• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Bản vắng những chàng trai cô gái

Bút ký Xưa Huồi Thơi có tên gọi là Huồi Xan, con suối chảy vòng quanh chân núi, ôm ấp bản Tùng Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An. Có năm lũ lên, nước Huồi Thơi ngập cả cánh đồng ít ỏi mà dân bản dành để cấy lúa. Mặc dầu vậy, nhưng Huồi Thơi vẫn luôn là cảm hứng của những điệu lăm, nhuôn, xuối, của người Thái và người Tày Pọng nơi đây. Huồi Thơi cũng là nguồn cảm xúc để những người con đi xa bản luôn nhớ và muốn về.
Bản chỉ có người già và trẻ em

Cô gái trẻ đang xúc cá bên bờ suối. Em có dáng người dong dỏng cao, gương mặt thanh thoát, tóc ngắn chớm vai, màu tóc ánh vàng, da trắng, cứ nghĩ em không phải người bản này. Em cho biết, tên Ngà sinh năm 1997. Ở cái bản này mà gặp được một người trẻ là chuyện hiếm hoi. Em bảo, mới trở về từ thành phố. Ngày đó, cưới chồng xong, Ngà được chị họ chồng đưa về thành phố xin làm việc tại một công ty tư vấn tài chính. Nghề không mấy vất vả, chỉ cần quen mấy thao tác cơ bản trên máy tính, rồi hàng ngày giao dịch cho vay đối với sinh viên thì lương tháng cũng được dăm triệu. Ngà bảo, còn hơn ở nhà, không biết làm gì kiếm ra đồng tiền, lên rừng hái củi hái măng cũng chẳng biết bán cho ai, vì ra trung tâm xã cũng hết nửa buổi đi xe máy. Mấy năm đầu công việc còn suôn sẻ, nhưng khi chính quyền quản lý chặt nạn cho vay lãi cao của một số công ty tài chính tư nhân thì Ngà gần như thất nghiệp. Đúng lúc ấy, anh rể chồng chuyển Ngà vào đảm nhiệm công việc tại một cơ sở chân rết ở Huế. Hôm ấy anh trai của anh rể chồng, là quản lý cơ sở, nhiệt tình ra đón Ngà tận bến xe, sau đó đưa Ngà đi ăn đêm, rồi còn lái xe lòng vòng quanh bờ sông Hương thơ mộng, ngắm cảnh cố đô về đêm… Ngà nghĩ chắc mình ở hiền gặp lành, được chăm sóc tận tình nên cảm giác cô đơn xa nhà, xa chồng nhanh chóng dịu vơi. Em được thư giãn, bù đắp cho tuổi thơ lam lũ nơi bản vắng. Đêm ấy, đang thiu ngủ, bỗng một thân hình đàn ông với mùi mồ hôi lạ ấp lên ngực, làm Ngà sực tỉnh, cô đạp mạnh hắn ra khỏi giường, rồi vụt chạy vào nấp trong nhà kho, run rẩy. Gã đàn ông lúc chiều dịu ngọt, “anh chỉ trêu em thôi mà, đừng sợ”. Nhưng Ngà khóc, ngồi thụp trong góc nhà. Hắn lại gần dỗ dành, Ngà nghĩ chắc hắn xấu hổ với cử chỉ thô bạo nên cô trở lại phòng ngủ. Lúc này, Ngà cẩn thận hơn, bấm chốt cửa rồi mới ngủ tiếp. Nhưng gần sáng, gã đàn ông ấy có chìa khóa riêng, hắn lại mò vào với Ngà. Hai cánh tay lực lưỡng và thân hình nặng của hắn làm Ngà gần như ngạt thở. Sau cái đêm hôm ấy, đêm nào Ngà cũng khóc một mình. Cảm giác tủi hổ ê chề, nhưng nếu về bản thì lấy đâu thu nhập để nuôi con, nuôi mẹ già.

Đó chỉ là một trong những câu chuyện mà tôi nghe được ở ngôi bản nơi vùng cao biên giới. Đó là chưa kể những chàng trai cô gái đi theo những đường dây cò mồi, rủ rê vượt biên sang tận Trung Quốc, Lào, Thái Lan, mỗi người một số phận. Người gặp may mắn ít hơn người rủi ro. Vài năm lại nay còn rộ lên tại xã Hữu Kiệm và xã Chiêu Lưu của huyện Kỳ Sơn, có hàng chục phụ nữ kéo nhau sang Trung Quốc bán bào thai, có chị đã bỏ mạng mà không thể đưa xác về. Ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch xã Hữu Kiệm cho biết, trong 3 năm, xã ông có 22 phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai. Công an Nghệ An tổng hợp, vài năm nay, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn Nghệ An, nhất là tại các huyện miền núi tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Toàn tỉnh Nghệ An hiện còn 263 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương, nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Riêng huyện biên giới Kỳ Sơn có 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai sang Trung Quốc đẻ; trong số đó lực lượng Công an đã xác minh làm rõ 6 trường hợp sau khi sinh con đã bán lại bên Trung Quốc, mỗi trường hợp từ 80 đến 140 triệu đồng; các trường hợp còn lại do thường xuyên vắng mặt tại địa phương nên chưa thể xác minh, làm rõ được. Tôi còn ghi được những câu chuyện, nhiều cô gái trẻ bị bán cho chủ chứa, rồi chủ giữ luôn hộ chiếu không cho nạn nhân ra ngoài, sau đó chúng báo cảnh sát bắt giam nạn nhân với lí do nhập cảnh trái phép. Rồi chủ chứa với chiêu bài rủ lòng thương, đi chuộc nạn nhân, nhưng cam kết phải tuân thủ, ngoan ngoãn nghe lời thì mới chuộc ra khỏi nhà tù xứ người…

Đồn biên phòng Tam Quang điểm tô thêm bức tranh của núi rừng biên giới

Tôi nhìn qua cánh đồng, bên kia là Đồn biên phòng Tam Quang, khuôn viên đồn rực sáng, điểm tô thêm bức tranh của núi rừng biên giới. Bên này là ngôi nhà ông Lô Quốc Tuấn, già bản Tủng Hương, ông đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Từng là Bí thư Chi bộ của bản, nên ông nắm rất rõ lai lịch của bản. Ông Tuấn có dáng người rắn chắc. Khuôn mặt ông sạm nắng, khắc khổ, trông ông giống như một cựu chiến binh về bản. Ở cái tuổi ông, đáng ra phải được nghỉ ngơi, thụ hưởng, nhưng từ ngày cả 4 người con đi làm ăn xa thì mọi việc nhà, việc bản đều đến tay ông. Bản Tủng Hương, nhà nào cũng dựng cột gỗ kê, mái ngói, hoặc mái tôn vững chãi. Ông Tuấn cho biết, bản đã được công nhận là “làng văn hóa” đầu tiên ở huyện Tương Dương. Thế nhưng, những ngả đường trong bản sáng trắng ấy có cảm giác lạnh vắng, vì rặt không một bóng một chàng trai cô gái.

Quốc Khánh (còn nữa)

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm công tác hội của 26 tỉnh, thành Hội phía Bắc, năm 2024

    Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm công tác hội của 26 tỉnh, thành Hội phía Bắc, năm 2024

    Ngày 27/3, Hội NNCĐDC/dioxin 26 tỉnh, thành phía Bắc đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác hội tại tỉnh Hải Dương. Dự hội nghị có: Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch TWH; ông Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương; ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ...