• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chung tay trợ giúp nạn nhân chất độc da cam vươn lên

Bên cạnh đảm bảo thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ, chính sách theo quy định chung dành cho nạn nhân chất độc da cam, Đồng Nai còn vận dụng các nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân, thân nhân nạn nhân chất độc da cam vươn lên thông qua giúp đỡ tạo việc làm, hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe.

Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, trao thiết bị học tập cho con em nạn nhân chất độc da cam/dioxin vào tháng 1-2022.

Điều này góp phần giúp các nạn nhân chất độc da cam còn khả năng lao động, học tập và người thân của họ có thêm cơ hội hòa nhập cuộc sống, xây dựng kinh tế gia đình, từng bước tự chủ trong cuộc sống.

Trợ giúp tạo việc làm

Theo khảo sát của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có trên 13 ngàn người bị phơi nhiễm dioxin. Trong số này, hiện có trên 8,8 ngàn người còn sống, gồm 3.257 cán bộ kháng chiến, con cán bộ kháng chiến và 5.637 nạn nhân là người dân.

Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, những gia đình có nạn nhân chất độc da cam thường phải cắt cử thành viên túc trực chăm sóc. Mặc dù Nhà nước có chính sách trợ cấp hằng tháng cho nạn nhân chất độc da cam, người chăm sóc nạn nhân, song giá trị vật chất còn hạn chế. Ngoài ra, rất nhiều nạn nhân chất độc da cam còn khả năng lao động hay thân nhân nạn nhân đều mong muốn được hỗ trợ để có công việc phù hợp với hoàn cảnh, để từ đó nạn nhân chất có thể tham gia lao động, thân nhân nạn nhân vừa chăm sóc cho người thân mà vẫn có thể tạo ra thu nhập.

Toàn tỉnh hiện có hơn 5,5 ngàn gia đình có nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong đó có 2,2 ngàn gia đình có 1 nạn nhân; 2,7 ngàn gia đình có 2 nạn nhân; 412 gia đình có 3 nạn nhân; 82 gia đình có 4 nạn nhân và 21 gia đình có 5 nạn nhân.

Xuất phát từ thực tế này, ngoài vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ quà (tiền mặt, thực phẩm) cho gia đình nạn nhân chất độc da cam vào những dịp lễ, Tết, lúc khó khăn đột xuất, các cấp Hội còn xây dựng nguồn quỹ để cho nạn nhân, gia đình nạn nhân vay vốn tự tạo việc làm. Đến nay, mỗi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp xã, phường, thị trấn đang cho từ 3-5 hội viên vay vốn khoảng 5-15 triệu đồng. Riêng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện, thành phố đang trợ giúp vốn cho 99 trường hợp với số tiền trên 1,1 tỷ đồng. Theo đó, tùy vào nhu cầu làm nghề mà số tiền vay từ 2-15 triệu đồng/người. Ngoài ra, các cấp Hội còn hỗ trợ vật nuôi và cây trồng không hoàn lại cho gần 1,1 ngàn lượt hộ có thành viên gia đình là nạn nhân chất độc da cam.

Bà Hoàng Thị Màng (ngụ TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) đang hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin cho hay, thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, bà đã nhiều lần được hỗ trợ vốn để nuôi gà, bò tại nhà. Tiền lời kiếm được giúp bà cải thiện cuộc sống hằng ngày.

Còn ông Lê Thành Công (nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, nhờ số vốn của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, ông có điều kiện để mua máy hàn, máy cắt về nhận hàng sắt tại nhà cho người có nhu cầu, giúp ông có nghề nghiệp riêng cho mình dù thân thể khiếm khuyết.

Thêm cơ hội đến trường cho con em nạn nhân chất độc da cam

Cùng với trao cơ hội việc làm cho nạn nhân, thân nhân nạn nhân chất độc da cam, nhiều hoạt động hỗ trợ con em của nạn nhân trong học tập cũng được thực hiện. Cụ thể như, trong thời điểm học sinh phải học trực tuyến do dịch bệnh Covid-19, nhu cầu sử dụng thiết bị thông minh rất lớn nhưng số tiền bỏ ra để mua sắm không hề nhỏ đối với nhiều gia đình nạn nhân.


Nạn nhân chất độc da cam tại H.Tân Phú được nhận quà nhân kỷ niệm 61 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam. Ảnh: S.Thao
Xuất phát từ thực tế đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động và tiến hành trao tặng 13 máy tính bảng cho học sinh khuyết tật là con em nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại các huyện: Định Quán, Trảng Bom, Long Thành và TP.Biên Hòa.

Trong số những học sinh được trao tặng máy tính bảng có em Lê Phạm Lan Phương (học sinh THPT ở P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Lan Phương chia sẻ: “Cha em là nạn nhân chất độc da cam bị khuyết tật tay chân. Do cha khuyết tật và không có việc làm cố định mà ai thuê gì làm đó nên việc mua máy tính bảng để em đi học là điều không dễ dàng với gia đình. Nhờ cô chú của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vận động mà em có thiết bị học tập kịp thời. Cả nhà ai cũng vui khi em có món quà ý nghĩa dành cho việc học”.

Song song đó, việc trao học bổng cho con em nạn nhân chất độc da cam trở thành hoạt động thường xuyên được các cấp Hội thực hiện. Thống kê cho thấy, hơn 10 năm qua, đã có 1,9 ngàn suất học bổng được trao cho các em học sinh là con, em nạn nhân chất độc da cam. Nhờ những phần học bổng này mà mỗi hoàn cảnh đã thêm thuận lợi để đến trường nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn trong tương lai.

Em Trần Hữu Phúc Nguyên (học sinh THCS ở TT.Long Thành, H.Long Thành) cho hay, cha em là nạn nhân chất độc da cam bị khuyết tật chân. Đời sống gia đình còn khó khăn nên việc được nhận học bổng hằng năm do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trao tặng giúp em cũng như gia đình đỡ được một phần nỗi lo về chi phí học tập, tiếp sức cho em nối dài con đường học tập của mình.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nốt trầm trong sắc xuân

    Nói đến mùa xuân là nói đến thanh âm rộn ràng, sắc màu tươi mới, rực rỡ, rạng ngời của cảnh vật thiên nhiên và con người. Đó là sắc xuân của muôn hoa, là hoa đào thắm đỏ ở miền Bắc, ...