• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Ai chịu trách nhiệm trước việc để mất hồ sơ của cựu chiến binh

Trong một lần cùng ông Nguyễn Lương Tiện, thị trấn Nghèn và 3 người đồng đội đến thăm cựu chiến binh Nguyễn Đình Sở quê gốc xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh HàTĩnh, tôi mới biết thêm một sự thật…

Ra tận cổng đón chúng tôi, người cựu binh Nguyễn Đình Sở với thân hình ốm yếu đang trong tình trạng một mắt mờ hẳn, tai bị ngễnh ngãng chân đi cà nhắc cảm động nói trong nước mắt: “Cảm ơn các đồng đội đã đến thăm tôi không những vậy còn đưa cả nhà báo đến thật vinh dự cho tôi quá… tôi rất mong các đồng đội và nhà báo đề nghị giúp để tôi sớm được hưởng chế độ của người có công”.

   Qua câu chuyện, tôi được biết ông Nguyễn Đình Sở nhập ngũ ngày 13/08/1971 và sau đó được biên chế vào C2-K5, Quân khu Trị Thiên. Năm 1971, sau khi huấn luyện tân binh xong, ông Tiện, ông Sở cùng một số đồng đội, đồng hương huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã hành quân vào chiến trường Thừa Thiên Huế và tham gia nhiều trận đánh từ Bắc đèo Hải Vân ra đến Bạch Mã, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho đến Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Đưa chén nước vối mời tôi, anh Sở nói: “Ông Tiện và 3 người đồng đội này trước cùng đơn vị với tôi, nhiều lần vào sống ra chết, may mắn thay chúng tôi vẫn được trở về, còn nhiều đồng đội đã hy sinh rồi chú ạ”…Nói đến đây hai mắt ông Sở đỏ hoe.

Ông Nguyễn Lương Tiện, nguyên Bí thư chi bộ khối 6, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là bạn chiến đấu cùng tiểu đội với ông Sở kể lại: “Mặc dù cơ thể mang nhiều thương tích nhưng đến nay cựu binh Nguyễn Đình Sở vẫn chưa được hưởng chế độ thương binh nên vừa rồi tôi cùng 3 người bạn chiến đấu với ông Sở đây như ông Thân Văn Tình, đảng viên, cán bộ nghỉ hưu ở quê xã Sơn Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh; ôngTrần Công Đại, đảng viên, cán bộ nghỉ hưu, quê ở thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh; ông Hồ Nông đảng viên, cán bộ nghỉ hưu ở thành phố Vinh, quê ở Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh có thay mặt ông Sở làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết  chế độ thương binh cho ông Sở.”

Ông Tiện cũng cho biết thêm: “Từng vào sống ra chết với ông Sở chúng tôi thấy ông Sở là người rất dũng cảm, đánh nhiều trận và bị thương nhiều lần, hiện còn một mảnh đạn xuyên qua đùi trái của ông vẫn còn, nhưng rất tiếc đến nay ông Sở vẫn chưa được công nhận thương binh. Tôi nhớ, có một lần khi bị địch phản kích chiếm đèo Phú Gia, ông Sở bị một quả rốc két của địch bắn quá gần, nên khẩu B40 ông đang bắn bị văng ra, ông Sở bị ngất đi, từ đó một mắt ông bị mờ hẳn, một tai bị điếc... Sau đó với nhiều trận chiến đấu ác liệt, đặc biệt là trận chiến đấu kiên cường ở Bạch Mã, ông Sở đã được kết nạp vào Đảng tại trận và được bổ nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng. Ít lâu sau ông Sở được Quân khu cử đi học ở trường Quân chính của Quân khu 7 tháng và ra trường được bổ nhiệm làm trung đội trưởng. Năm 1975, khi khi Miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng, ông Sở được ra quân phục viên về địa phương xây dựng gia đình”.

Giải thích lý do ông Sở đến nay chưa được hưởng chế độ thương binh, ông Tiện nói: “Sự thật, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết. Khi ông Sở về địa phương một thời gian, ông đã hoàn thành hồ sơ thủ tục để đi giám định y khoa  gửi hồ sơ lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đề nghị xin được giám định để hưởng chế độ thương binh. Nhưng, rất không may cho ông là thời gian đó có một số đối tượng cũng lập hồ sơ giả để “Chạy chế độ thương binh”. Sau đó, vụ án làm thương binh giả ở Sở Lao động Thương bị và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh được khởi tố, một số cán bộ của sở chịu án phạt tù, nên giấy tờ của ông Sở cũng bị mất. Chính vì vậy, ông Sở đã không được xem xét, giám định để hưởng chế độ thương binh”.

Chuyện ông Sở làm chế độ thương binh cũng dần rơi vào im lặng từ đó đến nay và ông Sở cũng không được hưởng chế độ gì. Vấn đề đặt ra là tại sao bằng ấy năm mà chính quyền địa phương (xã Khánh Lộc, nay là xã Khánh- Vĩnh - Yên), biết việc của ông Sở, sao không quan tâm đề nghị cấp trên để giải quyết chế độ? Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, nơi tiếp nhận hồ sơ và đánh mất hồ sơ của ông Sở cũng không có trách nhiệm gì để tìm ra biện pháp tháo gỡ giúp người dân đỡ thiệt thòi theo đúng tinh thần của một đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã phát biểu: “Chúng ta kiên quyết không để lọt những người có công với nước mà chưa được hưởng quyền lợi gì”.

 Bức xúc trước việc người có công thực sự, người bạn chiến đấu của mình mà không được hưởng một chút quyền lợi nào, bốn người đồng đội là bạn chiến đấu của ông Sở đã thống nhất cử ông Tiện thay mặt họ ký đơn đề nghị cấp trên xem xét nhằm mang lại công bằng cho ông Sở để ông sớm được hưởng chế độ thương binh đỡ thiệt thòi khi tuổi đã xế chiều.

 Hiện nay đơn đề nghị của 4 cựu chiến binh do ông Tiện đại diện những người bạn chiến đấu cùng ông Sở đã được gửi đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Đồng thời họ cũng làm đơn đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh và Ban chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế để xin xác minh thời gian có mặt và chiến đấu tại C2-K5, huyện Phú Lộc của ông Sở. Ngoài ra trong đơn của họ còn gửi huyện đội Can lộc và UBND xã Khánh -Vĩnh - Yên đề nghị xác minh thời gian nhập ngũ và thời gian về phục viên của ông Sở để tập hợp hồ sơ trình Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh để làm chế độ thương binh cho ông Sở.

Qua bài báo này chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm cử cán bộ về tận cơ sở kiểm tra và có hướng giải quyết sớm nhất. Lãnh đạo cấp trên lưu ý xem xét giúp đỡ cho CCB Nguyễn Đình Sở sớm được hưởng chế độ thương binh để động viên, an ủi phần nào khi quỹ thời gian của ông thực sự không còn nhiều.

                                                                              Trần Anh Tuấn

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác