• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Cựu chiến binh vượt khó từ đói nghèo và bệnh tật

Ngày cầm quyết định ra quân trên tay, cũng là ngày cựu chiến binh Hoàng Văn Trượng trở về quê lập nghiệp. Sau 20 năm kể từ khi xuất ngũ, dù gặp nhiều gian nan lận đận, thậm chí có lúc đứng giữa làn ranh sinh tử, nhưng với bản lĩnh kiên cường được rèn luyện trong môi trường quân đội, ông đã vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, trở thành Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế và xây dựng Việt Hoa (TP Hà Nội), là công dân mẫu mực, có nhiều đóng góp đáng kể cho sự phát triển của địa phương và làm giàu cho gia đình.

Những tháng ngày gian khó

Một ngày đầu hạ, chúng tôi tìm về thôn Bộ Đầu, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín (TP Hà Nội), gặp cựu chiến binh (CCB) Hoàng Văn Trượng. Ấn tượng đầu tiên của tôi là một người đàn ông, dáng gầy guộc nhưng cứng cáp, đôi mắt sáng, giọng nói trầm ấm, giản dị đúng chất người lính Cụ Hồ.

Trao đổi với chúng tôi, CCB Hoàng Văn Trượng cho biết, tháng 9- 1982 khi vừa tròn 20 tuổi ông nhập ngũ, tham gia huấn luyện ở Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3). Thời gian sau đó, ông chuyển về Trung đoàn 52 cũng thuộc Sư đoàn 320, rồi đến năm 1986 thì ra quân.

Theo CCB Hoàng Văn Trượng, những ngày đầu trở về quê hương, ông có cảm giác hụt hẫng và bâng khuâng vì phải xa anh em, đồng đội. Trong khi đó, gia đình ông lại vô cùng khó khăn về kinh tế. Bố mẹ già yếu, chỉ có mình ông là con trai duy nhất, nên mọi trách nhiệm trong gia đình đều dồn xuống đôi vai ông. Hồi đó, dù có ý chí và khát vọng làm giàu, nhưng nhà quá nghèo, ông không có vốn để làm ăn. Nhớ lại, ông Trượng tâm sự: “Tôi như đứng giữa màn đêm, không biết con đường đi đâu, về đâu”.

Sau đó, một người bạn rủ ông đi học cơ khí. Học xong, ông làm công ăn lương cho một xưởng cơ khí ở địa phương. Vài năm sau, khi tích lũy được ít vốn, vay mượn thêm họ hàng nội ngoại, ông quyết định thầu khu đầm hơn chục mẫu ở địa phương để nuôi cá. Trong suốt ba năm cần mẫn làm ăn, bất ngờ tai họa ập đến, một trận bão lũ lớn, nhấn chìm toàn bộ đầm cá của ông. Thế là bao công lao đầu tư cho đầm cá trôi theo dòng nước lũ.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Trượng ngồi làm việc tại nhà riêng.

Không sờn lòng, nhụt chí, CCB Hoàng Văn Trượng lại tiếp tục lao vào làm việc. Ông mạnh dạn bán hết tài sản, xe máy, xe công nông và mảnh đất thổ cư gia đình để lại. Ông vay thêm vốn từ người thân, để thầu khu đất của hợp tác xã làm nông nghiệp, trồng cây bạc hà nấu dầu. Một lần, khi ông đang nấu dầu bạc hà, nồi áp suất bị nổ, tai họa lại ập đến. Lần này còn khủng khiếp hơn, ông bị bỏng cấp độ 4, chiếm 47% diện tích cơ thể, phải cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Đông, Hà Nội). Lúc này, ông tưởng mình sẽ chết, tâm trạng vô cùng bi quan, chỉ ao ước được sống tiếp, làm chỗ dựa cho con cháu.

May mắn thay, được sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ và người thân trong gia đình, sau một tháng nằm viện, CCB Hoàng Văn Trượng đã bước qua cái chết nhưng cũng phải hai năm sau, sức khỏe của ông mới hồi phục hoàn toàn. Tuy hai lần làm kinh tế thất bại, nhưng CCB Hoàng Văn Trượng không bỏ cuộc. Bằng ý chí và khí chất vốn có của người lính năm xưa, chỉ tiến không lùi, ông vẫn kiên định bền lòng phấn đấu, với mong muốn thoát nghèo.

Vững vàng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Từ cõi chết trở về, ông tiếp tục vay vốn, mua xe công nông vận chuyển trang thiết bị và vật liệu xây dựng, chở thuê cho bà con địa phương. Ba lần vay mượn vốn để làm giàu từ sau khi ra quân, cuối cùng, cánh cửa thành công đã mở ra với CCB Hoàng Văn Trượng. Sau nhiều năm chở thuê vật liệu xây dựng, ông đã tích lũy được một số vốn kha khá. Năm 2007, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Thiết kế và xây dựng Việt Hoa. Do làm ăn có uy tín, nên công ty của ông ngày càng phát triển. Cho đến nay, công ty đã thi công hàng chục công trình, doanh thu có năm đạt hơn chục tỷ đồng. Hằng năm, ông đóng thuế đều đặn cho nhà nước và bình quân tạo ra ít nhất 1000 công lao động mỗi năm. Riêng năm 2021, ông giải quyết được hơn 2000 công lao động thời vụ cho người dân địa phương.

CCB Hoàng Văn Trượng tâm sự: “Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên là thủ trưởng của Sư đoàn 320, là người tôi rất ngưỡng mộ. Tôi mong muốn học hỏi tấm gương của người thủ trưởng cũ, để rèn luyện. Cụ Khuất Duy Tiến năm nay đã 91 tuổi, nhưng tác phong của cụ vẫn như người lính năm xưa. Cụ đi quyên góp tiền công đức, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Cụ lấy cả sổ tiết kiệm của mình, góp vào xây dựng văn bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ. Thế nên, bản thân tôi cũng mong muốn có sức khỏe tốt, để tạo ra nhiều công ăn việc làm, giúp đỡ những người khó khăn để phát triển kinh tế, làm giàu cho cuộc sống, cho xã hội”.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Trượng trực tiếp giám sát thi công xây dựng.

Nói là làm! Vượt qua khó khăn, CCB Hoàng Văn Trượng hôm nay đã có cuộc sống ổn định và khả năng kinh tế giúp ích cho xã hội. Ông tích cực tham gia đóng góp, xây dựng các công trình đường, trường, trạm cho địa phương, với tư cách là chủ thầu như: Trường Tiểu học Hồng Vân (xã Hồng Vân); khu nhà tập đa năng, Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín); làm đường ở xã Phú Yên (Phú Xuyên). Năm 2015, công ty ông tham gia làm một phần đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, sửa chữa nâng cấp Đường Hồ Chí Minh tại huyện Lương Sơn và Yên Thủy (Hòa Bình). Đặc biệt, ông đóng góp vào các công trình tâm linh như đền, chùa, mở đường trong thôn, quyên góp nhiều triệu đồng cho các cựu chiến binh của Sư đoàn 320, xây dựng văn bia ở điểm cao 1049 và 1015 tại Đắk Tô (Kon Tum)…

Ông Bùi Tiến Lượng, Bí thư chi bộ thôn Bộ Đầu, nhận xét: “CCB Hoàng Văn Trượng là người có bản lĩnh, cần cù lao động, tích cực tham gia xây dựng các công trình văn hóa ở địa phương. Ông nhiệt tình tham mưu, đóng góp nhiều ý kiến tích cực cho chi bộ, chính quyền cơ sở, góp phần xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh. Những năm qua, sự phát triển của địa phương có sự đóng góp một phần công lao của CCB Hoàng Văn Trượng”.

Có một chi tiết khá bất ngờ, thú vị. Khi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình ông, chúng tôi được biết, CCB Hoàng Văn Trượng quê gốc ở Hưng Hà (Thái Bình), gia đình ông lên Hà Nội lập nghiệp từ những năm 1940. Vì nhà quá đông con (11 anh chị em), nên ông phải đi làm con nuôi cho gia đình hiện tại ở Thường Tín.

Ngày ấy, mẹ ông mang thai và sinh cùng lúc 3 người con (trường hợp đầu tiên ở miền Bắc). Sau ca sinh, gia đình vinh dự được đón Bác Hồ cùng bác sĩ Trần Duy Hưng về thăm và được tặng ba thước vải gấm. Lúc đầu, gia đình đặt tên 3 anh em là Nhất, Nhì, Ba. Sau đó, vinh dự được Bác Hồ đặt tên là Hùng, Mạnh, Dũng. CCB Hoàng Văn Trượng chia sẻ với chúng tôi, ngày bố mẹ nuôi còn sống, ông cũng đã tìm được bố mẹ đẻ của mình, chăm lo báo hiếu cho các cụ; nay các cụ đã mất nhưng thỉnh thoảng ông vẫn về thăm hỏi anh em họ hàng ở Thái Bình…

Đánh giá về CCB Hoàng Văn Trượng, Phó chủ tịch xã Thống Nhất, Hoàng Văn Trung, cho hay: “CCB Hoàng Văn Trượng là con người của công việc, vượt lên chính mình, bố mẹ thuần nông, nhưng ông vẫn chịu khó học hỏi, tự phát triển bản thân, sống hòa đồng với bà con. Khi địa phương gặp khó khăn, ông cũng là người thường xuyên đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, trong những năm dịch bệnh vừa qua, ông nhiệt tình đóng góp vào các quỹ phòng, chống Covid tại địa phương. Ông sống rất trách nhiệm với bà con, đậm chất Bộ đội Cụ Hồ, chính trực, thẳng thắn, có ý chí và nghị lực, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng”.

Nguồn: Báo QDND

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Thành hội Cần Thơ: Hướng tới Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI)   

    Thành hội Cần Thơ: Hướng tới Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ...

    Sau Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Công văn số 174-CV/TU, ngày 02/06/2021 về  “ T iếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương khóa XI”. Triển khai Công văn của Thành ủy; 9/9 Quận/ H uyện ủy của thành phố Cần Thơ đã có văn bản triển khai sâu rộng đến các cơ sở Đảng, ...