• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

BÀI DỰ THI: Như hoa Hướng dương

BÀI DỰ THI: Như hoa Hướng dương

Vào một ngày thu tháng 8 trong trẻo, mát lành, chúng tôi có dịp tới Trường THCS Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa tìm gặp thầy giáo Đào Thanh Hương - Nạn nhân chất độc da cam. Đứng lặng bên khung cửa sổ, nhìn người thầy giáo chỉ có 1 tay và không có đôi bàn chân đang say sưa giảng bài cho các em học sinh, mắt tôi bỗng ướt nhòe… Nhìn lũ học trò ngây thơ nơi miền biển nghèo đầy nắng và gió dõi theo từng lời giảng của thầy Hương, chúng tôi dường như quên đi nhịp chảy của thời gian.

Nén chặt cảm xúc, chờ giờ học kết thúc, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với thầy giáo “vượt lên nỗi đau da cam” Đào Thanh Hương và các em học sinh nơi đây. Khi được hỏi về người thầy của mình, em Đặng Kim Tiến, lớp 9A - Trường THCS Đa Lộc cho biết: “Em được học với thầy từ khi bước vào trường trung học. Thầy rất tận tình đối với bọn em”. Còn em Bùi Ngọc Tín, học sinh lớp 9A- Trường THCS Đa Lộc kể về thầy của mình với sự kính trọng: “Tuy thầy có hoàn cảnh khó khăn nhưng thầy đã vượt lên tất cả trở thành giáo viên đứng trên bục giảng dạy cho chúng em”.

Thầy giáo Đào Thanh Hương cho biết: Bố anh là bộ đội, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường Quảng Trị, mẹ là giáo viên tiểu học. Lọt lòng mẹ, anh chỉ nặng 1,7kg, không có một bàn tay và đôi bàn chân. Tuổi thơ của anh trôi đi với biết bao thiếu thốn, tủi hờn. Anh không được nô đùa thỏa thích, trèo cây hái quả hay thả mình xuống dòng sông quê hương trong những ngày hè oi nắng hoặc lang thang trên bãi biển lộng gió như biết bao bạn bè cùng trang lứa. Lớn lên một chút, khi ý thức được nỗi bất hạnh, tật nguyền, anh đã rất mặc cảm tự ti. Anh luôn lẩn tránh ánh mắt thương hại của mọi người.

Mặc dù mang trong mình chất độc da cam/dioxin, thường xuyên chịu nỗi đau đớn giày vò nhưng đôi mắt của Đào Thanh Hương luôn lấp lánh hy vọng về tương lai tươi sáng. Anh cho biết: “Quê tôi là vùng ven biển có những đồi cát rất nóng, trường thì ở xa. Vì thế, tôi gặp phải khó khăn rất lớn là vượt qua những đồi cát bỏng rát để đến trường tìm con chữ”.

Thông minh, cần cù cùng tinh thần vượt khó đã giúp Đào Thanh Hương đạt được những kết quả cao trong học tập. Suốt 12 năm tiểu học và phổ thông, anh liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Anh đã đạt nhiều giải ba, giải khuyến khích học sinh giỏi môn Văn cấp huyện, cấp tỉnh. Ngoài ra, anh còn là một cây thơ, cây truyện ngắn nổi tiếng của trường, của địa phương. Cái tên Đào Thanh Hương thực sự quen thuộc với một số tờ báo như: Hoa học trò hay tập san Phấn thông vàng…Năm học lớp 12, anh đạt giải C toàn quốc “Cuộc thi thơ văn tuổi học trò”.

Tốt nghiệp THPT, Đào Thanh Hương quyết định thi vào Trường Cao đẳng sư phạm Thanh Hóa với ước muốn mang những kiến thức mà mình đã lĩnh hội được truyền đạt tới các em học sinh thân yêu trên đất nghèo Đa Lộc. Thế nhưng, khi thi đỗ đúng nguyện vọng của mình, khăn gói lên thành phố nhập học, anh lại không được nhà trường tiếp nhận. Dù vậy, anh vẫn không chùn bước. Thầy giáo Đào Thanh Hương bồi hồi kể lại:“Những người làm công tác tuyển sinh nhà trường đã không tiếp nhận tôi. Sau đó, tôi đã viết đơn gửi Sở GD - ĐT Thanh Hóa và Ban giám hiệu Trường Cao đẳng sư phạm Thanh Hóa để xin được học”.

Được nhận vào học, anh đã nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi, trở thành một điển hình về tinh thần hiếu học của toàn khoa, toàn trường. Anh liên tục đạt học bổng của trường, của Hội Liên hiệp các hội khoa học Thanh Hóa.

Tốt nghiệp loại xuất sắc, anh được nhận về công tác tại mảnh đất nơi mình đã từng sinh ra và lớn lên - Trường THCS Đa Lộc. Ban đầu đứng trên bục giảng cầm viên phấn trắng viết lên ước mơ, hoài bão cho các em học sinh, người thầy giáo da cam tật nguyền thật sự hạnh phúc nhưng cũng gặp không ít buồn tủi. Anh nói: “Khó khăn lớn nhất là một bộ phận học sinh chưa mạnh dạn tiếp nhận thầy, một số phụ huynh chưa tin tưởng giao con của họ cho mình”.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, thương yêu học sinh như chính con đẻ của mình, dần dần anh đã được các em học sinh và phụ huynh đón nhận. Được phân công giảng dạy 2 môn là Ngữ văn và Lịch sử, anh luôn cố gắng hết mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh luôn xem học sinh là trung tâm và thầy giáo chính là người định hướng, người hướng dẫn. Đặc biệt, đối với môn Ngữ văn, anh gieo vào lòng các em lòng yêu thích văn chương, yêu quê hương, đất nước qua từng giờ giảng.

Thầy giáo Đào Thanh Hương đang giảng bài

Không chỉ dạy các em kiến thức trong sách vở, kỹ năng sống, thầy giáo Đào Thanh Hương còn là người cha, người anh, người bạn đồng hành cùng với các em. Có những em được anh dạy thêm miễn phí hay cho vay tiền học phí, mua máy tính trong suốt thời gian học Đại học. Trong số học sinh của thầy, có anh Vũ Văn Trung - một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, được thầy giúp đỡ. Hiện nay, Trung đang công tác tại Công an huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Trung cho biết: “Trước đây, nhà tôi rất nghèo. Trong quá trình học tại trường THCS Đa Lộc, tôi đã được thầy Đào Thanh Hương dạy dỗ. Ngoài học buổi chính, những buổi rảnh, thầy lại gọi chúng tôi tới kèm cặp. Bây giờ, tôi đã có công ăn việc làm ổn định, tôi thật sự biết ơn thầy”.

Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy giáo Đào Thanh Hương đã có hàng trăm học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp huyện các môn Ngữ văn, Lịch sử. Anh là người tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu do Trung ương và địa phương tổ chức, đồng thời thường xuyên viết sáng kiến kinh nghiệm. Năm 1999, anh được bầu là 1 trong 21 gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa. Năm 2007, anh được Tỉnh đoàn chon là 1 trong 16 gương mặt Đoàn viên ưu tú học tập và làm theo lời Bác. Anh cũng được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì là NNCĐDC đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm tham gia công tác xã hội. Ông Nguyễn Văn Tín - Hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc, Hậu Lộc cho biết: “Thầy Đào Thanh Hương có tư tưởng rất tốt, vượt lên chính bản thân mình. Thầy là một giáo viên giỏi”.

Được biết, thầy Đào Thanh Hương đã cùng với vợ là cô Trần Thị Hương thành lập quỹ khuyến học gia đình, giúp đỡ các em học sinh nghèo trên quê hương. Cô Trần Thị Hương cho biết: “Vợ chồng tôi thường dành tiền lương giúp đỡ các em học sinh, khi thì tập vở, khi thì cái bút hay dạy thêm cho các em không lấy tiền. Có những học sinh học đại học không có tiền đóng học phí hay mua máy tình thì vợ chồng tôi cho các em vay”.

Là NNCĐDC, cơ thể khiếm khuyết tật nguyền nhưng thầy giáo Đào Thanh Hương luôn “như hoa Hướng dương” hướng về mặt trời, hướng về tri thức của nhân loại, về tương lai tươi sáng. Chất độc da cam đã lấy đi của anh một bàn tay, đôi bàn chân và sức khỏe, nhưng nghị lực phi thường đã cho anh niềm hạnh phúc bên các em học sinh và một mái nhà ấm áp yêu thương. “Cho đi là nhận lại”, thầy giáo Đào Thanh Hương đang hằng ngày, hằng giờ thắp sáng lên tình yêu cuộc sống, tinh thần ham học của những học sinh nghèo vùng biển Đa Lộc đầy nắng và gió.

Tác giả gặp trực tiếp, trao đổi với thầy giáo Đào Thanh Hương

Trong cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”, thông qua nhân vật Pavel Korchagin, nhà văn Nga Nikolai Alekseyevich Ostrovsky có viết: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí ”. Người thầy bị nhiễm chất độc da cam Đào Thanh Hương dẫu tật nguyền nhưng anh đã nỗ lực vượt qua tất cả và đang sống một cuộc đời đầy ý nghĩa./.

Tường Vân

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Chuyến đồng hành vì công lý cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

    Tiếp tục hành trình vận động ủng hộ, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Đoàn VAVA với một ngày làm việc dày đặc hoạt động, di chuyển vừa dài và vất vả từ Paris (Pháp), đến Bruxelles (Bỉ),  bằng mấy loại phương tiện giao thông công cộng để hạn chế chi phí, nhưng kết quả đạt được đã động viên tinh thần chúng tôi thật nhiều ... ...