• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BÀI DỰ THI: Người khai sinh Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bình Phước

BÀI DỰ THI: Người khai sinh Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bình Phước

Ông Bùi Xuân Kim làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Bình Phước từ năm 2005 – 2018, hơn 13 năm chưa dài, nhưng đã đong đầy cảm xúc, tình thương yêu đối với Nạn nhân chất độc da cam…

Ông Bùi Xuân Kim, người Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin đầu tiên của tỉnh Bình Phước

Từng trực tiếp lãnh đạo, nên cứ mỗi năm ông Bùi Xuân Kim đóng thành 2 tập kỷ yếu, như thể cuốn nhật ký ghi lại cảm xúc, hành động nhân ái của tập thể, cá nhân đối với NNCĐDC; những trăn trở, băn khoăn cần được quan tâm thực hiện hay những đề xuất về giải quyết quyền lợi của nạn nhân và trách nhiệm của các cấp, chính quyền, đoàn thể. Tất cả các văn bản của Trung ương đến địa phương, từ Trung ương Hội chỉ đạo đến các tỉnh, thành đều được lưu lại đầy đủ. Cẩn thận và trách nhiệm luôn thường trực ở người Chủ tịch đầu tiên và cũng là người khai sinh Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Bình Phước.

Ông Bùi Xuân Kim đi bộ đội năm 1965, vợ ông đi năm 1966 cùng đơn vị, sau này cả hai người đều là NNCĐDC (ông Kim loại 2, mất sức lao động 64%, vợ ông loại 3). Ông Kim công tác ở nhiều đơn vị, nhưng chung quy lại chỉ có 2 đơn vị lớn, đó là Sư đoàn 7 (1965-1968); cuối năm 1968, ông Kim chuyển đến công tác tại Cục Chính trị, bộ đội Miền cho đến ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bản thân ông vẫn may mắn hơn các nạn nhân khác là các con ông không bị nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, sức khỏe của ông cũng hết sức nan giải, bị ung thư cột sống di căn xương. Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, ông là người đầu tiên, nhưng chính là Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh chủ trì. Lúc đó, không có ai làm việc được và ông Kim đang giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh. Các đồng chí trong Ban Thường trực Hội CCB tỉnh vận động ông kiêm luôn Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin của tỉnh, khi biết ông chỉ còn 1 năm nữa là nghỉ hưu ở Hội CTĐ (vì ông ở Hội CTĐ có biết NNCĐDC nên kiêm luôn cũng hợp lý). Ông Kim đồng ý, nhưng chưa hình dung Hội NNCĐDC/dioxin là như thế nào? Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam được thành lập năm 2004, sau 1 năm (2005) Bình Phước thành lập Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh. Ông Kim tâm sự: “Mỗi tỉnh mỗi khác, không biết có khó khăn không, nhưng với tỉnh nhà tôi thấy các tài liệu chỗ này thì nói nạn nhân da cam 4.000, chỗ khác thì hơn và có chỗ viết gần 4.000… Tôi đã nhận chức Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, đợt 1 được Đại hội bầu thì phải biết số 4.000 nạn nhân da cam ở đâu? Họ là ai? Họ ở nơi nào, ở thôn, xã nào, hoàn toàn không nắm dược. Là Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh mà không nắm được thì làm sao đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nắm được? Làm sao các đồng chí ở các sở, ban ngành nắm được? Khó khăn là như thế, tâm huyết của tôi chã nhẽ làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh mà không biết nạn nhân là ai, 4.000 người ở đâu họ là người như thế nào?” thì làm sao mà tham mưu, đề xuất giúp đỡ họ được.

Tâm huyết, trăn trở của ông Kim đầu tiên làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là ở chỗ đó. Cơ quan mới thành lập rất khó khăn, tất cả đều nhờ ở Hội CTĐ, thiếu từ cái tủ đựng tài liệu, bàn làm việc, giường nghỉ… đều nhờ đến Hội CTĐ. Lúc đó chỉ mình ông làm Chủ tịch và một nhân viên kế toán kiêm nhiệm việc đánh máy, phô tô tài liệu... Chưa có nhiều, mà cũng không có lương, ông Kim hưởng lương ở bên Hội CTĐ, còn nhân viên kế toán làm việc gần 2 năm không có lương.

Những việc làm rất cần thiết với nạn nhân

Ông Kim làm Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh nhưng không đi sâu nên không nắm được NNCĐDC bao nhiêu, họ ở đâu và bệnh tật như thế nào. Xác định, đây là công việc cần chuyên sâu và ông tham mưu cho UBND tỉnh tổng điều tra về NNCĐDC ở tỉnh Bình Phước để tổng hợp, có số liệu cụ thể. Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh phối hợp cùng với Hội CCB, Hội CTĐ điều tra cơ bản NNCĐDC trong toàn tỉnh. Được UBND tỉnh cho chủ trương, điều tra từ thị xã, huyện, đến xã, phường, thị trấn và kèm theo cấp kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Ông Kim tự nghĩ ra mẫu phiếu điều tra, một số người bị phơi nhiễm chất độc hóa học lúc đó chưa được công nhận, được chính quyền địa phương, các hội, ban, ngành hỗ trợ, đồng thời ông phối hợp chặt chẽ với Hội CTĐ. Phiếu điều tra nạn nhân phải có UBND xã, phường xác nhận thì mới có giá trị pháp lý. Mỗi phiếu điều tra, ông Kim chi trả cho địa phương 10 ngàn đồng. Ông Kim nghĩ số tiền kinh phí tỉnh cấp cho công tác tổng điều tra NNCĐDC trên địa bàn tỉnh thì phải sử dụng cho đúng và hiệu quả. Nếu kèm theo ảnh nạn nhân và phiếu nộp lên tỉnh ông chi trả 20 ngàn đồng. Việc làm của ông Kim được các cấp chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ. Phiếu điều tra do ông Kim tự nghĩ kẻ, gạch ra nhiều cột dọc, trong đó có cột khó khăn của NNCĐDC. Từ cơ sở pháp lý đó, ông Kim mới có hướng vận động giúp đỡ nạn nhân: nạn nhân khó khăn cần vốn buôn bán hoặc khó khăn về nhà ở, đời sống kinh tế hoặc họ cần đất, trâu, bò, heo gà chăn nuôi, giếng nước…để giúp đỡ. Qua phiếu điều tra mới lập được danh sách, con người cụ thể; tổng hợp, bao nhiêu người cần làm nhà, bao nhiêu người cần có bò để nuôi, bao nhiêu người cần giếng khoan, đất ở, đất canh tác… cần sự giúp đỡ của địa phương thì ông đề nghị. Còn ông, tự thân đi vận động giúp đỡ nạn nhân theo danh sách điều tra cụ thể do địa phương cung cấp. Có giấy tờ làm cơ sở pháp lý trong tay, ông Kim đi vận động các cơ quan đơn vị, các nhà hảo tâm ủng hộ giúp đỡ nạn nhân. Lương tâm, đạo đức ông trong sáng, nhân hậu và lúc đó ông Kim đang làm Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Đồng Xoài, nên cũng có uy tín, được các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm muốn giúp đỡ, ủng hộ cũng “chọn mặt gửi vàng”, “trông giỏ bỏ thóc”. Gần 14 năm làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, ông Kim đã vận động các cơ quan đoàn thể, nhà hảo tâm xây được 80 căn nhà tình nghĩa tặng cho các nạn nhân khó khăn về nhà ở. Nạn nhân cần bò nuôi ông cho bò nuôi, cho tiền mua bò giống. Cần giếng khoan ông cho tiền khoan giếng (qua xác nhận điều tra của địa phương). Ông Kim còn đề nghị xin chủ trương của UBND tỉnh và cho phép Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh giúp đỡ nạn nhân da cam khó khăn bằng cách được mở xổ số kiến thiết một ngày chủ nhật (về chuyên môn do Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh đảm trách), số tiền được 400 triệu đồng. Nhờ đó mà có tiền giúp đỡ NNCĐDC khó khăn rất nhiều, trong gần 14 năm ông Kim làm Chủ tịch Hội... Hướng về NNCĐDC và tìm mọi cách giúp đỡ trong mỗi trường hợp nạn nhân lâm bệnh cần giải quyết là hành động thiết thực của ông Kim. Nhiều trường hợp NNCĐDC khó khăn được ông Kim tìm đến giúp đỡ. Trong đó có trường hợp về một cán bộ lão thành cách mạng 90 tuổi, 60 năm tuổi Đảng đang ở trong căn nhà tạm bợ tại trung tâm thị xã Bình Long. Ông Kim làm việc với Bí thư, Chủ tịch thị xã Bình Long thì được biết không nghe báo cáo, liền xuống kiểm tra thì mới biết người cán bộ lão thành cách mạng này còn nợ tiền ngân hàng 30 triệu đồng. Đồng chí Chủ tịch thị xã cởi mở “Nếu như anh Kim xuống xây cho căn nhà tình nghĩa, thì chúng tôi sẽ lo bên ngân hàng khoanh nợ tạm thời cho ông…”. Không những xây cho căn nhà tình nghĩa, ông Kim còn cho người cán bộ lão thành cách mạng này con bò giống để nuôi.

Thảm họa da cam - nỗi đau dài lâu của dân tộc và những chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam.

Thảm họa chất độc hóa học bao phủ toàn quốc, ở đâu cũng có những con người thân thể bị dị tật, đau đớn và thiếu đi sự lành lặn của một con người, có những sinh linh mới chào đời đã bị dị dạng, dị tật. Hơn 80 triệu lít chất độc hóa học Quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam. Cả thế giới và Việt Nam nói riêng không bao giờ quên được ngày 10-8-1961, Quân đội Mĩ lần đầu tiên dùng máy bay phun rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam. Trong 10 năm (từ 1961-1971) Mỹ đã phun rải hơn 80 triệu lít chất độc hóa học (61% trong số đó là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin), ¼ diện tích miền Nam Việt Nam bị phun rải chất độc hóa học. Chất độc da cam/dioxin đã làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết. Những người còn sống đang hằng ngày, hằng giờ vật lộn với những căn bệnh quái ác bởi chất độc dioxin mà hình như y học đang bất lực. Họ sống trong đau khổ tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần, chết dần chết mòn và chết tức tưởi. Dioxin gây nên chứng vô sinh ở nam giới, làm cho nhiều gia đình, dòng họ có nguy cơ mất nòi giống… Không phải chỉ người Việt Nam mà nhiều binh sĩ thuộc các nước đồng minh từng tham chiến ở Việt Nam cũng là NNCĐDC. Nhiều nhất vẫn là lực lượng Quân đội Mỹ (2,6 triệu lượt lính Mỹ bị phơi nhiễm dioxin). Sau đó đến Hàn Quốc (theo tài liệu từ Hội Cựu chiến binh: thương tật do chất độc da cam, Hàn Quốc có 100 ngàn NNCĐDC, đã chết 20 ngàn).

60 năm trôi qua, nhưng nỗi đau da cam vẫn còn đó, kéo dài hết thế hệ này sang thế hệ khác. Thảm họa da cam vô cùng thảm khốc, có gia đình sinh 5 người con đều là NNCĐDC, như gia đình ông Lê Bá Phán ở thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Ông Phán thuộc quân của Sư đoàn 7, từng chiến đấu trong vùng địch phun rải chất độc hóa học; cả 5 người con ông Phán bị nhiễm chất độc hóa học nặng, trong đó người con trai đầu bị nặng nhất. Ông Phán phải viết họ, tên từng đứa con mình, địa chỉ và số điện thoại gia đình rồi ép nhựa may vào ngực áo để nếu có đi lạc thì ai đấy còn biết mà báo giùm cho gia đình. Nhiều lần con trai ông lưu lạc tận TP Hồ Chí Minh… Tuy thế, ông Phán vẫn chưa được chứng nhận NNCĐDC. Đến khi ông Kim giữ chức Chủ tịch Hội mới suy xét đề nghị các cấp, các ngành chức năng làm chế độ cho ông. Hiện, ông Phán là NNCĐDC tỷ lệ mất sức lao động 80%, loại 2.

Ông Kim nhớ lại, nhiều máy bay phun chất độc hóa học trên đầu, áo quần ướt thuốc, đơn vị ông phải cấp tốc nhổ lấy củ mì liền không để thấm độc. Hành quân dưới rừng, đêm xuống lòng suối nước thối, bộ đội phải lật đá lên để lấy nước đem về nấu cơm. Cơm nấu chín màu đen thui vẫn phải ăn để có sức mà chiến đấu và đành chấp nhận mọi rủi ro vật vả bệnh tật sau này.

Nhiều gia đình nạn nhân sinh con ra như cục thịt, mặt không ra người nằm lăn lóc rất đau lòng. Thảm họa da cam không thể nói hết, mắt không nhìn thấy mà trong không khí, cây rừng. Thảm họa da cam mới chỉ thấy và biết trước mà còn tiềm ẩn rất nhiều...

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, các cấp hội đã vận động ủng hộ Qũy Nạn nhân chất độc Da cam, gồm tiền mặt và vật chất) tổng trị giá hơn 1.555 tỷ đồng. Riêng năm 2019 đã vận động được hơn 355 tỷ đồng. Số tiền đó đã dùng để hỗ trợ xây, sửa chữa nhà tình nghĩa, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân… Hình thức chăm sóc, giúp đỡ ngày càng đa dạng, hiệu quả”.

“Công tác đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân được thực hiện đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ. Chính phủ Mĩ đã công nhận về tác hại to lớn, nghiêm trọng của chất độc hóa học mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh.

Nhận thức sâu sắc về hậu quả của chất độc hóa học đối với môi trường, sức khỏe con người, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Hằng năm Nhà nước đã chi hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ chính sách cho người có công trong đó có NNCĐDC. Đặc biệt, ngày 14-5-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Đây là một chỉ thị mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với NNCĐDC Việt Nam.

Những cán bộ lãnh đạo kế tiếp.

Noi gương ông Bùi Xuân Kim, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp đã đồng tâm, đồng lòng gánh vác trách nhiệm chăm lo NNCĐDC trên nhiều phương diện như tặng quà, xây tặng nhà tình nghĩa, tặng bò giống, khoan giếng, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Phối hợp chặt chẽ với Hội CTĐ tặng quà, tặng xe lăn, tổ chức nhiều đoàn y, bác sĩ khám bệnh cho nạn nhân ở từng địa phương, kể cả vùng sâu. Nhiều cán bộ lãnh đạo Hội NNCĐDC/dioxin trong tỉnh tận tâm với công việc chăm lo sức khỏe, đời sống kinh tế nạn nhân bằng những hành động thiết thực nhân văn nghĩa tình. Điển hình: ông Bùi Văn Thành - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh; Bà Nguyễn Thị Thuận - Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh; Ông Lê Lý Trịnh - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thị xã Phước Long; Ông Đoàn Văn Vẽ - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Bù Đăng; Ông Hồ Viết Trung - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Phú Riềng; Bà Nguyễn Thị Kim Cúc - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Chơn Thành; Ông Trương Hồng Thắm - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Bù Gia Mập; Ông Hồ Nam - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Hớn Quản; Ông Nguyễn Quốc Trị - Chủ tịch Hội NNCĐDC thị xã Bình Long; Ông Nguyễn Văn Thấu - Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Đồng Phú.

Ông Bùi Văn Thành - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh tặng quà NNCĐDC ở thôn 2, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng.

Những năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Bình Phước đã vận động các tổ chức và cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ nạn nhân gần 9 tỷ đồng. Hội đã xây dựng mới được 60 nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá từ 50 - 60 triệu đồng; khoan nhiều giếng nước sạch trong mùa khô hạn, giúp vốn chăn nuôi bò sinh sản giúp đỡ NNCĐDC.

Bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Bình Phước, cho biết: Nhân dịp Tết Tân Sửu 2021, UBND tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ cho nạn nhân đặc biệt khó khăn 200 phần quà, mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng. Các cấp Hội toàn tỉnh đã chủ động vận động giúp đỡ nạn nhân là 2.930 phần quà, trị giá quy thành tiền 1.260.000.000 đồng. Huyện, Thị hội làm tốt công tác vận động chăm lo cho NNCĐDC là huyện, thị Hội Phước Long, Bình Long, Phú Riềng,… với mỗi phần quà trị giá từ 500.000 đến 600.000 đồng.

Ông Hồ Viết Trung (người đứng giữa), Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Phú Riềng trao tặng bò cho NNCĐDC ở xã Long Bình, huyện Phú Riềng.

Đến nay, có trên 1.057 nạn nhân đang hưởng chế độ chính sách, không còn ai phải ở nhà tạm bợ, dột nát. Đời sống được ổn định, nhiều nạn nhân vượt lên chính mình, làm ăn khá đã giúp đỡ lại nạn nhân còn khó khăn hơn, như cho mượn tiền làm vườn (số tiền tổng cộng lên đến 100 triệu đồng) không tính lãi và còn tham gia vận động quyên góp giúp đỡ gia đình chính sách khó khăn, điển hình như nạn nhân Lê Bá Phán… Nhiều cá nhân tiêu biểu không ỷ vào chính sách mà tự lực, tự cường lao động phát triển kinh tế, đồng thời tham gia công tác Hội, điển hình như nạn nhân Nguyễn Thị Lưỡng ở xã Thuận Phú (Đồng Phú). Bà Lưỡng còn bị thương ở chân phải (hiện đi khập khiễng) khi tham gia lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ. Còn nhiều tấm gương điển hình của NNCĐDC vượt khó khác ở tỉnh Bình Phước.

Chăm lo đời sống NNCĐDC, không thể không kể đến các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, điển hình như vợ chồng ông bà Phạm Công Trường, Nguyễn Thị Hồng Tươi - lãnh đạo Công ty B58 và gia đình đã trao tặng hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn phần quà và xây tặng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho NNCĐDC. Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Bình Phước đã nhận tài trợ xây hàng chục căn nhà tình nghĩa cho NNCĐDC. Sư cô Thích nữ Tịnh Trang (Chùa Liên Trì xã Bom Bo, huyện Bù Đăng ủng hộ NNCĐDC 1,3 tỷ đồng…). Còn nhiều đơn vị, cá nhân khác trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã, đang và sẽ đăng ký sẵn lòng chia sẻ giúp đỡ NNCĐDC với nhiều hình thức thiết thực.

Ông Bùi Văn Thành (giữa), Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Bình Phước tặng quà cho một cán bộ lão thành cách mạng là NNCĐDC ở khu phố 3, phường Long Thủy, thị xã Phước Long.

Nguyễn Duy Hiến

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác