• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Him Lam - Trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 13/3/1954, bộ đội ta nổ súng tiến công Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong 49 cứ điểm ở Điện Biên Phủ, Him Lam là một trong những cụm cứ điểm ngoại vi kiên cố nhất ở khu đông-bắc Mường Thanh. 

Được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 được phối thuộc 2 đại đội cối 120 ly, 2 đại đội cối 82ly, 3 đại đội Sơn pháo 75ly, 2 đại đội lựu pháo 105 ly. Đây là lần đầu tiên Đại đoàn tham gia chiến dịch tiến công có 4 sư đoàn bộ binh sử dụng tập trung để tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm như Điện Biên Phủ. Đây cũng là trận chiến đấu công kiên lớn đầu tiên của Đại đoàn đánh vào một tập đoàn cứ điểm bằng sức mạnh của binh chủng hợp thành.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra hầm pháo chuẩn bị tấn công cụm cứ điểm Him Lam. Ảnh tư liệu

Cứ điểm Him Lam cách Mường Thanh 2,5 km về hướng đông-bắc, do một tiểu đoàn lính lê dương và 1 đại đội ngụy quân chiếm giữ, ngăn chặn ta tiến công từ phía đông-bắc và từ Tuần Giáo vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Him Lam gồm 3 cứ điểm xây dựng trên 3 quả đồi, là vị trí then chốt che trở cho sân bay và khu Mường Thanh. Tại đây, địch đã xây dựng công sự rất vững chắc, xung quanh mỗi cứ điểm là các bãi dây kẽm gai chằng chịt, có chỗ dày tới 70m. Xem kẽ giữa các rào kẽm gai là các loại mìn. Địch ở Him Lam được trang bị nhiều vũ khí phương tiện tối tân như: máy nhìn đêm, máy nghe tiếng động từ xa…
Đêm 11/3, các tiểu đoàn bắt đầu đào công sự xây dựng trận địa xuất phát xung phong. Sáng 12/3, địch cho quân có xe tăng, xe ủi đất ra lấp trận địa. Máy bay, pháo binh địch bắn phá ác liệt vào các cửa rừng, hốc núi… nơi nghi ngờ có quân ta. Đêm 12/3, tranh thủ sương mù dày đặc, bộ đội ta tiếp tục đào hào, xây dựng trận địa. Trưa ngày 13/3, địch cho một tiểu đoàn có 5 xe tăng yểm hộ, cùng xe ủi đất xông vào trận địa của Đại đội 670 và Tiểu đoàn 428. Ta dùng lựu pháo chi viện cho các đơn vị bảo vệ trận địa; sau đó, dùng pháo tập kích Him Lam, sân bay Mường Thanh, bắn cháy 2 phi cơ trinh sát và 1 phi cơ vận tải đỗ trên sân bay, phá một số công sự địch.
Đến 15 giờ ngày 13/3/1954, trên hướng chủ yếu, bộ đội Trung đoàn 141, do Trung đoàn trưởng Quang Tuyến và Chính ủy Mạc Ninh chỉ huy, theo các đường hào tiến về cứ điểm Him Lam. Pháo binh địch liên tục bắn chặn từ sông Nậm Rốm đến đồi 674. Khi hai tiểu đoàn 428 và 11 vượt qua cầu Chim (do công binh ta bắc), nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương vong vì đạn pháo địch.
Mặc pháo địch bắn như mưa, đồng chí Chất - Chính trị viên Đại đội 243 vẫn đứng bên đầu cầu động viên và tổ chức bộ đội vượt sông nhanh gọn. Đại đội hỏa lực của Tiểu đoàn 428 đang tiến vào chiếm lĩnh trận địa trên mỏn đồi đối diện với hướng tiến công chủ yếu thì pháo địch bắn trùm lên đội hình. Đại đội trưởng, Đại đội phó hy sinh, ĐKZ hỏng một khẩu, nhưng toàn đại đội vẫn chấp hành mệnh lệnh, vượt qua hỏa lực ngăn chặn vào chiếm lĩnh đúng vị trí. Tiểu đoàn trưởng Trấn Huy Toàn, Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Xuyên bất chấp nguy hiểm đến từng đơn vị động viên, tổ chức bộ đội vào chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian.
Trên hướng phối hợp, Trung đoàn 209, do Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm, Chính ủy Trần Quân Lập chỉ huy, dũng cảm vượt qua bom pháo,  chiếm lĩnh trận địa vào lúc 10 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 130 áp sát phía đông mỏm 3.
17 giờ ngày 13/3, trên cả hai hướng các đơn vị của đại đoàn chiếm lĩnh xong trận địa xuất phát xung phong cũng là lúc pháo binh ta dồn dập bắn vào Him Lam, phân khu trung tâm, sân bay Mường Thanh. Chỉ huy trưởng phân khu Mường Thanh (Trung tá Gô-sê) bị chết ngay từ loạt đạn đầu. Sau 30 phút, pháo ta chuyển làn bắn sâu vào phía trong, trên các hướng bộ binh ta áp sát các cửa mở, dùng bộc phá liên tục phá rào.
Trên hướng phối hợp, Trung đoàn 209 phát triển chiến đấu tương đối thuận lợi. 19 giờ, Tiểu đội xung kích, do đồng chí Trần Can chỉ huy, dẫn đầu Đại đội 366 xung phong chiếm được lô cốt tiền duyên. Khi phát triển vào trung tâm, gặp lô cốt số 6 của địch chống cự mạnh, tiểu đội nhanh chóng áp sát lô cốt có sở chỉ huy đại đội địch. Quả bộc phá 10kg nổ tung, giết chết tên quan ba chỉ huy. Chiến sĩ Trần Can cắm lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” lên mỏm số 3.
Trên hướng chủ yếu, cuộc chiến đấu của Trung đoàn 141 diễn ra rất ác liệt. Ở mỏm số 2, súng máy của Tiểu đoàn 428 bị pháo địch bắn gần, đất cát vùi lấp. Các chiến sĩ phải tập trung tiểu liên, lựu đạn diệt lô cốt số 1. Ổ đại liên ở lô cốt số 2 bắn ra dữ dội. Mặc dầu trên người bị nhiều vết thương, đồng chí Phan Đình Giót vẫn nén đau, dùng tiểu liên kiềm chế hỏa điểm. Hỏa điểm số 2 của địch bắn rất mạnh, xung kích của ta ùn lại không tiến lên được, Đồng chí Phan Đình Giót ở gần hỏa điểm đó, tuy đã bị thương nặng nhưng vẫn cố sức lê dần đến cái lô cốt rồi bất ngờ xoay người, áp lưng vào lỗ châu mai, dập tắt hỏa điểm. Chớp thời cơ, mũi xung phong của đồng chí  Trần Tử Khang tràn qua hỏa điểm như cơn lốc. Tiểu đội thọc sâu của đồng chí Nguyễn Ngọc Hỷ xông vào lô cốt mẹ, tạo điều kiện cho toàn đại đội đánh tỏa ra các hướng. Tiểu đoàn 428 chiếm được mỏm số 3 sau 3 giờ chiến đấu.
Ở mỏm số 1, mũi chủ yếu của Tiểu đoàn 11 gặp khó khăn ngay lúc mở cửa. Địch dùng hỏa lực chặn ta quyết liệt. Trung đội 7, Đại đội 243 đã mở được 7 hàng rào, đến hàng rào cuối thì bị hai hỏa điểm bắn chéo cánh sẻ trước cửa mở, các chiến sĩ đánh bộc phá xông lên là bị thương vong. Trước tình hình đó, Tiểu đoàn trưởng lệnh dùng trung đội bộc phá dự bị do đồng chí Thế chỉ huy lên đánh tiếp, đồng thời tăng cường 1 khẩu DKZ lên yểm hộ cho mở cửa.
Địch vẫn tập trung hỏa lực bắn xối xả về phía Đại đội 243. Trong lúc trận đánh đang diễn ra quyết liệt, Đại đội phó Hiệu bí mật bò lên quan sát, phát hiện hỏa điểm ngầm… Đồng chí quay lại dẫn 4 tổ đại liên lên đồng loạt bắn chế áp, tạo điều kiện cho bộc phá mở hàng rào cuối cùng. Sau loạt bộc phá nổ dữ dội, các chiến sĩ xung kích của Tiểu đoàn 11 tràn qua cửa mở. Tiểu đội “Dao nhọn” Trần Oanh lao vào trung tâm như lốc cuốn. Bị địch cản lại, Trần Oanh phân công 5 chiến sĩ đánh các lô cốt nhỏ, còn anh đánh lô cốt mẹ. Sau khi lừa địch áp sát cửa hầm, chỉ bằng một quả thủ pháo, Trần Oanh đã diệt xong lô cốt mẹ, cắm cờ lên đỉnh lô cốt, báo hiệu để toàn đơn vị đánh vào trung tâm. 
Trước sức tiến công mãnh liệt của quân ta, số địch còn sống sót hoảng loạn tháo chạy về Mường Thanh, chúng bị Tiểu đoàn 154 (Trung đoàn 209) chặn đánh, diệt hơn một đại đội. 23 giờ 30 phút ngày 13/3, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn báo cáo lên Bộ Tư lệnh Mặt trận: Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí trang bị. Ta hy sinh 62 cán bộ, chiến sĩ.
Trận Him Lam mở màn chiến dịch đã chiến thắng giòn giã, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ. Tiêu diệt một cụm cứ điểm trong công sự vững chắc của một tập đoàn cứ điểm có binh lực tương đương một sư đoàn phòng ngự, được trang bị tương đối hiện đại, Đại đoàn 312 cùng các đơn vị bạn đã làm thất bại hoàn toàn chiến thuật phòng ngự và cũng là hình thức phòng ngự cuối cùng của quân đội viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Một tù binh ở Him Lam đã nhận định: “Đánh được Him Lam thì các ông có thể đánh được bất cứ chỗ nào ở Điện Biên Phủ”. Còn tướng Đờ-cát - chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sau khi bị bắt đã khai: “Chúng tôi rất khâm phục đơn vị đánh đầu tiên ở Điện Biên Phủ và cũng là đơn vị bắt sống chúng tôi vào những ngày cuối cùng”./.

Đại tá Nguyễn Thế Vị 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Chung một niềm tin bảo vệ Đảng

    Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền ...
    Trung tâm BTXH NNCĐDC Việt Nam kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập

    Trung tâm BTXH NNCĐDC Việt Nam kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập

    Sáng 26/4, Trung tâm BTXH NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập (28/4/2014 – 28/4/2024). Dự lễ kỷ niệm có: Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội; bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người Khuyết tật, Cục Bảo ...