• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hội đồng Chấm thi vòng chung khảo tổ chức Phiên họp lần thứ nhất

Hội đồng Chấm thi vòng chung khảo tổ chức Phiên họp lần thứ nhất

Ngày 06/5/2021, tại Hà Nội, Hội đồng Chấm thi vòng chung khảo Giải Báo chí về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam”, lần thứ I, năm 2020 – 2021 đã tiến hành họp phiên lần thứ nhất. Đến dự và chỉ đạo phiên họp có Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Trung tướng, PGS,TS Đặng Nam Điền – Phó chủ tịch, Tổng thư ký; đồng chí Nguyễn Văn Khanh – Phó Chủ tịch, Giám đốc Quỹ và các đồng chí thành viên Ban Giám khảo.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh phát biểu tại phiên họp

Đại tá Trần Đình Đích Tổng biên tập Tạp chí Da cam Việt Nam, Trưởng ban Chấm thi vòng chung khảo đọc báo cáo trong phiên họp

Thay mặt Cơ quan Thường trực, Đại tá Trần Đình Đích đã đọc báo cáo kết quả bước đầu của Cuộc thi, trong đó nêu rõ: tính đến ngày 30/3/2021, Cơ quan thường trực đã nhận được 537 tác phẩm dự thi. Đối tượng dự thi rất đa dạng, bao gồm: cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; nhân dân ở các vùng miền trong cả nước; phóng viên các báo, đài Trung ương và địa phương; người Việt Nam ở nước ngoài... Độ tuổi dự thi từ 20 đến trên 80 tuổi. Thể loại dự thi phong phú: phóng sự, ký sự, bút ký, điều tra, chính luận, phản ánh, thơ... Nội dung đề cập phong phú, như: thảm họa da cam ở Việt Nam; công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học; công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC; chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con, cháu của họ bị nhiễm CĐHH; những tấm gương nạn nhân vượt khó vươn lên và gương cán bộ làm công tác hội; vinh danh các doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong công tác hỗ trợ cho nạn nhân; cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC ở Việt Nam... Việc tổ chức Cuộc thi chặt chẽ, khoa học. Nhiều đơn vị, tổ chức đã tích cực tham gia; điển hình như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La/Quân khu 2 với 50 tác phẩm; Hội huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) với 36 tác phẩm; huyện Mê Linh (Thành phố Hà Nội) có 19 bài; xã Đại Xuyên, (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có 9 tác phẩm. Các báo Quân đội nhân dân, VOV, CCB Việt Nam, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Báo Đồng Khởi, Báo Quân khu 4... là những đơn vị có nhiều bài dự thi.

Người cao tuổi nhất tham gia dự thi là ông Lê Quang Lâm 81 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, (tp Hà Nội). Bà Nguyễn Đắc Như Mai là Việt kiều tại Pháp đã có tác phẩm dự thi khá tốt; từ đất mũi Cà Mau, CCB Lê Xuân Thái có tác phẩm viết về sự thật “Em bé trong rừng đước Cà Mau” của GS. Goro Nakamusa Nhật Bản chụp năm 1976...

Tuy nhiên, cũng còn một số tác phẩm không hợp lệ, như: viết theo hướng thi tìm hiểu về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả; nhiều bài chưa được đăng tại các báo, tạp chí nhưng đã gửi dự thi; bài viết bằng tay hoặc đánh máy nhưng không có File mềm; gửi bài đã đăng không trong khoảng thời gian theo Thể lệ... Trong số 537 tác phẩm dự thi, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn được 80/537 tác phẩm xuất sắc để đưa vào chấm thi vòng chung khảo. Theo đó, Hội đồng Chấm thi vòng chung khảo có tránh nhiệm chọn ra: 3 giải A; 5 giải B; 10 giải C; 15 giải khuyến khích và một số giải phụ.

Trung tướng PGS,TS Đặng Nam Điền kết luận phiên họp

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất cách làm, phương pháp chấm điểm, nội dung cần tập trung,... Qua đó, Trung tướng PGS,TS Đặng Nam Điền đã kết luận:

  1. Các thành viên Ban Giám khảo dựa vào Quy chế chấm thi, Thể lệ Cuộc thi; Quy chế xét tặng Giải thưởng để chấm điểm, bảo đảm chính xác, khách quan. Cách cho điểm thống nhất lấy đến phần trăm, làm chẵn đến ¼ điểm. Ví dụ: 7,75; 8,5; 9,25...
  2. Trong số 80 bài mỗi thành viên lựa chọn từ 25 – 30 bài có điểm từ 7 trở lên. (Có thể tương ứng với các giải A,B,C,KK). Bài có điểm dưới 7,0 tách riêng.
  3. Các thành viên nộp bài về bộ phận thường trực (Tạp chí Da cam Việt Nam) trước ngày 30/5/2021. Bộ phận thường trực tổng hợp kết quả xong trước ngày 15/6/2021.
  4. Nhất trí đề xuất của nhà văn Minh Chuyên và Tạp chí Da cam Việt Nam tuyển chọn bài đạt giải cao để xuất bản sách.

Nhà văn Minh Chuyên phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đã đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của Ban Tổ chức, nhất là Cơ quan Thường trực Cuộc thi. Đồng chí nhấn mạnh: có thể khẳng định bước đầu Cuộc thi đã thành công tốt đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ và ấn tượng, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam. Đồng chí tin tưởng, Hội đồng Chung khảo, với các thành viên là những nhà báo, nhà văn, nhà thơ có uy tín, nhiều kinh nghiệm sẽ lựa chọn được các tác phẩm xuất sắc, xứng đáng để trao giải.

Các thành viên chụp ảnh lưu niệm với Thường trực Hội

Cuộc thi sẽ được tổng kết, trao giải vào dịp chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, tháng 7 và tháng 8/202

Mạnh Đình

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác