• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BÀI DỰ THI: Người bạn của nạn nhân

BÀI DỰ THI: Người bạn của nạn nhân

Tôi đã đến huyện miền núi này nhiều lần, cuộc sống luôn có những thay đổi theo năm, tháng, nhưng bản tính chân chất của những con người vùng quê ở đây, hầu như không thay đổi. Đức Linh là vùng đất nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ, với những trận đánh và chiến thắng vang dội dấy lên cao trào cách mạng, đi vào lịch sử đấu tranh của cả nước. Địa danh có bề dày truyền thống, thì nỗi đau để lại cho con người từ bom đạn của chiến tranh cũng nhiều. Huyện có 13 xã, thị trấn thì hầu như nơi nào cũng có nạn nhân chất độc da cam. Toàn huyện hiện có 122 người tham gia kháng chiến và con của họ đang hưởng chế độ da cam. Đây là địa phương có số người bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, nơi nhiều nhất của tỉnh Bình Thuận.

Bà Phạm Thu Hà thăm và tặng quà cho NNCĐDC/dioxin Nguyễn Thị Kết, 65 tuổi ở xã Nam Chính, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận

Bên cạnh những nỗi đau của các nạn nhân đó, cũng có những hoạt động, của những con người luôn tìm cách xoa dịu nó. Một trong những trường hợp tiêu biểu đó là chuyện của một cô giáo đã nghỉ hưu, dù tuổi đã lớn, nhưng cô giáo Phạm Thu Hà, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện miền núi Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đã gắn bó tâm huyết với công tác Hội Da cam hơn 3 năm nay. Chị là một đại diện tiêu biểu cho các Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin của huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Binh Thuận. Một con người đầy nhiệt huyết, không ngại khó khăn, gian khổ; qua những hoạt động nỗ lực, tích cực, chị đã nhận được nhiều giấy khen từ UBND huyện Đức Linh, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh.

Tặng quà cho NNCĐDC: Nguyễn Thanh Bình ở xã Tân Hà, Đức Linh, Bình Thuận;

Chị là một người phụ nữ hiền hậu, có đôi mắt sáng, sắc sảo và nghiêm nghị. Tôi nghe vài đồng nghiệp kể lại, khi làm việc chị hết sức chu đáo, luôn xông xáo lao vào những việc khó; khi về nhà chị lại hóa thân trong vai người vợ hiền, đôn hậu, luôn hòa đồng với mọi người.

Với công việc, chị nghĩ, NNCĐDC là những người thiệt thòi nhất trong những người bị thiệt thòi, họ cần được lòng nhân ái của cộng đồng, chung sức, chung lòng giúp đỡ họ. Chị kể với tôi về vòng xoay cuộc đời mình: lớn lên đi học, đi dạy, giờ “đi xin” để giúp đỡ cho những người yếu thế trong xã hội. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm chị về vùng núi Đức Linh dạy học và từ đó chị không ngừng học hỏi, phấn đấu, chị đã tốt nghiệp đại học và đã từng đạt Chiến sĩ thi đua Toàn quốc, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng ba. Khi nghỉ hưu, UBND huyện giao cho chị giữ chức Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện, thay thế cho người tiền nhiệm đã lớn tuổi. Chị Hà cho hay: Lúc đầu, mình có chút phân vân vì công việc quá xa lạ, nhưng rồi tự nhủ: Hãy làm bằng cái tâm, bằng tình yêu thương và nhiệt huyết…Từ đó chị Hà nhanh chóng bắt tay vào công việc, tìm tòi, học hỏi cấp trên, đồng nghiệp, đi cơ sở nắm địa bàn, nắm danh sách nạn nhân và chuyển tải công việc đến các chủ tịch cơ sở trong huyện. Chị đến tận từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở buôn bán, trình bày hoàn cảnh của các NNCĐDC và nhờ họ chung tay giúp đỡ những mảnh đời khốn khó, những người mang trong mình di chứng quái ác do chất độc hóa học gây ra. Mỗi lần đi thăm, tặng quà cho các nạn nhân về là đêm đó chị lại không ngủ được, hình ảnh những em bé đầu to, tay chân khẳng khiu, người chỉ cao 40 cm, không xương mà thân thể chỉ là da và gân, những thương binh mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo do chất độc da cam...cứ đeo bám chị ngay cả trong giấc ngủ. Những nỗi đau của các mảnh đời đó đã ám ảnh chị và tạo nên động lực hút chị vào công việc khi nào không hay. Hằng năm, Hội của chị luôn ở tốp đầu về công tác vận động, quyên góp tặng quà, tặng xe lăn, chăm sóc cho các NNCĐDC trong tỉnh. Nhiều người bảo: cô giáo Hà là người đam mê và có duyên với cái nghề “Ăn cơm nhà - Vác tù và hàng tổng” chị cười “Chuyện nên làm mà…”. Chị biết công việc mình đang làm cũng ít nhiều ảnh hưởng đến gia đình, nhưng may mắn là chồng chị, anh Dũng, luôn đồng cảm với công việc “vác tù và…” của vợ. Sự động viên, giúp đỡ của gia đình giúp chị vượt qua mệt mỏi và hoàn thành tốt mọi việc, góp một phần công sức của mình chăm sóc cho các mảnh đời bất hạnh trong xã hội, đó là những NNCĐDC, giúp họ vượt qua khó khăn, mặc cảm với bệnh tật.

Tặng quà cho NNCĐDC Võ Trần Khánh Ngân ở xã Đức Hạnh, Đức Linh, Bình Thuận;

Tặng quà cho NNCĐDC:Lê Thị Ngọc ở xã Đông Hà, Đức Linh, Bình Thuận;

Nói về người phụ nữ năng nổ này, ông Trần Tiến Thành, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Bình Thuận rất tâm đắc: Bốn năm qua, nhờ chị mà Hội NNCĐDC/dioxin huyện Đức Linh đã vận động xây và sửa chữa được 9 căn nhà tình thương, tặng trên 2.000 phần quà, trị giá mỗi suất từ 300 đến 500 ngàn đồng, cho vay sản xuất, chăn nuôi trên 200 triệu đồng, cứu trợ đột xuất từ 5 đến 7 đối tượng với gần 100 triệu đồng. Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 200 lượt người. Một thành tích đáng trân trọng và khích lệ. Chị cùng với các chủ tịch ở các cơ sở luôn gắn bó trao đổi thông tin, tình hình công việc rất chặt chẽ qua mạng zalo. Đây thực sự là một tấm gương tiêu biểu về một người cán bộ Hội NNCĐDC/dioxin, tuy chị không đi dạy học nữa nhưng vẫn được gọi là cô giáo Phạm Thu Hà.

Danh Lư

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...