• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Bố mất sớm, mẹ và em gái tâm thần, mong được giúp đỡ để em trai không bị thất học

Trước khi mất, người cha chỉ kịp nói "tao mà chết thì mày khổ", rồi từ đó Hiển nghỉ học, bước về phía trước mà không còn cha, giờ đây mẹ và em gái lại bị tâm thần...

MẸ VÀ EM GÁI TÂM THẦN, CHÀNG TRAI CƠ CỰC TRĂM BỀ NHƯNG NHẤT ĐỊNH KHÔNG ĐỂ EM BỎ HỌC

Nguyễn Văn Hiển (SN 1994) ở đội 14, Yên Lộc, Ý Yên, Nam Định lớn lên trong gia đình thuần nông. Cậu có một người em trai và một em gái. Quá khứ và hiện tại của Hiển là chuỗi ngày buồn, u ám tới mức không có lối ra.

Hiển nhớ như in ngày bố của em mất - 26/4/2011. Khi đó Hiển đang học lớp 12. Đó là ngày như bắt đầu cho những buồn bã, tăm tối, khó khăn của cả gia đình.

"Hôm đó trời nắng, bố em đi thồ lúa. Em đi học về còn đạp xe lên phụ bố. Bố bảo thôi, để bố chở nốt. Buổi tối hôm đấy, bố em đột nhiên kêu đau đầu, rồi chân tay tê liệt không cử động được nữa. Em xoa bóp chân tay, hỏi bố thấy thế nào, bố em chỉ nói một câu 'tao chết thì chúng mày khổ', rồi bố em mãi mãi không tỉnh lại nữa", Hiển nhớ lại.

17 tuổi, cậu học trò nghèo phải tự bắt xe đưa bố đi viện cấp cứu, rồi chính em lại nén đau vuốt mắt cho bố.

Bố mất sớm, mẹ vừa sinh em bé, em gái thì còn nhỏ, Hiển đành nghỉ học để đi xây, kiếm tiền phụ giúp mẹ.

Thế nhưng khổ đau chẳng buông tha. Sau khi người cha mất gần 2 năm thì em gái của Hiển là Nguyễn Thị Hằng (SN 1997) bỗng mắc bệnh tâm thần phân liệt.

Hàng ngày, Hiển vừa đi làm kiếm tiền, vừa phải về chăm em gái nằm điều trị ở Bệnh viện tâm thần Nam Định.

Vừa rồi, Hiển đang đi xây ở Hà Nội thì người dì ruột từ quê nhà báo tin dữ lên.

"Dì gọi cho em, bảo mẹ bị ốm không ăn được. Em bỏ hết công việc lại, xin nghỉ để về đưa mẹ đi khám. Bác sĩ kết luận, mẹ bị thần kinh hoang tưởng".

Hai mẹ con chị Bùi Thị Thúy (SN 1973) và Nguyễn Thị Hằng ( SN 1997) đều bị tâm thần.

Trong bản tóm tắt bệnh án điều trị nội trú từ Bệnh viện tâm thần Nam Định có ghi rõ, bệnh nhân Bùi Thị Thúy (SN 1973, mẹ của Hiển) hay đau đầu, chóng mặt, bực tức, cáu gắt, từng lúc lo sợ, hay đi lại lộn xộn, trốn chạy vào góc nhà, góc bếp.

Bệnh nhân nói một mình không rõ chủ đề, luôn luôn cho rằng có người theo dõi, tìm cách hãm hại mình. Bệnh nhân thường mất ngủ, có khi đêm chỉ ngủ 1, 2 tiếng, giấc ngủ không sâu, ăn uống kém...

"Trong một thời gian nhà em liên tiếp gặp phải những chuyện không vui. Bà nội em bị tai biến rồi mất, sau đó 1 năm bố em cũng đột tử, rồi em gái bị tâm thần, giờ đến mẹ cũng phát bệnh tâm thần", lúc nghe bác sĩ đọc bệnh án của mẹ, Hiển như sụp đổ hoàn toàn.

Công việc thợ xây vất vả, thu nhập chẳng đáng là bao, hiện tại Hiển vừa phải lo tiền thuốc thang cho mẹ và em gái tâm thần, vừa phải lo tiền học cho em trai lớp 8. Chính vì vậy cậu cũng ít về quê, vừa tiết kiệm chi phí đi lại, vừa tranh thủ để kiếm tiền.

Được biết, cậu em út của Hiển là Nguyễn Văn Toàn (SN 2008) khá ngoan, học giỏi, năm nào cũng được giấy khen, thậm chí được học bổng.

Ông Đặng Vũ Khánh - trưởng thôn 14, Yên Lộc: "Gia đình chị Thúy là khổ nhất vùng, nhiều năm nay ai cũng biết rồi. Hiện tại có mình cháu Hiển là lao động chính, vừa phải lo chạy chữa cho mẹ và em gái tâm thần, vừa lo chi phí ăn học cho cậu em út đang học lớp 8".

Nhưng từ khi mẹ bị bệnh, cậu liên tục xin anh trai cho nghỉ học đi kiếm tiền.

"Thằng em út nhiều lúc cũng bảo là, 'hay là em nghỉ học, rồi anh cho em đi phụ hồ cùng anh, chứ nhà mình nghèo quá. Một mình anh vất vả quá'. Nhưng em không thể để nó nghỉ học được, dù thế nào cũng phải học cho đỡ khổ" - Hiển chia sẻ.

Hết giờ học, Toàn về nhà chuẩn bị cơm nước cho chị gái đang bị tâm thần.

NHIỀU LẦN ĐỘNG VIÊN VỢ TÌM HẠNH PHÚC MỚI, VÌ KHÔNG BIẾT BAO GIỜ MỚI HẾT KHỔ

Nói về cuộc sống riêng của mình, Hiển dùng 2 chữ "may mắn" vì có người chịu lấy và giờ hai vợ chồng đã có con gái 2 tuổi.

Dù trước khi đến với nhau, Hiển cũng đã nói hết cho vợ về hoàn cảnh gia đình. Nhưng người vợ khi đó mới là bạn gái rất đồng cảm và thương nên quyết định đi đến hôn nhân.

Vợ Hiển người dân tộc Thái ở Điện Biên xuống Hà Nội đi làm, họ gặp và yêu nhau khi cùng đi xây.

Có lẽ điều áy náy nhất của Hiển là không thường xuyên ở bên cạnh, chăm sóc vợ con được. "Cuộc sống quá vất vả, nhiều lần em cũng bảo vợ em đi tìm hạnh phúc mới, chứ theo em như thế này thì bao giờ mới hết khổ. Lúc hết khổ chắc có lẽ cũng hết đời. Những lúc đó cô ấy im lặng, chả nói gì", Hiển bộc bạch chuyện riêng.

Hiện tại, vợ và con gái của Hiển đang ở nhờ nhà ngoại trên Điện Biên. Dự định của hai vợ chồng là cai sữa xong cho con thì sẽ cùng tìm việc làm ở Hà Nội.

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, Hiển nói nhiều về trách nhiệm của người làm con và làm anh cả trong gia đình. Lúc nào chàng trai này cũng tâm niệm "cố gắng, cố gắng".

"Dù biết con đường phía trước còn rất nhiều vất vả và khó khăn. Nhưng em sẽ cố gắng hết sức có thể để sau này dù có xảy ra chuyện gì đi nữa thì bản thân em cũng không phải áy náy. Chỉ mong em gái có viên thuốc hàng ngày cho đỡ bệnh; mẹ có tiền để điều trị trên viện; em út được tiếp tục đi học".

Ba anh em Hiển, Hằng, Toàn trước ngôi nhà cũ kỹ đã được dựng mấy chục năm trước.

Chúng tôi thành tâm mong mỏi, Hiển cùng mẹ và các em của cậu ấy sẽ hữu duyên, gặp được nhiều người tốt giúp đỡ.

Mọi sự ủng hộ, xin gửi trực tiếp về địa chỉ: Nguyễn Văn Hiển, đội 14, Yên Lộc, Ý Yên, Nam Định.

Số tài khoản: 109876828134. Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Bắc Nam Định. Chủ tài khoản Nguyễn Văn Hiển.

Số điện thoại của Hiển: 0779256676.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...