Chúng tôi vào thăm gia đình cháu Phạm Chí Cường, chứng kiến cảnh cháu ở trần, hai chân bị xích vào tường nhà mà đau lòng. Ở gian nhà bên, em gái Cường là Phạm Thị Hóa thẫn thờ ngồi ở mép giường lúc cười, lúc khóc. Ông Nguyễn Văn Thanh, tổ trưởng Tổ dân phố 34, phường Trường Thi, TP Nam Định - nơi gia đình cháu Cường sinh sống, kể: Bố mẹ Cường đều đã mất từ lâu. Bố Cường là ông Phạm Văn Ngân tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, sau năm 1975 ra Bắc, sinh thêm được Phạm Chí Cường (năm 1975) và Phạm Thị Hóa (năm 1977).
Cháu Phạm Chí Cường, nạn nhân CĐDC thế hệ 2, tại ngôi nhà cũ thường trú tổ dân phố số 34 phường Trường Thi, thành phố Nam Định
Hai anh em đều bị thiểu năng trí tuệ, tâm thần phân liệt, không biết gì. Cháu Cường cứ mặc quần áo vào là xé rách hoặc cởi ra, nếu không xích lại thì đi lang thang khắp nơi. Cháu Hóa thì lúc mê lúc tỉnh, chẳng làm gì được. Mọi việc chăm sóc, nuôi dưỡng hai anh em Cường và Hóa, từ khi bố mẹ qua đời đều dồn lên vai người chị cả Phạm Thị Quý (sinh năm 1965). Chị Quý lấy chồng gần đó. Hàng ngày, sau khi xong công việc bên nhà chồng, chị lại đến để chăm sóc hai em với vai trò như một người mẹ. Vợ chồng chị Quý là công nhân nhà máy dệt Nam Định về nghỉ chế độ một lần, kinh tế cũng khó khăn vất vả, chỉ có thể giúp cơm nước, giặt giũ cho hai em. Được sự quan tâm của chính quyền TP Nam Định, Thành hội Nam Định và chính quyền phường Trường Thi đã giúp đỡ, xây căn nhà tình nghĩa rộng 20m2 trị giá 68 triệu đồng có đủ điện nước sinh hoạt khép kín cho Cường. Biết rõ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của anh em Cường, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin phường thường xuyên cử người đến thăm hỏi; Tổ dân phố quan tâm, hàng ngày cử người qua lại hỗ trợ, giúp đỡ hai anh em lúc trái gió trở trời và những khi cần thiết.
Tỉnh hội thăm và tặng quà gia đình cháu Cường tại căn nhà tình nghĩa do thành phố xây mới
Ông Hoàng Đình Nhân, Chủ tịch Hội phường Trường Thi cho biết, toàn phường có 139 nạn nhân CĐDC, trong đó có 33 nạn nhân gián tiếp; hiện nay lại thêm một gia đình có hoàn cảnh giống như hoàn cảnh cháu Cường. Tỉnh Nam Định hiện nay có trên 2.000 nạn nhân gián tiếp. Các cháu phần lớn bị dị dạng dị tật, tâm thần phân liệt và thiểu năng trí tuệ, không tự phục vụ được. Bố mẹ các cháu đều tuổi trên dưới 70, ốm đau, bệnh tật do bị ảnh hưởng của CĐDC. Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống chỉ tính ngày, tính tháng. Bố, hoặc mẹ của nhiều cháu đã qua đời. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi cả bố và mẹ các cháu không còn nữa, không biết rồi các cháu nương tựa vào ai?
Đây là bài toán khó, mà tổ chức Hội không thể giải quyết được. Tỉnh hội đã báo cáo lên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo tỉnh hứa sẽ chỉ đạo ngành Lao động- TBXH có phương án tiếp nhận, nuôi dưỡng các cháu nạn nhân mồ côi, nhưng đến nay mới chỉ là lời hứa. Kế hoạch khắc phục hậu quả chất độc hóa học của tỉnh đến năm 2020 đề ra vẫn còn ở trên giấy, chưa được các ngành, các cấp vào cuộc. Tỉnh Nam Định hiện vẫn chưa có trung tâm bảo trợ nạn nhân CĐDC. Các cháu nạn nhân CĐDC không thể đợi lâu hơn được nữa. Chính vì vậy, đề nghị nhà nước nên sớm có chính sách quan tâm đến đối tượng này.
Bình luận