Minh cũng là bệnh binh 1/4 mất sức đến 89%. Hai ông bà nay cũng già cả không có sức để làm ruộng, mà chỉ tập trung chăm con trai và cháu ngoại, đều là nạn nhân da cam. Rất mong Đảng, Nhà nước có chính sách quan tâm hơn nữa đối với các gia đình có nạn nhân thứ ba (đời cháu), chứ đây đúng là gánh nặng mà không dễ gì chia sẻ hết được”. ông Trương Xuân Thắng nói.

Chia tay gia đình ông Minh trong lòng chúng tôi quặn thắt nỗi đau, sự ám ảnh, thiết nghĩ, trên cả nước sẽ còn nhiều gia đình cũng bị di chứng chất độc da cam/Dioxin như thế này nữa, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm có chế độ đãi ngộ để các gia đình như gia đình ông Minh vượt lên nghịch cảnh số phận.

Cát Tường (VP Bắc Miền Trung)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Trung tâm BTXH NNCĐDC Việt Nam kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập

    Trung tâm BTXH NNCĐDC Việt Nam kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập

    Sáng 26/4, Trung tâm BTXH NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập (28/4/2014 – 28/4/2024). Dự lễ kỷ niệm có: Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội; bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người Khuyết tật, Cục Bảo ...