• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

HỌC ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH VÀ KỸ NĂNG VIẾT BÁO CỦA BÁC HỒ ĐỂ GIỮ TÂM SÁNG, BÚT TRONG

Khởi đầu từ báo Thanh Niên ra đời ngày 21-6-1925 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo, đến nay Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển rất đáng tự hào. Tự hào hơn khi Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, một nhà báo vĩ đại, đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ người làm báo. “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo chí”. Những lời Người dạy “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, Viết như thế nào?” - đó là bài học giá trị về đạo đức, phong cách làm báo, kỹ năng nghề nghiệp vô cùng sâu sắc và luôn nóng hổi tính thời sự mà Bác Hồ đã để lại cho các thế hệ người làm báo Việt Nam.

Trong hơn 50 năm làm báo cách mạng, Bác Hồ đã viết hơn 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng, nhiều thể loại, với trên 50 bút danh khác nhau nhưng đều nhất quán tư tưởng cách mạng, yêu nước, thương dân, đạo đức cao cả và được thể hiện qua ngôn ngữ giản dị, phong cách viết đa dạng, hấp dẫn, có sức lay động và luôn hướng tới “chân - thiện - mỹ”.

Trước khi đặt bút viết, Người thường trăn trở: “Viết cho ai, viết để làm gì?”, “Viết như thế nào?”. Và theo Người: Viết cho đại đa số công - nông - binh, viết để giáo dục giải thích, cổ động, phê bình, phục vụ quần chúng; viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc.

Những năm bôn ba tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vì “muốn tuyên truyền cho nước ta” mà “nhất định phải học viết cho kỳ được”. Tâm sự với cán bộ của lớp chỉnh đốn Đảng Trung ương ngày 17/8/1953, Bác bộc bạch “Lần đầu tiên bài mình được đăng có thể nói là sung sướng nhất trong đời người”. Bài báo ấy, Người viết trên tờ Đời sống thợ thuyền của Pháp. Cách làm báo của Bác là mỗi lần viết, trước khi gửi đến tòa soạn, Người chép thành hai bản, để sau khi báo đăng so xem họ sửa thế nào, từ đó mà tiếp thu, sửa chữa. Không chỉ viết báo, Người còn làm chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ và kiêm cả phát hành, bán báo.

Kể từ mùa xuân 1951 đến giữa năm 1969, Bác Hồ đã viết 1205 bài trên báo Nhân Dân với 23 bút danh khác nhau. Nhiều nhất là năm 1955, Bác viết 244 bài báo. Mỗi bài viết trong mỗi bối cảnh cụ thể và có mục đích riêng, nhưng giờ đây đọc lại, ai cũng học được ở đó nhiều điều hay, bổ ích và mới mẻ. Hay - là ở cách đặt vấn đề, cách viết và đặc biệt là cách thể hiện tư tưởng của từng bài. Trong mỗi câu, mỗi chữ của Bác, ta đều thấy ấm nồng tình người, bao dung cao cả và toát lên tư tưởng vì nước, vì dân. Nội dung, ý tứ bài báo rõ ràng, câu chữ trong sáng, mạch lạc, ngắn gọn và dễ hiểu. Viết về những vấn đề trong cuộc sống, viết về nhân dân, về cán bộ đảng viên, lời lẽ của Bác mộc mạc, chân tình. Trong bài viết nhan đề “Đáng khen… và đáng chê” (báo Nhân Dân, số 4667 ngày 17/1/1967, bút danh Chiến Sỹ), Bác đã mở đầu bằng 4 câu thơ: “Cán bộ xung trước/ Làng nước theo sau/ Việc khó đến đâu/ Cũng làm được hết” và còn trích một đoạn bài báo đã đăng trên Báo Hà Tây khi đó phản ánh việc xã Hồng Hà (Đan Phượng) có thôn Bá Giang nổi tiếng nấu rượu lậu. Đảng ủy xã đã mở cuộc vận động, yêu cầu đảng viên thực hiện trước cho dân theo và kết quả là xóa được tệ này. Rồi Bác lại dẫn Báo Hải Phòng nêu Xí nghiệp 1-5 mở tiệc liên hoan hết 5 con lợn; xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy) giết 3 con lợn, nấu 50 kg gạo để làm 121 mâm cỗ tại một đám hiếu… Chỉ vì cán bộ thiếu gương mẫu nên tình trạng ấy cứ tiếp diễn. Bài báo kết thúc bằng một câu nhẹ nhàng nhưng chỉ rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên: “Xin hỏi các đồng chí lãnh đạo Xí nghiệp 1-5 và các đồng chí bí thư, phó bí thư xã Ngũ Phúc nghĩ thế nào?”. Rất nhẹ nhàng, nhưng đó không còn là câu hỏi nữa mà chính là lời nhắc nhở, phê bình nghiêm túc!...

Viết về bọn thực dân đế quốc, lời lẽ trong các bài báo của Bác khảng khái, cương trực, ý tứ mai mỉa mà thâm thúy sâu cay: Bác gọi tên tướng Mỹ Oét-mo-len là “Vét mỡ lợn”; gọi Mắc-na-ma-ra là “Mặt nạ ra ma”… Trong bài “Quân Mỹ chết nhăn răng, tướng Mỹ nhăn răng cười” ( Báo Nhân Dân số 4292, ngày 4/1/1966), Bác viết: Từ ngày bắt đầu xâm lược miền Nam nước ta, giặc Mỹ luôn khoe khoang “thắng lợi”. Nhưng “thúng không úp được voi”. Thế giới đều biết rằng 4 phần 5 đất đai và 2 phần 3 nhân dân miền Nam đã được giải phóng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mặt nạ ra ma là trạng nói láo. Mùa đông năm 1963, y nói: Cuối năm 1965, miền Nam sẽ “bình định” xong và lính Mỹ sẽ được về nước. Song, cuối năm 1965, chẳng những lính Mỹ cũ không được về nước mẹ, mà số lính Mỹ mới chở đến miền Nam đã tăng gấp mười mấy lần”… Lời lẽ, câu chữ, ý tứ trong cách lập luận của Bác vô cùng thuyết phục…

Với những người làm báo, Bác không quên nhắc nhở: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”, vì vậy “cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II (1959) và lần thứ III (1962), Bác đều đến dự và nói chuyện. Những lời dặn dò, nhắc nhở của Bác luôn được các thế hệ người làm báo Việt Nam khắc sâu trong tâm khảm: “Người làm báo phải có lập trường chính trị vững vàng; chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì việc khác mới đúng được. Người làm báo hơn ai hết phải không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và nghiệp vụ làm báo. Nhãn quan chính trị sai lệch, cái tâm nghề nghiệp không trong sáng, thì sự phản ánh sẽ thiếu khách quan chân thật”. Viết báo, với Bác là để phục vụ số đông quần chúng, vì thế mà những bài báo của Bác thường ngắn gọn, dễ hiểu, trong sáng, dung dị. Bác có riêng một bài nói về cách viết, viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, lời ngắn, ý dài. Đặt câu hỏi: Viết như thế nào? Bác nhắc phải tránh lối viết “rau muống”, nghĩa là lằng nhằng, “trường giang đại hải” làm cho người xem như “chắt chắt vào rừng xanh”. Muốn cho người xem nhớ được, hiểu được, phải viết đúng trình độ của người xem. Bác rất ghét cách sính dùng từ, nhất là lạm dụng tiếng nước ngoài: “Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia… dùng lung tung nhiều khi không đúng. Đời sống xã hội ngày càng phát triển và đổi mới, vì thế ngôn ngữ cũng phát triển theo. Có những chữ ta không sẵn và khó dịch thì cần phải mượn chữ nước ngoài (như từ độc lập - phải nói Việt Nam độc lập, chứ không thể nói là Việt Nam đứng một được”.

Câu nói “Viết cho ai? Viết để làm gì?” - mà Bác Hồ đặt ra cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn luôn là điều mà mỗi người làm báo hôm nay phải suy ngẫm và trăn trở mỗi khi đặt bút viết. Cái tâm của người viết có trong sáng mới phản ánh trung thực cuộc sống, cả những mặt tốt, mặt chưa tốt và cái xấu cần phê phán, để bảo vệ cho lẽ phải. Cây bút, tác phẩm báo chí là vũ khí sắc bén - là vì lẽ đó! Viết báo để góp phần xây dựng, cải tạo hiện thực, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Tại lớp chỉnh Đảng Trung ương tháng 8-1953, Bác đã căn dặn: Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta; đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, bộ đội; không nên chỉ viết cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại, có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 118).

Ngẫm lại những điều Bác phê bình, đến bây giờ vẫn thấy quá đúng; có phấn đấu cả đời cầm bút cũng chưa đủ, chưa thực hiện được lời dạy của Người. Đến với báo chí vì mục tiêu cách mạng, viết báo cũng để làm cách mạng, tư tưởng cao cả của Bác và những lời Bác dạy viết báo thấm qua từng câu, từng chữ, nôm na, bình dị, trong sáng nhưng là đỉnh cao của nghệ thuật dùng từ.

Kỷ niệm lần thứ 95 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020) năm nay, nhớ Bác, mỗi chúng ta càng thấm thía hơn những lời dạy của Người về đạo đức nghề nghiệp, phong cách làm báo, để luôn giữ cho tâm sáng, bút trong./.

Giang Bùi

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

    Nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

    Theo kế hoạch, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ...