• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hà Nội tích cực chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam

Chiến tranh tuy đã lùi xa, nhưng vết thương vô hình dioxin vẫn còn đó và tiếp tục di truyền qua các thế hệ, từ cha, mẹ sang con; từ ông, bà sang cháu, chắt. Việc khắc phục hậu quả thảm họa da cam là lương tâm, là trách nhiệm của cộng đồng và của toàn xã hội. 

Thấu hiểu những khó khăn của nạn nhân và gia đình nạn nhân, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội, đặc biệt là Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin Thành phố luôn quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân. Tích cực kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hào tâm và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn cùng chung tay đóng góp giúp đỡ “xoa dịu nỗi đau da cam”.

Khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái”
Theo kết quả khảo sát, thống kê, hiện nay thành phố Hà Nội có trên 50 ngàn người bị phơi nhiễm, với gần 19 ngàn người trực tiếp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Riêng thế hệ thứ 3, thứ 4 có khoảng 650 người bị nhiễm chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng trợ cấp của Nhà Nước, và đến nay Hà Nội có trên 2 ngàn nạn nhân chất độc da cam đã từ trần. Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, thế hệ thứ 2, thứ 3, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, sinh con dị tật, thiểu năng trí tuệ. Nhiều nạn nhân không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu nhập. Số gia đình nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ cận nghèo vẫn còn (tỉ lệ chiếm khoảng 30% trong số gia đình nạn nhân). Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam.

Với nhiệt huyết, trách nhiệm và nghĩa tình đồng đội, vì nạn nhân da cam, Hội NNCDDC/dioxin thành phố Hà Nội đã phối hợp và phát huy sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tận dụng mọi tiềm năng để huy động nguồn lực. Chủ tịch Hội NNCDDC/dioxin thành phố Hà Nội Trần Văn Quang cho biết, trong gần 20 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, song Thành hội và các hội thành viên ở các quận, huyện đã cố gắng làm tốt công tác vận động, huy động được gần 230 tỷ đồng giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân và gia đình họ ổn định cuộc sống. Hàng năm, các cấp Hội tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nạn nhân, đưa nạn nhân vào nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị tại “Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam thành phố Hà Nội” và tổ chức đưa nạn nhân đi giải độc, điều trị tại trung tâm của Trung ương Hội NNCĐ da cam Việt Nam; phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ làm thủ tục để nạn nhân tham gia các tổ vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội v.v… Nhờ đó, đời sống của đa số nạn nhân và gia đình có thành viên bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trên địa bàn Hà Nội chuyển biến tốt hơn, để họ vươn lên hòa nhập cộng đồng và sống có ích.


Mái nhà chung ấm áp yêu thương

Trung tâm cùng với gia đình động viên nạn nhân.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2016, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và điều dưỡng NNCĐ da cam/dioxin thành phố Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) từ lâu đã trở thành mái nhà chung ấm áp nghĩa tình khi tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và tẩy độc cho cựu chiến binh và con đẻ của các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc 120 nạn nhân trong độ tuổi từ 21-57 bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó, 24 nạn nhân liệt, tàn tật; 96 nạn nhân tâm thần, động kinh, chậm phát triển.
Ông Lê Thành Biên, Giám đốc Trung tâm cho biết: Đây là Trung tâm đầu tiên của Việt Nam được ra đời theo mô hình Quản lý Nhà nước. Điều kiện xét duyệt nạn nhân để đưa vào nuôi dưỡng theo hướng mở hơn so với các tổ chức Hội Cực chiến binh Việt Nam và Hội NNCDDC/đioxin Việt Nam. Cụ thể, việc nuôi dưỡng nạn nhân tại đây không giới hạn về thời gian (nuôi dưỡng suốt đời), độ tuổi, tình trạng sức khỏe; ưu tiên đối với những gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân. Kinh phí được nhà nước hỗ trợ toàn phần. Toàn Trung tâm hiện có 65 cán bộ, nhân viên tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị. Song song với đó, Trung tâm đã triển khai một số hoạt động giáo dục dạy nghề, tạo việc làm phù hợp, giúp cho các nạn nhân tự tin hơn trong cuộc sống.
Được gia đình đến thăm, anh Vũ Thái Sơn, dù đã ngoài 40 tuổi, nhưng thấy vui như một đứa trẻ lên 3. Anh là con trai đầu của Thương binh Vũ Văn Dục, đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và Tây Ninh, không may bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đây là năm thứ 6, anh Sơn sinh sống tại Trung tâm. Nắm chặt tay con trong niềm xúc động, ông Dục tâm sự: “Hàng năm, tôi lên đây thăm con ít nhất là 4 lần. Lần nào lên thăm cũng thấy rất hài lòng, xem đây là ngôi nhà thứ hai của con. Con được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị ở đây, sức khỏe cũng tốt hơn. Tôi cảm thấy yên tâm”.

Coi nạn nhân như người thân trong gia đình

Trung tâm tổ chức các hoạt động vui chơi thể thao cho nạn nhân.

Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, ngoài sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng, đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm luôn coi nạn nhân như người thân trong gia đình. Các anh, chị chủ động thực hiện các biện pháp nhằm chăm sóc, trợ giúp an toàn, chu đáo cho nạn nhân. Có thể kể đến như: Chị Đinh Thị Nhật Thanh (sinh năm 1977), nhân viên chăm sóc, trị liệu ở Trung tâm. Sự nghiệp của chị gắn bó với những con người đặc biệt, họ kém may mắn phải chịu đựng hậu quả do chiến tranh để lại, bản thân họ sinh ra không được nguyên vẹn như người bình thường, ở độ tuổi 30, 40 hay 50 nhưng trí tuệ hầu như chỉ dừng lại ở mức như đứa trẻ 3, 4 tuổi, ngây ngô cười nói hoặc khóc lóc cả ngày. Và cũng chính sự ngây ngô đó tạo nên tình cảm gắn bó giữa chị và họ mỗi ngày.
Chị Thanh chia sẻ: “Công việc chăm sóc nạn nhân bị nhiễm chất độc Da cam rất vất vả. Nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc Da cam mỗi người một vẻ, không ai giống ai. Bản thân tôi làm việc tại tổ chăm sóc nạn nhân đặc biệt gồm 20 nạn nhân, trong đó hầu hết bị liệt chân tay hoặc liệt toàn thân, thậm trí vừa liệt vừa tâm thần nên trong quá trình chăm sóc, phục vụ gặp vô vàn khó khăn. Các bạn ấy hầu hết biết ăn mà không biết nó, khó chịu chỉ biết kêu la… Việc đi vệ sinh không tự chủ được nên hàng ngày mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào cán bộ chăm sóc như chúng tôi".
Chị Thanh luôn coi các nạn nhân ở Trung tâm như người thân ruột thịt trong gia đình. Bản thân chị mong muốn góp chút sức nhỏ của mình để chăm sóc thật tốt cho các nạn nhân Da cam nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau trong họ. “Gắn bó với nạn nhân bị nhiễm chất độc Da cam điều làm tôi ấn tượng nhất đó là mỗi khi nhìn thấy nạn nhân Nguyễn Thị Hằng (quê ở quận Long Biên), em bị khiếm thị, chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng mặt trời nhưng trong em lúc nào cũng tràn đầy nghị lực vươn lên. Không thấy đường nhưng việc sinh hoạt cá nhân em đều có thể tự lo cho mình. Hàng ngày em thức dậy từ rất sớm, gấp gọn chăn màn của mình rồi lại đi gấp chăn màn cho các bạn khác. Buổi tối em còn hỗ trợ bạn cùng phòng đi vệ sinh. Em học hát mỗi ngày để tham gia tất cả các chương trình văn nghệ tại Trung tâm mỗi khi có đoàn từ thiện đến thăm. Đôi khi bản thân tôi cũng gặp phải những chuyện không may mắn, không vui… nhưng chỉ cần nhìn thấy em là tôi giống như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua tất cả”. Chị Thanh chia sẻ.
Không chỉ mỗi chị Thanh, ở nơi đây cán bộ, nhân viên mà chúng tôi gặp đều thể hiện sự nhiệt huyết, trách nhiệm, luôn có thái độ ân cần, tận tình, trách nhiệm, phục vụ nạn nhân bằng tình yêu thương. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Lê Thành Biên chia sẻ: “Kết quả hoạt động của Trung tâm tuy còn có những hạn chế nhất định, nhưng sự tiến triển của một số nạn nhân về sức khỏe, nhận thức, hành vị đã là nguồn động viên, khích lệ lớn để tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm tiếp tục cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng môi trường thân thiện, tạo niềm tin cho gia đình nạn nhân và xã hội.

Nguồn: Báo Quốc phòng Thủ đô

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác