• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Chuyện tình của bạn tôi

Bạn đồng môn Đại học Tổng hợp với tôi, cùng “gác bút nghiên” lên đường đi cứu nước tháng 9/1971. Anh được biên chế vào Tiểu đoàn 14/Sư đoàn 325, làm trinh sát pháo binh, từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972… 
Sau giải phóng Sài Gòn (30/4/1975) chừng được 10 ngày, đơn vị của chúng tôi được lệnh rút ra khỏi thành phố, đóng quân ở ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền, huyện Long Thành, tỉnh Long Thành (cũ) với nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài thành phố Sài Gòn mới giải phóng. Tiểu đội chúng tôi có 10 người, được bố trí ở nhờ nhà dân. Anh là tiểu đội trưởng, cùng 4 chiến sĩ chúng tôi ở nhà ông cụ tên Hưng. Nhà cụ rất rộng, 5 gian lợp ngói, tường xây, nền lát gạch. Sống trong nhà chỉ có 5 người là hai vợ chồng cụ Hưng, hai cháu nội còn nhỏ và một cô con gái út trông khá xinh, khoảng 20 tuổi, tên là Thương Thương. Cô là sinh viên năm thứ 2, khoa Hóa-Sinh, trường Đại học Tự nhiên Sài Gòn. Kinh tế gia đình cụ Hưng thuộc loại khá trong ấp, vườn quanh nhà khá rộng, trồng nhiều loại cây ăn trái như bưởi, chôm chôm, măng cụt, mít tố nữ, sapuchê… Cây nào cũng trĩu quả.
Buổi trưa và buổi chiều, năm anh em thường ra vườn cây, mắc võng nằm đung đưa. Nhìn những chùm chôm chôm chín đỏ, mọi người thèm lắm nhưng không dám hái ăn vì sợ vi phạm chính sách dân vận của quân đội. Dưới bóng cây râm mát, chúng tôi thường hát nghêu ngao vài bài, và giấc ngủ trưa đến lúc nào không hay.
Cụ Hưng rất quý mấy anh em bộ đội chúng tôi, luôn chuyện trò vui vẻ. Một hôm, cụ Hưng ra vườn gặp chúng tôi đang nằm võng đung đưa, cụ hỏi: Thằng Tư (anh bạn tôi thứ tư theo cách gọi của người miền Nam) và mấy chú bộ đội không biết ăn trái cây à? Dạ! chúng con ăn được chứ ông Hai - Anh bạn tôi trả lời. Thế sao mấy hôm rày, Qua không thấy mấy đứa tụi bay hái ăn? Dạ! chưa được ông Hai cho phép nên chúng con chưa dám hái. Hèn gì! Qua cho mấy chú bẻ ăn thoải mái đấy, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ.
Nói rồi, cụ với tay bẻ mấy chùm chôm chôm chín đỏ, bỏ lên võng cho chúng tôi ăn. Từ đó, ngày nào trên bàn cũng có trái cây cụ hái để sẵn dành cho chúng tôi. Đi huấn luyện về đang đói, có trái cây ăn thì thôi rồi… Tôi nhớ mãi hương vị từng loại trái cây trong vườn nhà cụ. 
Một hôm, Thương Thương đưa cho anh bạn tôi một quyển sổ tay màu xanh, cô rụt rè nói: Nghe các anh bộ đội nói, anh Tư trước đây là sinh viên Văn khoa, chắc là thuộc nhiều thơ lắm. Em nhờ anh chép cho em một số bài thơ cách mạng. Em rất thích đọc thơ. Được người đẹp nhờ một việc “đúng sở trường”, anh bạn tôi khoái lắm. Anh vốn mê văn chương từ nhỏ. Trong những năm học phổ thông và năm thứ nhất khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh đã thuộc khá nhiều thơ.
Trong 4 ngày liền, lúc nào rảnh là anh lại ngồi vào bàn chép thơ vào cuốn sổ tay của nàng. Trang đầu tiên, anh lấy bút chì màu vẽ một bông hoa hồng đỏ tươi và hai chiếc lá xanh biếc, rồi nắn nót viết dòng chữ: “Thơ cách mạng, thân tặng Thương Thương”. Bài đầu tiên anh chép là bài “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn, tiếp đến là bài “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ, “Núi đôi” của Vũ Cao, “Vườn trong phố” của Lưu Quang Vũ, “Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng” của Chế Lan Viên, “Gửi em cô thanh niên xung phong” của Phạm Tiến Duật… Sau khi trao lại cuốn sổ tay, đêm hôm đó đèn trong phòng Thương Thương không tắt. Sáng ra, mọi người thấy mắt nàng đỏ hoe… Anh bạn tôi hỏi: Bị bệnh hay sao mà mắt Út đỏ vậy? Thương Thương cúi đầu e thẹn, lí nhí trả lời: Tối qua đọc những bài thơ anh chép cho, càng đọc càng hay, nhiều bài cảm động quá, em không cầm được nước mắt nên khóc cả đêm. Trước đây, nghe chính quyền “ông Thiệu” tuyên truyền, em cứ tưởng những người lính Cộng sản, anh nào cũng gầy đen, ít học, tâm hồn khô cứng. Em thật không ngờ, thơ cách mạng hay thế, lãng mạn thế, hình tượng người chiến sĩ cách mạng hiện lên cao đẹp thế. Em cứ đọc đi đọc lại bài thơ “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn và bài “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ. Cuộc chia ly trước giờ ra trận của những người lính cách mạng và những người con gái ở lại hậu phương trong thơ xúc động quá. Nước mắt cứ ứa ra mãi.
Từ đó Thương Thương thân thiết hơn với các anh bộ đội, nhất là với bạn tôi. Anh bạn tôi hay hát, giọng ấm và thuộc khá nhiều bài hát nên có dịp là chàng lại trổ tài ngay, hết “Nổi lửa lên em” đến “Chào em cô gái Lam Hồng”, lại đến “Sợi nhớ sợi thương”… Có lúc năm anh em lại hòa giọng hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” rất vui nhộn, phục vụ Thương Thương hết mình.
Sau đó, đơn vị của chúng tôi chuyển lên đóng quân tại căn cứ huấn luyện Nước Trong, gần ngã ba Thái Lan, cách Bến Sắn chừng 50 km. Chủ  nhật nào Thương Thương cũng chạy xe máy, mang một giỏ trái cây lên thăm bạn tôi.
Được tin anh bạn tôi chuẩn bị ra miền Bắc an dưỡng và cho xuất ngũ trở về trường cũ học tiếp, Thương Thương chạy xe lên đơn vị nói là ba mẹ mời anh bạn tôi và chúng tôi về ấp ăn bữa cơm thân mật chia tay. Mặt Thương Thương buồn rười rượi. Trên đường về nhà, nàng liên tục hỏi bạn tôi có chắc chắn ra Bắc không? Ngày nào lên đường? Hà Nội có xa không, cách Sài Gòn bao nhiêu km…?
Bữa cơm thân mật có mặt hai cụ, gia đình người anh trai thứ ba, gia đình người chị gái thứ tư và cô út Thương Thương. Uống vài chén rượu, cụ Hưng vốn người miền Nam bộc trực đã hỏi thẳng bạn tôi:
- Thằng Tư, mày biết không? Mấy hôm rày nghe tin mày được đơn vị  cho ra Bắc, con Út nó buồn và cứ khóc hoài. Nó thương mày thiệt đó Tư! Qua nói thật, nếu mày cũng thương nó và không chê nhà qua nghèo thì xin đơn vị ở lại miền Nam tiếp tục công tác, Qua gả con Út cho!
Nghe ba nói thế, Thương Thương xấu hổ, bỏ chạy vào phòng. Còn bạn tôi thì ngồi như trời trồng, không biết nói sao…
Sau một hồi trấn tĩnh, anh bạn tôi cũng cố gắng nói được mấy lời: Thưa hai bác và các anh, các chị! Con rất cảm động trước tình cảm của gia đình và em Út dành cho con. Nhưng kính mong hai bác, các anh, các chị và em Út thông cảm và tha thứ cho con. Vì ước nguyện lớn nhất lúc này của con là được ra Bắc và trở về trường cũ tiếp tục học đại học. Con còn trẻ, chưa muốn lấy vợ sớm!
Tuy rất buồn, nhưng cụ Hưng vẫn nói với bạn tôi: Thằng Tư nói thế thì qua chịu, để mày ra Bắc học hành cho tròn sự nghiệp. Còn chuyện con Út, sau này hẵng tính. Ra ngoài Bắc, nhớ viết thư về đều nghe con! Chúng tôi chào gia đình về đơn vị. Thương Thương ôm gối khóc trong phòng. Bạn tôi không dám gặp nàng để chia tay, ra đi mà lòng nặng trĩu. 
Ra miền Bắc, anh có viết mấy lá thư về ấp Bến Sắn, nhưng không có hồi âm. Chắc thư bị thất lạc. Thời gian trôi nhanh, bạn tôi trở thành phóng viên mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc. Mãi đến năm 1986 mới có dịp về thăm lại chốn xưa. Được láng giềng cho biết, hai vợ chồng cụ Hưng đều đã mất. Anh con trai thứ ba của hai cụ được thừa kế nhà cửa đất đai nhưng đã bán cho người ta lấy vốn liếng vào Tây Đô làm ăn. Sau này, các trường đại học phía Nam được mở lại, Thương Thương theo học tiếp và đã tốt nghiệp. Cô đã nên duyên vợ chồng với một sỹ quan quân đội biệt phái học cùng khoa. Thương Thương đã cùng chồng tham gia Dự án tẩy rửa chất độc da cam/dioxin.
Gần đây bạn tôi bị bệnh, đi khám phát hiện bị nhiễm chất độc hoá học trong thời gian chiến đấu ở Quảng Trị.
Ôn lại chuyện tình của mình, anh bạn tôi bùi ngùi tâm sự: “Cuộc đời là hữu hạn, chỉ biết rằng chúng tôi từ những năm xa xôi trong vòng đời hữu hạn ấy đã có những khoảnh khắc giao thoa tình yêu xiết bao ấm áp và hạnh phúc. Chỉ thế thôi là đủ”.  

                        Đại tá Nguyễn Thế Vị

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    EVN thực hiện tốt công tác chuyển đổi số

    EVN thực hiện tốt công tác chuyển đổi số

    Theo thông tin của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vào đầu tháng 2/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước đạt kết quả tốt nhất về chuyển đổi số doanh ...
    Ký ức tháng tư

    Ký ức tháng tư

    Tháng bảy năm 2025 này, ông tròn 78 tuổi, cái tuổi xế chiều của một đời người, nhưng với ông thì đầu óc vẫn rất minh mẫn, phong thái thì vẫn như ngày còn quân ngũ. Đó là Thiếu tướng Trần Ngọc ...