Ông Nguyễn Thăng Long Giám đốc Trung tâm cho biết: Khi NNCĐDC đến đây điều trị đều phải thực hiện theo liệu trình cơ bản: Đo huyết áp, nhịp tim, cân nặng, khai báo tiền sử bệnh tật; nghe hướng dẫn quy trình xông hơi; vận động trước khi xông hơi, thời gian tăng dần từ 10 phút đến 30 phút, chạy bộ, vận động chân tay; vào phòng xông hơi đã được bật sẵn với nhiệt độ từ 70 đến 80 độ C; thời gian xông từ 1 đến 4 giờ/buổi, tùy theo sức khỏe của mỗi người; đối tượng ngồi trong phòng xông từ 5 đến 15 phút/lần, sau đó tắm và bổ sung lượng muối cùng nước; tới ngày thứ 3, được bổ sung dung dịch Can-mag với Lecithin. Kết thúc thời gian xông hơi trở lại phòng khám lấy Lecithin về, đến 2 giờ chiều mới ăn; trong suốt 21 ngày xông hơi, không được nghỉ ngắt quãng trên 2 ngày, nếu nghỉ phải thông báo với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên. Hết liệu trình 21 ngày, khi về được cấp 5 ngày Vitamin uống tại nhà, theo số lượng giảm dần.
Ông Nguyễn Thăng Long cho biết thêm: Đối tượng đến đây tẩy độc đều là các CCB và NNCĐDC khu vực phía Bắc và tỉnh Bình Dương. Mỗi năm Trung tâm điều trị từ 350 đến 500 nạn nhân, do các Tỉnh hội đưa về, mỗi đợt 21 ngày. Thuốc được nhập khẩu trực tiếp cùng máy móc, thiết bị do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Quốc phòng và một số nhà hảo tâm tài trợ.
Các nạn nhân đến đây cơ bản sức khỏe yếu, thu nhập thấp, có nạn nhân không đi được, nhưng sau khi đến đây điều trị, xông hơi 7 đến 10 ngày thì đi lại được, nhiều đoàn và nhiều người đã viết thư cảm ơn vì sức khỏe được nâng lên rõ rệt.
Cựu chiến binh, NNCĐDC tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Minh Tiến, 82 tuổi, trú ở thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam bày tỏ: Khi đến đây điều trị, sức khỏe được cải thiện nhiều, đêm ngủ tốt và ăn ngon miệng hơn. Trung tâm còn có không gian xanh, sạch, yên tĩnh; thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên rất nhiệt tình. Sau khi thực hiện xong liệu trình 21 ngày, tôi thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt”.
Trong lần tiếp xúc với Trung tâm mới đây, ông Nguyễn Văn Khanh chia sẻ những khó khăn của Trung tâm, đó là chế độ chính sách vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; thuốc thì được Trung ương Hội hỗ trợ một phần, chủ yếu vẫn do các Tỉnh hội và nạn nhân phải đóng góp, ông mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ thường xuyên hơn nữa. Bởi theo ông, đây còn là nơi tập hợp các nhân chứng sống về thảm họa da cam ở Việt Nam; bên cạnh việc vận động các tầng lớp nhân dân, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục giúp đỡ nạn nhân, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam còn là hành động “Đền ơn đáp nghĩa, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, của dân tộc Việt Nam./.
Nguyễn Như Ý
Bình luận