• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hà Tĩnh: “Tạm dừng” đến bao giờ?

Hà Tĩnh: “Tạm dừng” đến bao giờ?

Người Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Oánh, sinh năm 1934, xóm Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã bước qua tuổi 86, sức khỏe đã giảm nhiều, do bệnh tật ngày một thêm nặng, ông đi lại bằng nạng, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ đến sự giúp đỡ của người vợ và các con. Nói chuyện với chúng tôi, người Cựu chiến sĩ Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), Cựu chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, ông Nguyễn Khắc Oánh chỉ ước nguyện một điều, đó là: trước khi về với tổ tiên nơi chín suối, ông Oánh đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng cho biết, ông có đúng đối tượng, có đủ điều kiện được hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam không? Ông Oánh nói: Đã 16 năm rồi, ngày, đêm khắc khoải mong đợi chính quyền phán quyết, cắt hay dừng cho rõ ràng chứ “tạm dừng” đến bao giờ nữa? Chế độ trợ cấp là quan trọng, nhưng không quan trọng bằng danh dự của người chiến sĩ, đã từng vào sinh, ra tử nơi chiến trường, đó mới là tất cả.

Ông Nguyễn Khắc Oánh, nhập ngũ năm 1959, ông được biên chế vào đơn vị Công an Vũ trang, năm 1964 ông vào chiến trường Quảng Trị, tháng 10/1965, sau trận đánh ác liệt, ông Oánh vinh dự được kết nạp vào Đảng ngay tại chiến hào. Hơn 10 năm ở chiến trường, ông Oánh đã trực tiếp tham gia hàng chục trận đánh, lập nhiều chiến công. Ông đã được tặng thưởng nhiều Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều phần thưởng khác. Năm 1978, ông Oánh chuyển ngành, do bệnh tật, sức khỏe yếu, ông được nghỉ việc hưởng chế độ mất sức. Năm 2000, khi thực hiện chế độ đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, ông Oánh được xét duyệt hưởng chế độ trợ cấp NNCĐDC. Năm 2004, qua thanh tra, rà soát, Thanh tra Bộ LĐTBXH đã “tạm dừng” hưởng chế độ NNCĐDC đối với ông Oánh.

Cũng như ông Oánh, ông Nguyễn Khắc Ngạc (71 tuổi) thương binh ¼, xóm Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Ông Ngạc, nhập ngũ đầu năm 1971 thì cuối năm ông vào chiến trường Tây Nguyên; năm 1976 ông Ngạc xuất ngũ. Ông có được 6 người con thì 2 người con khi sinh ra bị dị dạng, dị tật, chết yểu. Ông Ngạc được hưởng chế độ trợ cấp NNCĐDC năm 2002, năm 2004, ông bị tạm dừng hưởng chế độ NNCĐDC. Lý do, ông Ngạc đang hương chế độ thương binh. Ông Ngạc cho biết, quyết định ghi là tạm dừng, nhưng 16 năm rồi không thấy cơ quan chức năng thông báo dừng hẳn hay được tiếp tục hưởng chế độ, “tạm dừng” lâu quá! Có người chết mà phải đem theo cái “tạm dừng” ấy xuống cõi âm.

Những tấm Huân chương ông Nguyễn Khắc Oánh được tặng thưởng trong những năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam là minh chứng cho sự cống hiến của ông trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và ông luôn tự hào về điều đó

Ông Hoàng Xuân Việt, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin-Bảo trợ Người khuyết tật & Trẻ mồ côi huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: năm 2004, 2009 Thanh tra Bộ LĐTBXH đã tiến hành thanh tra, rà soát hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng chế độ NNCĐDC trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Qua thanh tra, rà soát, huyện Thạch Hà có 49 trường hợp bị tạm dừng hưởng chế độ. Họ bị tạm dừng với nhiều lý do, trong đó, phần nhiều đối tượng bị tạm dừng trợ cấp chế độ là do thời điểm đó họ đang cùng hưởng hai chế độ trợ cấp, như thương binh, bệnh binh, mất sức lao động cộng với chế độ NNCĐDC.

Theo Thông tư Liên tịch số 14/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT-BTC ngày 8/11/2004 của Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế và Bộ Tài chính: Hướng dẫn thực hiện chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP.

Tại Tiết 2, Điểm a, Khoản 2. Điều kiện: Đang không hưởng trợ cấp bệnh binh, hoặc trợ cấp mất sức lao động.

Như vậy, chiểu theo Thông tư Liên tịch số 14/2004 thì Thanh tra Bộ LĐTBXH ban hành quyết định tạm đình chỉ hưởng chế độ trợ cấp NNCĐDC đối với những đối tượng là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng đang hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, mất sức lao động là đúng quy định.

Nhưng sau đó, ngày 26/5/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Tại Khoản 2, Điều 23, Nghị định này: Người đang hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, mất sức lao động có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 22 Nghị định này còn được hưởng khoản trợ cấp hàng tháng.

Như vậy, theo Nghị định 54/2006 của Chính phủ thì những trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là thương binh, bệnh binh, mất sức lao động như trường hợp ông Nguyễn Khắc Oánh, Nguyễn Khắc Ngạc và một số trường hợp khác ở huyện Thach Hà bị “tạm dừng” hưởng chế độ NNCĐDC có đủ điều kiện tiếp tục được hưởng chế độ trợ cấp NNCĐDC.

Với tinh thần trách nhiệm, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân đối với người có công với cách mạng nói chung và đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nói riêng thì đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan chức năng phải thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Cán bộ Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà, thăm ông Nguyễn Khắc Ngạc.

Mong rằng, Sở LĐTBXH, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh và Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh sớm tiến hành việc rà soát lại những trường hợp NNCĐDC bị tạm dừng hưởng chế độ, nếu đủ điều kiện theo Nghị định 54/2006 của Chính phủ thì xem xét để đối tượng tiếp tục được hưởng trợ cấp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam./.

Nguyễn Hồng

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Hội tỉnh Tiền Giang: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam

    Bà Trần Thị Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: Phương châm xuyên suốt trong hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam”. Những năm qua Hội các cấp trong tỉnh luôn gần gũi, cảm thông và chia sẻ với NNCĐDC; Hội luôn giữ vai trò nòng cốt, là ...